THẢO LUẬN TỔ 03 VỀ KINH TẾ - XÃ HỘI, PHÒNG CHỐNG DỊCH BỆNH COVID-19 VÀ NSNN: NHẬN THỨC ĐÚNG VÀ THỐNG NHẤT ĐÓNG VAI TRÒ QUAN TRỌNG

Sáng 21/10, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, Quốc hội thảo luận tại tổ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; công tác phòng, chống dịch COVID-19 và tình hình thực hiện ngân sách nhà nước.

Tổ số 03 gồm các đại biểu Quốc hội chuyên trách, đại biểu Quốc hội ở trung ương thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội Tp.Hải Phòng và các tỉnh Sơn La, Bắc Kạn, Thanh Hóa, Đắk Nông, Sóc Trăng, Kiên Giang, qua thảo luận, các đại biểu đánh giá cao các báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của các cơ quan của Quốc hội và cho rằng các báo cáo được chuẩn bị kỹ, công phu, trách nhiệm, đánh giá khách quan, thẳng thắn, thực hiện đúng phương châm mà Tổng Bí thư đã nêu là không tô hồng cũng không bôi đen mà nhìn thẳng vào thực tiễn.

Thảo luận tại Tổ 03 về kinh tế - xã hội, công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19 và ngân sách nhà nước

Thảo luận tại Tổ 03 về kinh tế - xã hội, công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19 và ngân sách nhà nước

Các đại biểu quan tâm đến chiến lược phòng chống dịch bệnh và chương trình phục hồi kinh tế được thiết kế làm sao bảo đảm hiệu quả, với quan điểm là không nóng vội, chủ quan, tránh tình trạng chuyển từ cực này sang cực khác, cảnh giác với các nguy cơ dịch bệnh có thể quay trở lại; nhấn mạnh việc đổi mới tư duy trong công tác phòng chống dịch, đặt trọng tâm vào phòng chống dịch thích ứng an toàn, kiểm soát dịch hiệu quả, với chiến lược bao phủ vaccine và 5K và ứng dụng công nghệ thông tin.

Các đại biểu đề nghị cần phải chú trọng đánh giá kỹ hơn một số mặt về nhận thức, bên cạnh coi COVID-19 là thách thức khó khăn nhưng cũng là cơ hội để nhìn nhận thực trạng nền kinh tế, công tác chỉ đạo điều hành, sức chống chịu của nền kinh tế, coi đây là cơ hội để thúc đẩy chuyển đổi số; đánh giá kỹ hơn những mặt được, tồn tại, hạn chế, vấn đề phân cấp, phân quyền, trách nhiệm của người đứng đầu, quan hệ phối hợp giữa các bộ ngành và các địa phương trong công tác phòng, chống dịch; nâng cao năng lực thực hiện, kỷ luật, kỷ cương, công tác thông tin truyền thông và đánh giá tác động sâu hơn đối với lĩnh vực xã hội, quốc phòng – an ninh và bảo đảm trật tự an toàn xã hội.

Để thực hiện thắng lợi chiến lược phòng, chống dịch bệnh COVID-19 và chương trình phục hồi phát triển kinh tế cần chú trọng đánh giá đúng thực trạng của nền kinh tế, thông tin dữ liệu khách quan, đầy đủ, chú trọng vấn đề dự báo tình hình dịch bệnh, bối cảnh thế giới, khu vực và trong nước trong thời gian tới, nhận định khó khăn, cơ hội và các giải pháp về chính sách tài khóa, tiền tệ để kích thích phát triển kinh tế với quy mô các gói hỗ trợ đủ lớn và có lộ trình phù hợp, tập trung vào đúng điểm đến để phát huy cao nhất hiệu quả, tạo cơ sở cho các lĩnh vực khác phát triển, có tác động lan tỏa. Bên cạnh đó cần đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, tăng cường năng lực hấp thụ vốn của nền kinh tế, chú trọng phát huy nội lực.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng điều hành phiên thảo luận Tổ 03

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng điều hành phiên thảo luận Tổ 03

Về giải pháp mang tính chiến lược, các đại biểu nhấn mạnh phòng, chống dịch bệnh gắn liền với phát triển kinh tế và an sinh xã hội và phòng chống thiên tai; lưu ý bảo đảm đủ nguồn lực cho phòng chống dịch bệnh lâu dài. Cùng với đó cần tiếp tục chú trọng hoàn thiện thể chế, tháo gỡ những điểm nghẽn cản trở sự phát triển bởi qua thực tiễn phòng, chống COVID-19 cho thấy tổ chức thực hiện vẫn là khâu yếu nên hết sức chú trọng vấn đề này, đánh giá đúng tình hình và chủ động các phương án.

Theo đại biểu Nguyễn Chu Hồi – Đoàn đại biểu Quốc hội Tp.Hải Phòng, cuộc chiến chống COVID-19 là chưa từng có và việc Quốc hội ban hành các chính sách trong đó có Nghị quyết số 30/2021/QH15 là Nghị quyết cũng chưa từng có, đáp ứng kịp thời yêu cầu thực tiễn đặt ra, khẳng định đồng hành với Chính phủ. Đến nay cơ bản kiểm soát được dịch bệnh và bắt đầu chuyển sang giai đoạn mới thích ứng an toàn với dịch bệnh.

