THẢO LUẬN TẠI TỔ SỐ 11 VỀ TÌNH HÌNH KINH TẾ - XÃ HỘI , NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC VÀ THỰC HIỆN CÁC NGHỊ QUYẾT CỦA QUỐC HỘI
Ngày 02/11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, thảo luận tại Tổ số 11 về tình hình KTXH và NSNN, các ĐBQH đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ trong việc thực hiện mục tiêu kép vừa phòng chống dịch bệnh vừa bảo đảm phát triển KT-XH; đồng thời chỉ ra nhiều thách thức trong thời gian tới...
Theo chương trình, Quốc hội thảo luận tổ về: Một là, kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2020; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2021 (trong đó có thảo luận một số nội dung liên quan các vấn đề về an ninh nguồn nước, quản lý an toàn hồ, đập và phát triển điện lực; báo cáo kết quả 03 năm thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng). Hai là, kết quả thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch 5 năm giai đoạn 2016-2020: phát triển kinh tế - xã hội, cơ cấu lại nền kinh tế, tài chính quốc gia, đầu tư công trung hạn. Ba là, kết quả thực hiện Nghị quyết số 100/2015/QH13 phê duyệt chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020. Bốn là, dự kiến mục tiêu chủ yếu và một số nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025; chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 và các kế hoạch: đầu tư công trung hạn, tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2021-2025. Năm là, chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để thực hiện Dự án hồ chứa nước sông Than, tỉnh Ninh Thuận, Dự án hồ chứa nước Bản Mồng, tỉnh Nghệ An.
Nhìn nhận đúng các vấn đề để có giải pháp phù hợp
Thảo luận tại tổ số 11 gồm Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam, Bình Phước, Bến Tre và Tp.Cần Thơ, dưới sự điều hành của Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Tp.Cần Thơ Trần Quốc Trung, các đại biểu tán thành với các kết quả đạt được về kinh tế xã hội của năm 2020 và cả nhiệm kỳ, cho rằng báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp lần này đã đánh giá tương đối toàn diện các vấn đề đặt ra trong các nghị quyết của Quốc hội, đánh giá thẳng thắn, nhận rõ trách nhiệm. Các đại biểu chia sẻ và đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ thời gian qua sâu sát quyết liệt và đầy trách nhiệm, cùng với địa phương thực hiện mục tiêu kép vừa phòng chống dịch bệnh và thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Các đại biểu cũng cho rằng một số chỉ tiêu của năm 2020 và giai đoạn 2016-2020 chưa đạt theo kế hoạch là do nhiều nguyên nhân như tác động của dịch bệnh Covid-19, lũ lụt, hạn mặn…Thực tế giám sát cho thấy năm qua cả nước phải oằn mình để chống chịu nhiều vấn đề dẫ đến kéo giảm nhịp phát triển. Bên cạnh đó còn là tình trạng tham nhũng lãng phí còn lớn, việc giải quyết hậu các dự án thua lỗ chưa hiệu quả. Hậu quả nặng nề của bão lụt tại miền Trung những ngày qua cũng tác động đến tâm lý người dân, do đó, cần có chỉ đạo về việc khắc phục khẩn cấp hậu quả của thiên tai lũ lụt, huy động mọi nguồn lực, và sau đó cần xem xét trách nhiệm.
Bên cạnh đó các đại biểu cũng chỉ ra nhiều thách thức và các tồn tại hạn chế lâu nay chưa được khắc phục. Theo đại biểu Đặng Thuần Phong – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre, trong giải ngân vốn đầu tư công, việc sử dụng vốn và chất lượng đầu tư công không đạt mong muốn, ảnh hưởng lớn đến tăng trưởng. Cơ cấu lại nền kinh tế cũng chưa đạt, chất lượng dự báo chưa tốt. Các gói giải cứu chậm triển khai, chưa đánh giá được người dân hưởng lợi gì từ chính sách tăng trưởng. Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhiều năm không đạt, cần nghiêm túc đánh giá và xử lý trách nhiệm. Cùng với đó, cân đối ngân sách nhà nước không đạt, số liệu xuất nhập khẩu không hoàn toàn phản ánh đúng tiềm lực quốc gia, các doanh nghiệp trong nước ngừng sản xuất nhiều, thất nghiệp nhiều, các thị trường, các hoạt động kinh tế ngầm chưa được nhận diện, đánh giá đầy đủ. Việc quy hoạch vùng miền quốc gia chậm thực hiện và chưa căn cơ chưa hiệu quả. Đại biểu nhấn mạnh những vấn đề này cần nhìn thẳng, nhận diện đúng để có giải pháp đúng đắn, phù hợp.
Đại biểu Đặng Thuần Phong cũng cho rằng trong thời gian tới cần quan tâm đến nông nghiệp. Tình hình của năm 2020 càng cho thấy nông nghiệp vẫn là bệ đỡ của kinh tế, tuy nhiên thực tế các kết quả đạt được vẫn là nhờ người dân tự lực vươn lên. Trong khi đó, cơ cấu nông nghiệp chưa bền vững cần được phân tích nguyên nhân; đồng thời xem xét chuyển hướng chiến lược tập trung cho nông nghiệp.
