THẢO LUẬN TẠI TỔ 2: NHIỀU ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI ĐỀ NGHỊ ''LUẬT HÓA QUYỀN TƯ PHÁP''
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, chiều 9/11, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi). Một trong những nội dung được nhiều đại biểu quan tâm góp ý tại Tổ 2 là nội dung Tòa án thực hiện quyền tư pháp, đa số ý kiến đề nghị nên luật hóa 'quyền tư pháp' để từng bước đổi mới hoạt động của Tòa án theo hướng độc lập xét xử và rạch ròi giữa quyền tư pháp và các quyền khác.
Cùng dự có Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND Tp.Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi - Trưởng Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh, Tổ trưởng Tổ 2. Tổ 2 gồm các đại biểu thuộc Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh. Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH Thành phố Hồ Chí Minh Văn Thị Bạch Tuyết - Tổ phó Tổ 2 điều hành phiên thảo luận.
Qua thảo luận dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi), các đại biểu tại Tổ 2 cơ bản tán thành sự cần thiết sửa đổi Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (TAND) năm 2014 nhằm đẩy mạnh cải cách tư pháp, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới. Đồng thời, để bảo đảm tính thống nhất của dự thảo Luật với hệ thống pháp luật, các ý kiến đề nghị Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC) tiếp tục rà soát các luật có liên quan, nhất là các luật trong lĩnh vực tư pháp và đề xuất sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.
Góp ý vào dự án Luật này, đại biểu Trương Trọng Nghĩa - Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh nhấn mạnh cần sửa đổi Luật Tổ chức TAND, đồng thời sửa đổi Luật Tổ chức Viện kiểm sát vì hai luật này liên quan chặt chẽ với nhau.
Về nội dung Tòa án thực hiện quyền tư pháp (khoản 1 Điều 3), đại biểu Trương Trọng Nghĩa lưu ý cần nghiên cứu Nghị quyết số 27-NQ/TW về mở rộng thẩm quyền Tòa án trong quyết định về một số vấn đề liên quan quyền con người, quyền công dân. Nhưng quyền con người, quyền công dân là quyền Hiến định và phải có Tòa án Hiến pháp. Do đó, đề nghị dự thảo cần phải nêu rõ: những vấn đề liên quan quyền con người, quyền công dân thể hiện trong các đạo luật hiện hành. Vì Hiến pháp cũng quy định việc thực hiện quyền con người, quyền công dân qua pháp luật, và hạn chế quyền con người, quyền công dân cũng bằng luật. “Tòa án không thể quyết định các vấn đề theo đơn thư, khiếu nại quyền con người, quyền công dân mà là xét xử các quyền, nghĩa vụ nằm trong các đạo luật mà thôi”, đại biểu nêu rõ.
Đề cập đến quyền giải thích áp dụng pháp luật và bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử, đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho rằng quy định là bình thường. “Vì khi Tòa ban hành bản án, phải giải thích vì sao quyết định như vậy. Tòa phải giải thích luận cứ, căn cứ pháp luật, đây là nghĩa vụ, không phải là quyền. Bản án phải kèm theo luận cứ, căn cứ, đó là nghĩa vụ. Khi Tòa án ban hành quyết định các bản án, Hội đồng xét xử có nghĩa vụ giải thích việc vận dụng pháp luật của mình trong các bản án đó”, đại biểu phân tích.
Vì vật, đại biểu Trương Trọng Nghĩa khẳng định, Tòa án có quyền giải thích áp dụng pháp luật và bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử và cần được đưa vào Luật Tố tụng, không đưa vào Luật này. Đó là nguyên tắc của tố tụng. Đồng thời lưu ý khi thể chế hóa Nghị quyết số 27-NQ/TW thì cần hiểu một số vấn đề thuộc về nguyên lý, không mở rộng trái với nguyên tắc cơ bản.
Cùng quan tâm đến dự án Luật này, đại biểu Dương Ngọc Hải - Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh nhấn mạnh sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức TAND nhằm thể chế hóa Nghị quyết của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Nghị quyết số 27/NQ-TW về xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam và cải cách tư pháp.
Tuy nhiên, đại biểu nhận thấy, việc sửa đổi dự án Luật này sẽ liên quan đến rất nhiều luật khác. Do đó đề nghị Ban soạn thảo để Tòa án tối cao tiếp tục rà soát sao cho việc sửa đổi, bổ sung các luật khác thống nhất trong hệ thống pháp luật như Luật Tố tụng hình sự, Luật Tố tụng hành chính, Luật Tố tụng dân sự, Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân, Luật Tổ chức các cơ quan điều tra hình sự…
Đồng tình với ý kiến của đại biểu Trương Trọng Nghĩa về nội dung Tòa án thực hiện quyền tư pháp (khoản 1 Điều 3), đại biểu Dương Ngọc Hải nhận thấy, đây là vấn đề lớn, phức tạp mà từ trước đến nay chưa đề cập. Mặc dù Hiến pháp có đề cập nhưng trong thực tiễn, đây là vấn đề khó, chưa có sự thống nhất để sử dụng khái niệm “quyền tư pháp”. Việc sửa đổi Luật lần này, Tòa án đề nghị luật hóa khái niệm “quyền tư pháp”. Đại biểu Dương Ngọc Hải cho rằng, đây là sự đổi mới, mạnh dạn của ngành tòa án.
