THẢO LUẬN TỔ 03 VỀ DỰ ÁN LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT THỐNG KÊ

Theo chương trình Kỳ họp thứ Hai, Quốc hội khóa XV, chiều 20/10, Quốc hội tiến thành thảo luận ở tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê.

Tại tổ thảo luận số 03 gồm các đại biểu Quốc hội chuyên trách, đại biểu Quốc hội ở trung ương thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội Tp.Hải Phòng và các tỉnh Sơn La, Bắc Kạn, Thanh Hóa, Đắk Nông, Sóc Trăng, Kiên Giang về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê, các đại biểu cơ bản tán thành với sự cần thiết ban hành luật và nhất trí xem xét thông qua dự án Luật theo quy trình tại một kỳ họp.

Thảo luận tại Tổ 3 về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê

Thảo luận tại Tổ 3 về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê

Trước đó, trong phiên làm việc toàn thể, các đại biểu đã nghe trình bày Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê. Trình bày Tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, việc sửa đổi bổ sung Luật Thống kê với mục tiêu cung cấp thông tin thống kê chính xác, khách quan, kịp thời, phản ánh đúng, đầy đủ tình hình kinh tế - xã hội của đất nước giai đoạn 2021-2030; Giúp phân tích, hoạch định và điều hành chính sách vĩ mô; Xây dựng cơ sở pháp lý để thu thập các chỉ tiêu thống kê quốc gia; Bảo đảm yêu cầu so sánh quốc tế trong các lĩnh vực.

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung khoản 6 Điều 17 về quy trình biên soạn chỉ tiêu Tổng sản phẩm trong nước (GDP) và chỉ tiêu Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (GRDP); rà soát về việc đánh giá lại quy mô Tổng sản phẩm trong nước báo cáo Chính phủ, trình Quốc hội. Sửa đổi, bổ sung điểm d khoản 2 Điều 48 về công bố thông tin thống kê của chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh là phân tổ của chỉ tiêu thống kê quốc gia. Thay thế Phụ lục - Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê số 89/2015/QH13 bằng Phụ lục - Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia ban hành kèm theo Luật này.

Thảo luận tại tổ, các đại biểu cơ bản tán thành với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê như các lý do đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ nhằm thể chế hóa đường lối, chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước về công tác thống kê; tạo cơ sở pháp lý để thực hiện kịp thời việc thu thập, tổng hợp và bảo đảm số liệu thống kê phản ánh khách quan, chính xác, kịp thời, đầy đủ, thống nhất, phục vụ Đảng, Nhà nước trong hoạch định đường lối, chính sách và điều hành phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Nhất trí với các nội dung trong báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, các đại biểu đề nghị Chính phủ cần lưu ý rà soát, có tiếp thu, giải trình các nội dung thẩm tra.

Cho rằng, hồ sơ dự án Luật qua 2 lần trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội đáp ứng quy định tại khoản 1 Điều 64 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, các đại biểu cũng tán thành việc trình Quốc hội xem xét thông qua Luật theo quy trình tại một kỳ họp.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên thảo luận tổ

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên thảo luận tổ

Phát biểu tại phiên thảo luận tổ, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ghi nhận Tờ trình, Hồ sơ dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê đã có sự tiếp thu ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngoài sửa đổi danh mục, phụ lục chỉ tiêu thống kê quốc gia còn sửa đổi, bổ sung một số điều của luật và cho rằng việc sửa đổi các nội dung này có ý nghĩa quan trọng trong điều hành kinh tế vĩ mô. Từ sự thay đổi phạm vi sửa đổi, bổ sung nên tên của dự án luật đã có sự thay đổi từ Luật sửa đổi, bổ sung Phụ lục – Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê thành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê.

Chủ tịch Quốc hội cũng làm rõ các nội dung đề xuất sửa đổi, bổ sung lần này xuất phát từ yêu cầu quản lý kinh tế của địa phương, khắc phục trình trạng thiếu số liệu, dữ liệu, thông tin thống kê của lãnh đạo địa phương trong quá trình chỉ đạo, điều hành. Do đó, dự thảo Luật đã quy định rõ trách nhiệm cung cấp thông tin thống kê cho các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, việc chủ động tính toán thống kê của các Cục thống kê tại các tỉnh. Chủ tịch Quốc hội cho rằng việc sửa đổi nội dung này là cần thiết.

Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết, từ thực tiễn điều hành, cuối khóa XIV đã tiến hành điều chỉnh GDP xuất phát từ yêu cầu thực tiễn tuy nhiên do thiếu các quy định về trình tự, thủ tục, quy trình, thẩm quyền thực hiện nên quá trình thực hiện gặp phải khó khăn, lúng túng. Mặt khác, việc điều chỉnh GDP ảnh hưởng đến nhiều chỉ tiêu kinh tế vĩ mô do Quốc hội quyết định như bội chi, lạm phát, chỉ số giá, thu nhập bình quân đầu người…Do đó, cần thiết phải quy định trọng luật về việc điều chỉnh GDP đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Song Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị tiếp tục rà soát, xem xét với các quy định như dự thảo đã đáp ứng yêu cầu hay chưa.

Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị xem xét bổ sung quy định về việc công bố các chỉ tiêu trước và sau khi điều chỉnh GDP để có căn cứ so sánh đối chiếu; so sánh các chỉ tiêu cũng cần bổ sung kết quả so sánh với quý hoặc tháng liền trước đó, bên cạnh việc so sánh với cùng kỳ của năm trước như hiện hành; rà soát thêm về chỉ tiêu giá trị tăng thêm của từng ngành, ngoài chỉ tiêu sản lượng còn cần tính thêm giá trị tăng thêm của từng ngành; bước đầu tính toán về chỉ tiêu kinh tế vùng.

Cơ bản nhất trí nhiều nội dung sửa đổi các nhóm chỉ tiêu trong dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Danh Tú – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kiên Giang đề nghị cân nhắc việc sửa đổi tên chỉ tiêu phản ánh đúng nội hàm của chỉ tiêu và làm rõ lý do sửa đổi, điều chỉnh tên một số nhóm chỉ tiêu và bỏ một số chỉ tiêu.

Dẫn chứng nhóm chỉ tiêu số 19 về trật tự an toàn xã hội và tư pháp, dự thảo Luật sửa tên chỉ tiêu về “số vụ, số người phạm tội đã bị kết án” thành “số vụ, số bị cáo đã xét xử sơ thẩm”, đại biểu cho rằng, việc sửa đổi này không chỉ sửa tên chỉ tiêu mà còn có sự thay đổi về nội dung chỉ tiêu. Chỉ tiêu “số vụ, số người phạm tội đã bị kết án” như quy định hiện hành phản ánh sát thực số liệu tình hình tội phạm trong cả nước; còn chỉ tiêu “số vụ, số bị cáo đã xét xử sơ thẩm” chưa phản ánh đầy đủ chính xác số liệu tình hình tội phạm xảy ra. Do đó cân nhắc việc sửa tên chỉ tiêu này./.

Bảo Yến - Minh Thành

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-doan-dai-bieu-quoc-hoi.aspx?itemid=59671