THẢO LUẬN TỔ 03 VỀ DỰ ÁN LUẬT ĐIỆN ẢNH (SỬA ĐỔI): CỤ THỂ CÁC CHÍNH SÁCH ĐỂ PHÁT TRIỂN NGÀNH CÔNG NGHIỆP ĐIỆN ẢNH

Sáng 23/10, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, sau khi nghe trình bày Tờ trình và báo cáo thẩm tra, Quốc hội tiến hành thảo luận tại tổ về Dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi). Tổ 03 gồm các ĐBQH chuyên trách, ĐBQH ở trung ương thuộc Đoàn ĐBQH Tp.Hải Phòng và các tỉnh Sơn La, Bắc Kạn, Thanh Hóa, Đắk Nông, Sóc Trăng, Kiên Giang.

Thảo luận Tổ 03

Thảo luận Tổ 03

Thảo luận tại tổ 03, các đại biểu đánh giá cáo công tác soạn thảo của Chính phủ và các báo cáo thẩm tra của các Ủy ban của Quốc hội được chuẩn bị tốt, bảo đảm chất lượng và cho rằng có được kết quả này là nhờ sự đổi mới trong hoạt động lập pháp của Quốc hội, nhất là từ cuối nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV đến nay. Chủ tịch Quốc hội và các Phó Chủ tịch Quốc hội phụ trách lĩnh vực đã có nhiều buổi làm việc với các cơ quan của Quốc hội và cơ quan soạn thảo liên quan đến các nội dung trình Quốc hội.

Tất các các dự án luật trình Quốc hội tại kỳ họp lần này đều đã được lãnh đạo Quốc hội làm việc với các cơ quan Quốc hội để xem xét các vấn đề đặt ra; đồng thời tổ chức các hội nghị hội thảo tọa đàm lấy ý kiến chuyên gia, các cơ quan thẩm tra lắng nghe và ghi nhận ý kiến đóng góp của các bên. Chính phủ, cơ quan chủ trì soạn thảo cũng đã tích cực, nghiêm túc tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và ý kiến thẩm tra để hoàn thiện dự án luật.

Cụ thể hóa các chính sách

Đối với Dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi), các đại biểu cơ bản tán thành với sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Điện ảnh nhằm thể chế hóa chủ trương, Nghị quyết của Đảng; cụ thể hóa Hiến pháp 2013; khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật Điện ảnh hiện hành, phù hợp với tình hình thực tiễn, thúc đẩy phát triển ngành điện ảnh.

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Thị Thủy – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn, dự thảo Luật cần bổ sung quy định cụ thể chính sách nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động sản xuất, phát hành và phổ biến phim; nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, cung cấp dịch vụ kỹ thuật số…và cho rằng nếu quy định quá chung chung sẽ không phát huy được hiệu quả mà nên có quy định đột phá hơn mới có thể thực hiện được mục tiêu phát triển điện ảnh và công nghiệp điện ảnh.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Thị Thủy – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn thảo luận tại Tổ

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Thị Thủy – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn thảo luận tại Tổ

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Thị Thủy cho biết, dự thảo Luật quy định về phim do Nhà nước đầu tư sản xuất theo kế hoạch phục vụ nhiệm vụ chính trị có đề tài khá rộng gồm sản xuất phim thực hiện theo kế hoạch phục vụ nhiệm vụ chính trị của Nhà nước về đề tài lịch sử, lãnh tụ, danh nhân, anh hùng dân tộc, chiến tranh cách mạng, thiếu nhi, miền núi, biên giới, hải đảo, đồng bào dân tộc thiểu số và các vấn đề của cuộc sống đương đại. Do đó cần quy hình thức sản xuất phim bằng nguồn ngân sách nhà nước theo phương án gồm giao nhiệm vụ hoặc đặt hàng hoặc đấu thầu để bảo đảm linh hoạt trong quá trình thực hiện.

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Chu Hồi - Đoàn đại biểu Quốc hội Tp.Hải Phòng, cho rằng dự thảo Luật có tác động lớn, khâu quản lý nhà nước đóng vai trò hết sức quan trọng. Tuy nhiên các nội dung quy định đối với các chủ thể quản lý nhà nước, hành vi của chủ thể quản lý còn chung chung. Do đó cần rà soát quy định cụ thể hơn để phát huy vai trò, nâng cao trách nhiệm trong quản lý nhà nước.