Cùng quan điểm, đại biểu Nguyễn Thanh Phương – Đoàn đại biểu Quốc hội Tp.Cần Thơ, bày tỏ vui mừng trước kết quả tăng trưởng của ngành nông nghiệp góp phần giải quyết bài toán lương thực quốc gia, bảo đảm an toàn an ninh lương thực nhưng kết quả này đạt được là do người dân, các địa phương tự nỗ lực. Mặt khác các kết quả của ngành nông nghiệp không thể hiện được tính bền vững và chiến lược lâu dài. Do đó, nếu không có giải pháp thì ngành nông nghiệp sẽ rất bấp bênh trong thời gian tới.
Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Thanh Xuân – Đoàn đại biểu Quốc hội Tp.Cần Thơ chỉ ra nhiều việc được đặt ra thể hiện sự quan tâm đầu tư cho nhiều lĩnh vực, nhưng thực thế nhiều nội dung mang tính chủ trương, thực hiện còn chậm thiếu chỉ đạo quyết liệt như trong vấn đề an ninh nguồn nước trước tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu và ô nhiễm; vấn đề đầu giao thông và giáo dục đào tạo cho khu vực đồng bằng sông Cửu Long; vấn đề an toàn đập thủy điện chưa được quan tâm đúng mức, tiềm ẩn nhiều rủi ro; việc thực hiện đổi mới sách giáo khoa…cần được quan tâm giải quyết.
Cần bàn về các giải pháp ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai
Phòng chống thiên tai và khắc phục hậu quả bão lụt là một trong những nội dung được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm thảo luận tại phiên họp tổ. Các đại biểu đều chia sẻ trước những mất mát do đồng bào miền Trung phải gánh chịu do bão lũ vừa qua. Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre, đề nghị cần sớm có chỉ đạo về việc khắc phục khẩn cấp hậu quả của thiên tai lũ lụt, huy động mọi nguồn lực, và sau đó cần xem xét trách nhiệm. Đồng thời đề nghị quan tâm bảo đảm nguồn nước cho khu vực miền núi phía Bắc là khu vực thiếu nước sinh hoạt, sản xuất; miền Nam Trung Bộ là khu vực chịu ảnh hưởng bão lũ mạnh nhất hạn hán cũng mạnh nhất và miền Tây Nam Bộ để bảo đảm nước sản xuất, sinh hoạt, phòng chống hạn mặn.
Đại biểu Nguyễn Thanh Phương – Đoàn đại biểu Quốc hội Tp.Cần Thơ, cho rằng từ thực tiễn miễn Trung cho thấy đã đến lúc phải mời chuyên gia xem xét, đánh giá lại các tác động của con người ảnh hưởng đến các yếu tố nội sinh gây ra sạt lở, lũ lụt. Cần có nhìn nhận sâu về vấn đề này và Quốc hội phải rung hồi chuông cảnh báo cho Chính phủ không để xảy ra hậu quả nghiêm trong trong tương lai.
Chỉ rõ năm nay có biến động bất thường do thiên tai dịch bệnh, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng khi thảo luận về kinh tế - xã hội cần phải xem xét những vấn đề này để có giải pháp khắc phục hậu quả đồng thời vừa phòng chống diễn biến mới.
Chủ tịch Quốc hội cho biết, từ đầu năm đến nay trong cả nước diễn ra 16 loại hình thiên tai với 10 cơn bão biển Đông, 263 trận giông lốc mưa lớn, có đến 49/63 tỉnh, thành phố xảy ra thiên tai các loại, 15 trận lũ lớn, sạt lở đất, 72 trận mưa lớn gây ngập úng, lũ đặc biệt là đợt lũ lụt miền Trung vừa qua; 79 trận động đất trong đó gần đây nhất là 27/7 tại Mộc Châu có cường độ lên đến 5.3 độ richte. Đồng bằng sông Cửu Long ngập mặn thời gian dài, mặn xâm nhập sâu và tình trạng sạt lở bờ sông. Trước tình hình đó, Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan hữu quan và chính quyền địa phương đã nỗ lực phòng chống thiên tai và tại kỳ họp này khi bàn về tình hình kinh tế - xã hội thì Quốc hội cần bàn giải pháp khắc phục hậu quả thiên tai của các tỉnh miền Trung, trong kế hoạch ngân sách 2020-2021 phải dành nguồn lực phân bổ ngân sách địa phương, ngân sách trung ương, phải gắn với thực tế để xem xét.
Về lâu dài, Chủ tịch Quốc hội cho rằng Chính phủ phải chỉ đạo rà soát các kịch bản biển đối khí hậu để điều chỉnh, nâng cao chất lượng dự báo cảnh báo, đánh giá nguy cơ tổn thương thiên tai mang lại để dự kiến nguồn lực ứng cứu, lồng ghép nội dung phòng ngừa, khắc phục hậu quả thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch và chiến lược phát triển của năm 2021 và của cả giai đoạn 5 năm tới./.
Nguồn Quốc Hội: http://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-doan-dai-bieu-quoc-hoi.aspx?itemid=49602