THẢO LUẬN TẠI TỔ 14: CẦN QUY ĐỊNH CHẶT CHẼ HƠN NỮA VỀ TRÁCH NHIỆM CỦA GIA ĐÌNH TRONG LUẬT TƯ PHÁP NGƯỜI CHƯA THÀNH NIÊN

Thực hiện Chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, ngày 8/6, các đại biểu Quốc hội tiến hành thảo luận tại tổ về dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên. Thảo luận tại tổ 14, các đại biểu cho rằng cần quy định chặt chẽ hơn nữa về trách nhiệm của gia đình trong Luật Tư pháp người chưa thành niên.

Tổ 14 gồm các đại biểu Quốc hội thuộc Đoàn ĐBQH các tỉnh Đồng Tháp, Hải Dương, Khánh Hòa.

Tại phiên họp, các đại biểu thống nhất cao về sự cần thiết xây dựng Luật Tư pháp người chưa thành niên nhằm hoàn thiện pháp luật tư pháp đủ nghiêm khắc nhưng cũng bảo đảm nhân văn đối với người chưa thành niên phạm tội; tăng cường giáo dục, hỗ trợ, giúp đỡ chưa thành niên phạm tội tự sửa chữa lỗi lầm, cải thiện hành vi thông qua xử lý chuyển hướng, hạn chế tối đa việc áp dụng biện pháp mang tính chất trừng phạt, giam giữ nhưng vẫn bảo đảm sự an toàn của cộng đồng và trật tự xã hội; xây dựng quy trình thủ tục tố tụng thân thiện, phù hợp với độ tuổi, tâm lý, mức độ trưởng thành, khả năng nhận thức và vì lợi ích tốt nhất cho người chưa thành niên.

Toàn cảnh phiên họp

Toàn cảnh phiên họp

Các đại biểu cũng cho rằng, dự án luật sẽ góp phần bảo đảm các quyền cơ bản của người chưa thành niên trong xử lý chuyển hướng, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án và tái hòa nhập cộng đồng; thu hút, huy động nguồn nhân lực có chuyên môn về công tác xã hội; tăng cường trách nhiệm của gia đình, cơ quan, tổ chức hữu quan hỗ trợ, giám sát, giáo dục người chưa thành niên; thiết lập cơ sở giam giữ phù hợp với mục đích phục hồi, giáo dục và sự phát triển của người chưa thành niên; tăng cường cơ hội tái hòa nhập cộng đồng; xây dựng cơ chế giám sát, giáo dục, phục hồi hiệu quả, chuyên nghiệp, phù hợp với người chưa thành niên.

Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa, Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương cho biết, về trách nhiệm của cha mẹ, gia đình đối với trẻ vị thành niên phạm tội, trong dự thảo luật đã có quy định khá rõ trách nhiệm của gia đình, nhà trường và xã hội đối với trẻ vị thành niên.

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa, Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương đóng góp ý kiến

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa, Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương đóng góp ý kiến

Riêng với trách nhiệm của gia đình, Điều 32 của dự thảo luật đã quy định chi tiết: cha, mẹ, người chăm sóc người chưa thành niên và các thành viên trong gia đình có trách nhiệm chấp hành quy định của pháp luật và quyết định của cơ quan, cá nhân có thẩm quyền về việc thực hiện các biện pháp xử lý chuyển hướng đối với người chưa thành niên; thường xuyên liên hệ với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền để được hướng dẫn, trợ giúp trong quá trình thực hiện các biện pháp xử lý chuyển hướng và tái hòa nhập cộng đồng đối với người chưa thành niên; chấp hành các quyết định, biện pháp, quy định của cơ quan, cá nhân có thẩm quyền để bảo đảm sự an toàn, bảo vệ tính mạng, thân thể, nhân phẩm, danh dự và bí mật đời sống riêng tư của người chưa thành niên.