Đại biểu Nguyễn Chu Hồi cũng cho rằng thích ứng an toàn với dịch bệnh và bảo đảm điều kiện bình thường mới là hai mặt của một vấn đề nên quá trình tổ chức thực hiện trong thời gian tới cần bắt đầu từ nhận thức đúng, đầy đủ chủ trương của Đảng, Nhà nước. Nếu không tập trung thích ứng an toàn với dịch bệnh thì cũng sẽ không có được trạng thái bình thường mới và không thể phục hồi kinh tế.

Đại biểu Nguyễn Chu Hồi - Đoàn đại biểu Quốc hội Tp.Hải Phòng

Đại biểu Nguyễn Chu Hồi - Đoàn đại biểu Quốc hội Tp.Hải Phòng

Lưu ý còn có nguy cơ bùng phát dịch bệnh trở lại, đại biểu cho rằng, cuộc chiến giữ được trạng thái bình thường mới sẽ không dễ dàng nếu có sự chủ quan. Đại biểu đồng tình và đánh giá cao các giải pháp mà Chính phủ đề ra và những vấn đề Ủy ban Thường vụ Quốc hội lưu ý và đề nghị cần tiếp tục tập trung thực hiện các giải pháp này. Đồng thời nhấn mạnh, trong phòng, chống dịch bệnh khâu dự báo là rất quan trọng do đó cần có dự báo chính xác tình hình, đẩy mạnh sự tham gia của khoa học, công nghệ; đề cao mức độ tuân thủ của xã hội, tránh chủ quan và có chế tài xử lý vi phạm; bên cạnh phủ rộng tiêm vaccine cũng cần quan tâm đến tìm kiếm nguồn thuốc chữa, nghiên cứu sản xuất thuốc chữa COVID-19. Trong phương hướng phát triển kinh tế năm 2022 cần quan tâm đến phát triển kinh tế xanh, chú trọng đến các biện pháp để phát triển bền vững như khai thác hợp lý, hiệu quả tài nguyên; cần nhận diện và có tính toán thêm các chỉ số phản ánh đúng sức khỏe thực chất của nền kinh tế bên cạnh chỉ số GDP.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Thị Thủy – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn, cho rằng các báo cáo đã thẳng thắn, đáp ứng đúng yêu cầu mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ quán triệt là không tô hồng, không bôi đen tình hình phát triển kinh tế - xã hội, nhìn thẳng vào sự thật, chỉ ra những điểm đã đạt được và những điều cần rút kinh nghiệm.

Đại biểu cho biết qua tiếp xúc cử tri và tiếp nhận các ý kiến đánh giá cho thấy trong công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 cơ bản đạt kết quả tích cực. Đến nay tình hình cơ bản kiểm soát dịch bệnh, từng bước giảm ca mắc và tỉ lệ tử vong, kinh tế - xã hội dần phục hồi. Đại biểu khẳng định, có được kết quả này là nhờ sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, của Đảng, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ.

Đại biểu nêu rõ, trong hoạt động của Quốc hội, đã có những quyết sách hết sức mạnh mẽ, chưa từng có ngay từ đầu nhiệm kỳ, Quốc hội ban hành Nghị quyết để giao cho Chính phủ được thực hiện các biện pháp chủ động, linh hoạt, chưa từng có tiền lệ trong phòng, chống dịch bệnh.

Đại biểu cũng ghi nhận trong hoạt động của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngoài các phiên họp thường kỳ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiến hành các phiên họp bất thường để xem xét ban hành các Nghị quyết cho phép Chính phủ ban hành một số quy định khác với quy định của luật hiện hành nhằm phòng, chống dịch bệnh; ban hành chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động và mới đây nhất là chính sách miễn giảm thuế. Điều này thể hiện tinh thần đồng hành với Chính phủ, với đất nước để ban hành kịp thời giải quyết ngay những vấn đề cuộc sống.

Cùng với đó các cơ quan tư pháp cũng đã có những biện pháp để thích ứng trong tình hình dịch bệnh như Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành nghị quyết hướng dẫn xét xử đối với 10 tội cụ thể liên quan đến phòng, chống dịch bệnh và chưa bao giờ công tác xử lý các vụ án liên quan đến đến phòng, chống dịch bệnh lại được giải quyết khẩn trương nhanh chóng như vậy.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Thị Thủy - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn thảo luận tại Tổ

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Thị Thủy - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn thảo luận tại Tổ

Bên cạnh những kết quả có được nhờ sự nỗ lực, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, đại biểu Nguyễn Thị Thủy cũng cho rằng vẫn còn những vấn đề cần rút kinh nghiệm và nguy cơ còn tiêm ẩn, trong quá trình phòng, chống dịch bệnh không thể tránh khỏi những sơ sót nhất định song điều quan trọng vẫn là nhận thức và chính quyền địa phương, lãnh đạo các cơ quan biết lắng nghe để kịp thời điều chỉnh, rút kinh nghiệm trong chỉ đạo điều hành và tổ chức thực hiện. Đại biểu cũng đề nghị cần tăng cường thanh tra, kiểm tra và có quy định chung thống nhất về sống chung an toàn với dịch bệnh để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân.

Bảo Yến - Minh Thành

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-doan-dai-bieu-quoc-hoi.aspx?itemid=59699