THẢO LUẬN TẠI TỔ 6: BẢO ĐẢM VỀ NGUỒN LỰC THỰC HIỆN CÁC NHIỆM VỤ TRONG QUY HOẠCH TỔNG THỂ QUỐC GIA
Tiếp tục chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội khóa XV, sáng ngày 06/01, Quốc hội thảo luận tại Tổ về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tổ 6 gồm các đại biểu của Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên, Nam Định, Đà Nẵng, Trà Vinh. Đại biểu Nguyễn Văn Quảng - Trưởng Đoàn ĐBQH thành phố Đà Nẵng điều hành nội dung thảo luận.
QUY HOẠCH TỔNG THỂ QUỐC GIA QUAN TRỌNG NHƯ THẾ NÀO
Quy hoạch tổng thể quốc gia lần đầu được xây dựng theo quy định của Luật Quy hoạch; cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Chiến lược phát triển kinh tế- xã hội đất nước thời kỳ 2021-2030, các nghị quyết, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Quốc hội... về phát triển kinh tế - xã hội đất nước trong thời gian tới.
Những nội dung chủ yếu của Quy hoạch tổng thể quốc gia gồm: Không gian phát triển quốc gia phải được tổ chức một cách hiệu quả, thống nhất trên quy mô toàn quốc, bảo đảm liên kết nội vùng, liên vùng và khai thác lợi thế so sánh từng vùng, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Cùng đó là phát triển có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào một số địa bàn có điều kiện thuận lợi về vị trí địa lý, kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội, nguồn nhân lực chất lượng cao và các tiềm năng, lợi thế khác cho phát triển để hình thành vùng động lực, hành lang kinh tế, cực tăng trưởng, tạo hiệu ứng lan tỏa thúc đẩy kinh tế cả nước phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững trong thời kỳ đến năm 2030; đồng thời, có cơ chế, chính sách, nguồn lực phù hợp với điều kiện của nền kinh tế để bảo đảm an sinh xã hội cho các khu vực khó khăn, từng bước thu hẹp khoảng cách phát triển...
Mục tiêu tổng quát phát triển đến năm 2030: Phấn đấu đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, tăng trưởng kinh tế dựa trên nền tảng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; mô hình tổ chức không gian phát triển quốc gia hiệu quả, thống nhất, bền vững, hình thành được các vùng, trung tâm kinh tế, đô thị động lực, có mạng lưới kết cấu hạ tầng cơ bản đồng bộ, hiện đại; bảo đảm các cân đối lớn, nâng cao khả năng chống chịu của nền kinh tế; môi trường sinh thái được bảo vệ, thích ứng với biến đổi khí hậu; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng cao; quốc phòng, an ninh được bảo đảm.
Các chỉ tiêu kinh tế chủ yếu: Phấn đấu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) cả nước bình quân đạt khoảng 7,0%/năm giai đoạn 2021-2030, trong đó vùng Đông Nam Bộ tăng khoảng 8-8,5%/năm, vùng Đồng bằng sông Hồng khoảng 9%/năm. Đến năm 2030, GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt khoảng 7.500 USD.
Nhiệm vụ trọng tâm trong thời kỳ quy hoạch: Hình thành cơ bản bộ khung kết cấu hạ tầng quốc gia, tập trung vào hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị, hạ tầng nông thôn, hạ tầng năng lượng, hạ tầng số, hạ tầng văn hóa, xã hội, hạ tầng thủy lợi, bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu; Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Ưu tiên phát triển một số ngành, lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế và còn dư địa lớn, gắn với không gian phát triển mới.
Cho ý kiến về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, các đại biểu nhấn mạnh, Quy hoạch quốc gia được xây dựng phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, cơ bản bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất trong hệ thống quy hoạch, tương thích với điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên.
Đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ, các đại biểu cho rằng đây là lần đầu tiên lập quy hoạch tổng thể quốc gia nên không tránh khỏi những khó khăn nhưng Hồ sơ Quy hoạch tổng thể quốc gia kèm theo Tờ trình số 506 đã cơ bản đáp ứng yêu cầu về danh mục tài liệu theo quy định của Luật Quy hoạch.
Góp ý tại phiên thảo luận, liên quan đến giải pháp nguồn lực thực hiện quy hoạch tổng thể chỉ đề cập đến vấn đề chính sách thu hồi đất đai. Do đó, đại biểu Nguyễn Lâm Thành - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên đề nghị phải hoàn thiện chính sách liên quan đến việc thu chi và phân bổ ngân sách vì đây là nội dung quan trọng, không chỉ là vấn đề thu chi và phân bổ ngân sách. Trên tinh thần Nghị quyết về TP. Hồ Chí Minh sắp tới ra những vấn đề liên quan đến thu chi ngân sách, từ phân bổ ngân sách. Đây là một hướng mở cho các địa phương trong hướng sửa các dự án luật liên quan Luật ngân sách, Luật thuế và một số luật khác.
Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Lâm Thành đề nghị để bảo đảm nguồn lực cho phần thu đặc biệt các hoạt động phát triển cần làm rõ hơn bổ sung nguồn thu từ phát thải carbon, các dịch vụ môi trường rừng và đất. Có 3 yếu tố cấu thành từ tài nguyên rất quan trọng là đất, rừng và nước. Do vậy, đại biểu đề nghị cần đưa vào nội dung phần thu từ phát thải carbon từ môi trường rừng, tuy nhiên phát thải carbon nằm trong môi trường rừng được nhấn mạnh hơn hoàn toàn phù hợp với tinh thần của Nghị quyết của Đảng cũng như Chính phủ và cam kết trong việc thực hiện Nghị quyết 26 Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Theo đại biểu Trần Chí Cường - Đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng cho biết, đây là một quy hoạch lần đầu thực hiện chưa có tiền lệ và không nhiều quốc gia làm chỉ có một số quốc gia trên thế giới thực hiện quy hoạch tổng thể này. Có thể nói đây là vấn đề khó, vấn đề mới nhưng trong thời gian vừa qua Chính phủ đã nỗ lực để xây dựng được Quy hoạch tổng thể quốc gia.
Về tổng thể Quy hoạch quốc gia, đại biểu Trần Chí Cường cho biết, đã quy hoạch, có đánh giá, rà soát để đánh giá thực trạng cũng như những điều kiện phát triển của Việt Nam, những hạn chế, thuận lợi. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị cần đánh giá kỹ hơn, rõ hơn vai trò và vị thế nổi trội của Việt Nam trong khu vực và quốc tế. Để xác định được điểm mạnh, những lợi thế cạnh tranh trong việc định hướng xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển của Việt Nam không chỉ trong bối cảnh trong nước mà trong không gian quốc tế.
Đại biểu Thạch Phước Bình - Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh bày tỏ băn khoăn về nguyên tắc lập Quy hoạch tổng thể quốc gia phải gắn với tính định hướng cao xác định phân bố tổ chức không gian, các hoạt động kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh và mang tính chiến lược trên lãnh thổ quốc gia, có tầm quan trọng của quốc gia cũng như tính liên vùng, cả quốc tế. Chính vì vậy, đại biểu đề nghị quy hoạch tổng thể quốc gia lần này trong Tờ trình Chính phủ cần phải đánh giá một cách khách quan, đúng đắn và khoa học thực trạng việc phân bổ và tổ chức không gian hoạt động kinh tế-xã hội, thực trạng và dự báo nguồn lực tài nguyên thiên nhiên về biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn và nước biển dâng, về xã hội là sự bất bình đẳng.
Đại biểu Thạch Phước Bình bày tỏ đồng tình về nội dung Quy hoạch tổng thể quốc gia đã đảm bảo quan điểm, mục tiêu của Đảng, pháp luật và thực tiễn của đất nước. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị làm rõ quan điểm phát triển và tổ chức không gian phát triển nên tập trung vào quan điểm phát triển quy hoạch đã bao gồm phát triển và tổ chức không gian phát triển, không tách riêng dẫn đến có thể trùng lặp và không đảm bảo nguyên tắc xây dựng quy hoạch tổng thể quốc gia thống nhất. Do vậy, đại biểu đề nghị quan điểm phải phát triển và tổ chức không gian phát triển phải đảm bảo tính thống nhất, giống nhau.
Bên cạnh đó, đại biểu Thạch Phước Bình - Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh đề nghị, cần làm rõ hơn vấn đề chuyển đổi cơ cấu, xác định thứ tự ưu tiên phát triển theo từng thời kỳ, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế-xã hội, xử lý vấn đề di dân không theo kế hoạch như hiện nay, gắn với phát triển dân số hài hòa, hợp lý, đặc biệt nguồn lực con người, cơ hội và thách thức của thời kỳ dân số vàng xuyên suốt lấy con người là trung tâm chủ thể, mục tiêu, động lực phát triển tối đa năng lực trí tuệ và phẩm chất của người Việt Nam.
Ngoài ra, các đại biểu thuộc Tổ 6 cũng thảo luận về việc thực hiện quy định tại Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28/7/2021 Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV về các chính sách phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Đề xuất nội dung đưa vào Nghị quyết của Quốc hội về việc chuyển tiếp thực hiện một số chính sách theo quy định tại Nghị quyết số 30/2021/QH15 về các chính sách phòng, chống dịch bệnh COVID-19 và cho phép tiếp tục sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực từ ngày 01/01/2023 mà chưa kịp gia hạn theo quy định của Luật Dược.
Chiều cùng ngày, các đại biểu tham gia thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi)./.
Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-doan-dai-bieu-quoc-hoi.aspx?itemid=72144