THẢO LUẬN TẠI TỔ 07: XÁC ĐỊNH RÕ NGUYÊN NHÂN, TÌM RA ĐÚNG GIẢI PHÁP CƠ CẤU LẠI HIỆU QUẢ NỀN KINH TẾ

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, chiều ngày 29/10, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự kiến kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 – 2025. Tổ số 07 gồm Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái, Quảng Ninh, Quảng Nam, Khánh Hòa, Bình Dương, Bến Tre.

Toàn cảnh phiên thảo luận

Toàn cảnh phiên thảo luận

Qua thảo luận, các đại biểu đánh giá cao báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế và những nỗ lực của Chính phủ trong việc chỉ đạo, điều hành triển khai thực hiện Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020 theo Nghị quyết số 24/2016/QH14 ngày 08/11/2016 của Quốc hội đã đạt được nhiều kết quả tích cực, quan trọng; chất lượng tăng trưởng được nâng lên, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, năng suất lao động được cải thiện, huy động vốn đầu tư phát triển tăng; quản lý nợ xấu, nợ công có nhiều tiến bộ, hiệu quả sử dụng vốn được cải thiện; thể chế luật pháp, kinh tế, môi trường đầu tư, kinh doanh, xếp hạng năng lực cạnh tranh được cải thiện đáng kể. Quy mô, tiềm lực, sức cạnh tranh của nền kinh tế được tăng lên rõ rệt, từ đó tạo tiền đề thuận lợi cho những đổi mới và đột phá trong tăng trưởng kinh tế ở giai đoạn tiếp theo.

Qua thảo luận, các đại biểu cũng chỉ rõ, cơ cấu lại đầu tư công thời gian qua chưa đáp ứng yêu cầu, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công chậm, hiệu quả đầu tư công chưa cao, chưa phát huy được vai trò dẫn dắt của đầu tư công. Cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, nhất là các ngân hàng thương mại yếu kém còn chậm, chi phí vốn còn cao. Sắp xếp lại, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước tiến độ còn chậm, đạt tỷ lệ thấp so với Kế hoạch, chỉ mới tập trung vào việc sắp xếp, thu gọn số lượng; hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước chưa tương xứng với nguồn lực được giao; một số dự án đầu tư kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài chậm được xử lý dứt điểm, yếu kém trong công tác định giá doanh nghiệp, triển khai phương án sử dụng đất trong quá trình cổ phần hóa gây thất thoát vốn, tài sản công. Công tác đổi mới hệ thống tổ chức các đơn vị sự nghiệp công lập chuyển biến chậm. Bên cạnh đó, kinh tế tư nhân chưa đáp ứng được vai trò là một động lực quan trọng của nền kinh tế. Hiệu quả, tính bền vững và khả năng thích ứng của nền kinh tế chưa cao, chưa tận dụng được cơ hội chuyển đổi sang các mô hình kinh tế mới như kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn…

Đại biểu Nguyễn Xuân Thắng – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh, cho rằng, Chính phủ cần phải có đánh giá thực sự sâu về nguyên nhân của những vướng mắc, hạn chế trong cơ cấu lại nền kinh tế thời gian qua, từ đó mới có những giải pháp thiết thực, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến đầu tư công, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước… Đại biểu đề nghị cần phải nghiên cứu chỉ ra được những nguyên nhân từ chính sách thể chế, công tác điều hành như thế nào…; những giải pháp đưa ra trong giai đoạn tiếp theo phải sát với thực tiễn, mục tiêu đặt ra cũng cần phải sát thực tế đất nước.

Đồng tình với quan điểm cần phải đi sâu vào gốc rễ nguyên nhân của những hạn chế, vướng mắc trong trong cơ cấu lại nền kinh tế thời gian qua để tìm được những giải pháp đúng đắn, đại biểu Trần Tuấn Anh – Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa, cho biết, lĩnh vực đầu tư công của chúng ta lâu nay vẫn còn lúng túng, nhiều vướng mắc và hiệu quả không cao. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 kéo dài, càng làm bộc lộ rõ những yếu kém của nền kinh tế. Mặc dù, nhà nước đã có rất nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, tuy nhiên sự ảnh hưởng vẫn rất lớn. Lãi suất cho vay từ ngân hàng cao trong khi các doanh nghiệp chúng ta là những doanh nghiệp nhỏ, vốn ít, khả năng tiếp cận quốc tế thấp… Vai trò của tổ chức tín dụng trong hỗ trợ doanh nghiệp còn hạn chế. Đại biểu cho rằng, phải tìm ra được nguyên nhân khách quan, chủ quan của những hạn chế này là gì mới có thể có những giải pháp đúng đắn được.

Đại biểu phát biểu tại phiên họp

Đại biểu phát biểu tại phiên họp

Phát biểu ý kiến tại phiên họp, đại biểu Quốc hội Đỗ Ngọc Thịnh- Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa, cho biết, trong thời gian tới, chúng ta cần chú trọng phát triển theo chiều sâu, tiếp tục phát huy những ngành kinh tế có thế mạnh, xác định tồn tại được sau đại dịch COVID-19 , làm trụ đỡ cho nền kinh tế. Đồng thời, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số trong phát triển kinh tế; tập trung phát triển các tập đoàn tư nhân đầu tàu, làm bệ đỡ kéo các doanh nghiệp khác lên theo; tiếp tục đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước; đẩy mạnh phát triển kinh tế biển, kinh tế vùng; phát triển các hợp tác xã kiểu mới, cơ cấu lại các tổ chức tín dụng và các tập đoàn doanh nghiệp nhà nước hoạt động yếu kém. Đặc biệt, đại biểu cho rằng thời gian tới, chúng ta cần tập trung ưu tiên phát triển ngành y dược, chăm sóc sức khỏe, chủ động sản xuất vaccine…

Tại phiên họp, các đại biểu cũng đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, đánh giá, làm rõ tác động của dịch COVID-19 năm cuối nhiệm kỳ ảnh hưởng đến tiến độ, khả năng thực hiện và hoàn thành các mục tiêu đã đề ra tại các phương án; kết quả khắc phục tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công; đầu tư dàn trải, manh mún, nợ đọng xây dựng cơ bản, tham nhũng, lãng phí. Đặc biệt làm rõ nguyên nhân chuyển biến chậm và chưa đáp ứng yêu cầu trong đổi mới hệ thống tổ chức các đơn vị sự nghiệp công lập; nguyên nhân một số doanh nghiệp, dự án đầu tư kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài chậm được xử lý dứt điểm.../.

Thu Phương – Minh Thành

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-doan-dai-bieu-quoc-hoi.aspx?itemid=60207