Bên cạnh đó, cha, mẹ, người giám hộ của người chưa thành niên có trách nhiệm lựa chọn người bào chữa hoặc tự mình bào chữa cho người chưa thành niên trong quá trình tố tụng theo quy định của pháp luật. Cha, mẹ của người chưa thành niên phạm tội có trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.

Đại biểu cho rằng những quy định này là rất xác đáng, nhưng còn chưa đủ, cần bổ sung quy định chặt chẽ về trách nhiệm của cha mẹ trong việc thay người chưa thành niên thực hiện nộp tiền phạt trong trường hợp người chưa thành niên chưa có tài sản riêng. Trong việc xử lý chuyển hướng, cần quy định rõ trách nhiệm của gia đình trong trường hợp gia đình không hợp tác, không đáp ứng được các điều kiện để thực hiện các biện pháp xử lý chuyển hướng.

Đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp phát biểu

Đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp phát biểu

Quan tâm đến dự án luật này, đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp cho rằng, việc xử lý chuyển hướng để trẻ vị thành niên khi phạm tội ở mức nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, tùy theo tình hình có thể thực hiện theo dõi, giáo dục tại cộng đồng là quy định rất nhân văn. Nguyên nhân dẫn đến lầm lỗi có thể rất sâu xa, xuất phát từ hoàn cảnh, nhu cầu cuộc sống và nhận thức hạn hẹp của trẻ, nếu ngay lập tức sử dụng biện pháp mạnh mẽ như cách ly khỏi xã hội thì có thể ảnh hưởng rất lớn đến tương lai của trẻ. Theo đại biểu, nếu giáo dục tại cộng đồng không có tiến bộ, có thể xem xét để đưa đối tượng này vào các trại giáo dưỡng, nếu môi trường này chưa đủ để giáo dục các đối tượng, thì mới tiếp tục tiến hành quy trình điều tra, truy tố, xét xử.

Đối với thẩm quyền áp dụng biện pháp chuyển hướng, đại biểu đề nghị quy định theo hướng, thẩm quyền áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng không chỉ có tòa án, mà gồm cả các cơ quan điều tra, viện kiểm sát, để đảm bảo tính khách quan trong quy trình thực hiện.

Đại biểu Bùi Sỹ Hoàn, Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương tham gia thảo luận

Đại biểu Bùi Sỹ Hoàn, Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương tham gia thảo luận

Tham gia ý kiến về dự án luật này, đại biểu Bùi Sỹ Hoàn, Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương cho biết, về đảm bảo quyền có người đại diện, Điều 9 của dự thảo luật có quy định, người chưa thành niên được bảo đảm có sự tham gia của cha mẹ, người đại diện khác trong quá trình giải quyết vụ việc. Tuy nhiên, khoản 7 Điều 4 của dự thảo luật lại quy định: Người đại diện của người chưa thành niên là người từ đủ 18 tuổi trở lên, có đủ năng lực pháp luật, năng lực hành vi dân sự và có đủ điều kiện làm người đại diện theo quy định của Bộ luật Dân sự. Người đại diện của người chưa thành niên bao gồm: Cha mẹ đẻ, cha mẹ nuôi; Người giám hộ; Người do Tòa án chỉ định. Đại biểu cho rằng cần nghiên cứu kỹ để đảm bảo tính thống nhất, chặt chẽ, ngắn gọn, khoa học của văn bản pháp luật.

Điều 46 của dự thảo luật quy định cấm đến địa điểm có nguy cơ dẫn đến người chưa thành niên phạm tội mới là cấm người chưa thành niên phạm tội đến địa điểm đã thực hiện hành vi phạm tội hoặc địa điểm có môi trường tương tự như nơi đã thực hiện hành vi phạm tội có nguy cơ thúc đẩy người chưa thành niên phạm tội mới. Đại biểu cho rằng quy định này rất khó thực hiện trong thực tế, do vậy, cần quy định rõ hơn để đảm bảo khả thi trong quá trình thực hiện.

Hồ Hương - Phạm Thắng

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-doan-dai-bieu-quoc-hoi.aspx?itemid=87308