Đại biểu bày tỏ ủng hộ nên luật hóa “quyền tư pháp” để từng bước đổi mới hoạt động của Tòa án theo hướng độc lập xét xử và rạch ròi giữa quyền tư pháp và các quyền khác.
Về nhiệm vụ của Tòa án trong thu thập tài liệu, chứng cứ, đại biểu Dương Ngọc Hải cho rằng, hiện nay các đặc điểm về kinh tế, văn hóa và trình độ dân trí của người dân đã quá quen với mô hình của Tòa án và Viện kiểm sát. Trước đây, Tòa án thu thập chứng cứ trong các vụ dân sự, hành chính thì thu thập chứng cứ trong dân sự, các vụ án hành chính và các vụ việc dân s
Đại biểu nêu rõ, vì trên thực tế, mặc dù thẩm quyền của Tòa án là thẩm quyền xét xử, còn thẩm quyền của cơ quan điều tra, Viện kiểm sát là điều tra, truy tố. Tuy nhiên, Tòa án đánh giá cái tài liệu, chứng cứ trên cơ sở hồ sơ, sau đó kiểm tra và xét xử công khai tại phiên tòa, kết hợp thẩm vấn, tranh tụng để mà Tòa án ra quyết định, phán quyết cho phù hợp. Còn nếu tài liệu, chứng cứ không đầy đủ thì Tòa án sử dụng quyền “trả điều tra bổ sung”, và trong dự thảo quy định như vậy. Hoặc có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm thì Tòa án sẽ trả điều tra bổ sung để cho cơ quan điều tra và Viện kiểm sát làm rõ.
Tuy nhiên, đại biểu Dưng Ngọc Hải cho rằng, không phải lúc nào chúng ta cũng sử dụng “quyền trả điều tra bổ sung” là tối ưu, hiệu quả. Có những trường hợp chúng ta không sử dụng quyền trả điều tra bổ sung và Tòa án thực hiện sẽ thuận lợi hơn, đảm bảo nguyên tắc nhanh chóng giải quyết các vụ án, còn nếu trả hồ sơ điều tra bổ sung thì sẽ mất rất nhiều thời gian.
Đề cập về chủ trương của TANDTC, đại biểu Dương Văn Thăng - Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh cho biết, việc sửa đổi Luật Tổ chức Tòa án nhân dân là chủ trương lớn của Ban Cán sự Đảng TANDTC, chỉ đạo và gấp rút chuẩn bị trong nhiều năm qua. Ban Cán sự Đảng đã tiến hành tổng kết tất cả các Tòa án trên toàn quốc, tổ chức nhiều hội thảo tổng kết dự án Luật này ở ba miền Bắc - Trung - Nam, tham khảo kinh nghiệm của các nước trên thế giới. Trên cơ sở đó, mời các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực tư pháp góp ý vào dự án Luật này, đặc biệt liên quan đến nội dung quyền tư pháp.
Về nội dung quyền tư pháp, đại biểu Dương Văn Thăng nhận thấy, có rất nhiều ý kiến khác nhau về vấn đề này nhưng các nhà khoa học khẳng định, Tòa án là cơ quan duy nhất thực hiện quyền tư pháp. Từ trước đến nay chưa có quy định nào về “quyền tư pháp là gì”, do đó, đại biểu Dương Văn Thăng đồng tình đưa “quyền tư pháp” vào dự thảo Luật Tổ chức TAND sửa đổi lần này.
Liên quan đến vấn đề Tòa án giải thích áp dụng pháp luật trong xét xử, đại biểu cho biết, Tòa án là cơ quan duy nhất quyết định người có tội hay không có tội. Do vậy, Tòa án phải giải thích rõ trong bản án đó có tội gì, căn cứ nào, áp dụng hình phạt ra sao, tình tiết tăng/ giảm nặng/nhẹ như thế nào… phải được ghi rõ trong bản án và giải thích trường hợp cụ thể. Còn thực tế nhiều năm qua, Tòa án cũng giải thích pháp luật.
Về đổi mới Tòa án cấp tỉnh, Tòa án cấp huyện, đại biểu nhận thấy, việc đổi mới này đúng với tinh thần của Nghị quyết 27-NQ/TW của Trung ương. Tòa án được tổ chức theo thẩm quyền xét xử, có ý nghĩa đảm bảo tính độc lập của Tòa án. Đại biểu Dương Văn Thăng cho rằng, việc đổi mới tổ chức Tòa án sẽ dẫn đến phải sửa con dấu nhưng lợi ích lâu dài mang lại sẽ lớn hơn nhiều so với chi phí thực hiện hiện con dấu.
Liên quan đến thu thập chứng cứ, đại biểu Dương Văn Thăng bày tỏ băn khoăn quy định Tòa án thu thập chứng cứ và dựa vào chứng cứ để Toàn án xét xử liệu có đảm bảo khách quan hay khổng? Do đó, đại biểu cho rằng Ban soạn thảo không nên quy định như vậy nhằm đảm bảo tính độc lập, khách quan của Tòa án trong việc xét xử các vụ án.
Một số hình ảnh tại Tổ 2:
Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-doan-dai-bieu-quoc-hoi.aspx?itemid=81994