Cần xây dựng bộ tiêu chí phân loại phim cụ thể

Về phổ biến phim trên không gian mạng, còn có hai loại ý kiến. Có ý kiến đồng tình với phương án Chính phủ trình là dự thảo Luật quy định tổ chức, cá nhân phổ biến phim trên không gian mạng phải tự phân loại, hiển thị kết quả phân loại phim theo quy định tại Điều 33 Luật Điện ảnh và chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả phân loại phim (cơ chế hậu kiểm). Bên cạnh đó cũng có ý kiến đề nghị kết hợp giữa tiền kiểm và hậu kiểm, trong đó hậu kiểm là chủ yếu. Tuy nhiên, dù lựa chọn phương án quản lý nào thì các đại biểu cũng đều có kiến nghị luật cũng cần quy định rõ hơn những tiêu chí phân loại phim chi tiết minh bạch để cơ quan tổ chức phát hành phim phân loại và cơ quan quản lý nhà nước căn cứ vào đó để kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm nếu có.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại Đinh Công Sỹ - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La, nêu rõ kiểm duyệt phim là chế định quan trọng của Luật Điện ảnh. Cùng với sự phát triển của công nghiệp điện ảnh thì cơ chế kiểm duyệt phim có sự thay đổi. Một số nước vẫn duy trì kiểm duyệt phim bằng biện pháp hành chính và cơ quan có thẩm quyền. Trong khi đó, thời gian gần đây, nhiều nước chuyển dịch sang cơ chế kiểm duyệt phim trên cơ sở phân loại như cách tiếp cận của dự thảo Luật.

Theo đại biểu Định Công Sỹ, việc trao quyền tổ chức, cá nhân phổ biến phim trên không gian mạng phải tự phân loại, hiển thị kết quả phân loại phim là phù hợp với thực tế nước ta với điều kiện năng lực, bộ máy, nhân lực, hạ tầng kỹ thuật với khối lượng phim cần kiểm duyệt. Tuy nhiên, hậu kiểm phim cũng có nguy cơ để lọt phim có những nội dung, tính chất vi phạm hoặc không phù hợp thuần phòng, mỹ tục của Việt Nam. Do đó, Nhà nước cần đề cao vai trò, trách nhiệm và năng lực quản lý. Đại biểu cho rằng, trước mắt cần kết hợp cả tiền kiểm và hậu kiểm một cách hợp lý, trong đó hậu kiểm là chủ yếu.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại Đinh Công Sỹ - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La

Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại Đinh Công Sỹ - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La

Cùng với đó, việc thực hiện phương án quản lý này cần xây dựng bộ tiêu chí về phân loại phim một cách chi tiết; quy định trách nhiệm của đơn vị phát hành, phổ biến phim trong việc cung cấp công cụ đo lường tự động và kiểm duyệt tự động để đánh giá được nội dung, phát hiện nội dung vi phạm, hiển thị cảnh báo cho người xem, gỡ bỏ nội dung vi phạm khi có yêu cầu; cung cấp công cụ thể người xem có thể phản ánh nội dung vi phạm. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và có chế tài xử lý vi phạm nghiêm minh và có cơ chế phản ứng nhanh với những phim có vi phạm, huy động sự tham gia của xã hội, các hội, hiệp hội trong hỗ trợ cơ quan quản lý nhà nước trong thẩm định, kiểm soát.

Ngoài ra, các đại biểu cũng lưu ý việc phát hành và phổ biến phim cần được xác định là ngành nghề kinh doanh có điều kiện thì dự thảo Luật cần quy định cụ thể hơn điện kiện hoặc giao Chính phủ quy định. Việc quảng cáo phim hay quảng cáo sản phẩm, dịch vụ trên phim cần được quy định rõ hơn; quản lý chặt hơn về tham gia liên hoan phim; xử lý vi phạm; bổ sung quy định của quản lý nhà nước, bổ sung nội dung về hợp tác quốc tế, cụ thể hơn các quy định về chính sách của nhà nước về điện ảnh để bảo đảm khả thi, đột phá để thúc đẩy phát triển lĩnh vực này; đồng thời rà soát để làm rõ một số nội dung cụ thể.

Về Quỹ Hỗ trợ và phát triển điện ảnh, có ý kiến cho rằng không nên quy định về Quỹ này trong luật vì nội dung chi của Quỹ trùng với nhiệm vụ chi của ngân sách nhà nước; chưa đưa ra giải pháp về khả năng tài chính độc lập. Có ý kiến đề nghị đánh giá tác động kỹ lưỡng và làm rõ tính khả thi của quy định này./.

Bảo Yến - Minh Thành

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-doan-dai-bieu-quoc-hoi.aspx?itemid=59811