THẢO LUẬN TỔ 10: QUY ĐỊNH CỤ THỂ TRONG LUẬT VỀ TIÊU CHÍ, NGUYÊN TẮC KHI XÉT THĂNG BẬC HÀM TRONG NGÀNH CÔNG AN

Chiều ngày 27/5, thảo luận tại Tổ 10 (Đoàn ĐBQH các tỉnh: Hà Giang, Thái Bình, Đồng Tháp) về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, nhiều ý kiến nhất trí với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung, nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Thảo luận về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân, đa số đại biểu Tổ 10 thống nhất với sự cần thiết ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân như Tờ trình của Chính phủ. Đại biểu cho rằng, việc ban hành Luật nhằm thể chế hóa các quan điểm chỉ đạo của Đảng; tiếp tục hoàn thiện pháp luật về công an nhân dân, thực hiện chế độ, chính sách đối với lực lượng này; bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với quy định của Bộ luật Lao động về độ tuổi nghỉ hưu của người lao động; khắc phục một số khó khăn, vướng mắc phát sinh trong thực tiễn công tác, chiến đấu của lực lượng công an nhân dân để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Toàn cảnh phiên thảo luận Tổ 10.

Toàn cảnh phiên thảo luận Tổ 10.

Tuy nhiên, có ý kiến đại biểu đề nghị làm rõ sự cần thiết sửa đổi luật vì sự cấp bách của yêu cầu thực tiễn, sự phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết, hay để giải quyết vấn đề chính sách cho cán bộ trong ngành. Đồng thời, ban soạn thảo bổ sung kinh nghiệm quốc tế, đánh giá kỹ và lấy ý kiến của đối tượng chịu tác động như thế nào.

Về các nội dung cụ thể, các đại biểu tập trung cho ý kiến về: Quy định thời hạn để xét thăng cấp bậc hàm Đại tá lên Thiếu tướng (khoản 1 Điều 1); Quy định tiêu chí, tiêu chuẩn lập thành tích đặc biệt xuất sắc để xét thăng cấp bậc hàm cấp tướng trước thời hạn (khoản 2 Điều 1); Bổ sung quy định cấp bậc hàm cao nhất đối với một số chức vụ, chức danh của sĩ quan Công an nhân dân (khoản 3 Điều 1); Hạn tuổi phục vụ cao nhất của sĩ quan, hạ sĩ quan, công nhân công an (khoản 4 Điều 1).

Cơ bản đồng tình với quy định của dự thảo luật về thời hạn để xét thăng cấp bậc hàm Đại tá lên Thiếu tướng (khoản 1 Điều 1), bảo đảm thống nhất quy định về hạn tuổi phục vụ cao nhất, góp phần tận dụng được trí tuệ, kinh nghiệm của sĩ quan được thăng cấp bậc hàm, bảo đảm về thời gian lãnh đạo, chỉ huy tiếp theo của cấp bậc hàm được thăng. Có ý kiến đề nghị bổ sung quy định thời gian công tác tối thiểu để bảo tính chặt chẽ, khả thi.

Đại biểu Phạm Văn Hòa – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp cho rằng, để được xét thăng bậc hàm từ Đại tá lên Thiếu tướng cần có thời gian công tác còn lại ít nhất là 3 năm. Tương tự, quy định tiêu chí, tiêu chuẩn lập thành tích đặc biệt xuất sắc để xét thăng cấp bậc hàm cấp tướng trước thời hạn (khoản 2 Điều 1) cũng cần có tiêu chí cụ thể rõ ràng trong luật; đồng thời bổ sung quy định thời gian tối thiểu xét thăng bậc hàm từ đại tá lên thiếu tướng.

Đại biểu Nguyễn Văn An – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình đề nghị quy định ngay trong Luật nguyên tắc, tiêu chuẩn, điều kiện thăng cấp bậc hàm cấp Tướng

Đại biểu Nguyễn Văn An – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình đề nghị quy định ngay trong Luật nguyên tắc, tiêu chuẩn, điều kiện thăng cấp bậc hàm cấp Tướng

Đồng tình với quan điểm trên, đại biểu Nguyễn Văn An – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình, đề nghị quy định ngay trong Luật nguyên tắc, tiêu chuẩn, điều kiện thăng cấp bậc hàm cấp Tướng trước thời hạn đối với sĩ quan CAND có thành tích đặc biệt xuất sắc trong chiến đấu và công tác không giao Chính phủ tiếp tục quy định chi tiết. Lý do được đại biểu nêu là nhằm đảm bảo thống nhất với các văn bản luật hiện hành như: Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam năm 1999 (được sửa đổi, bổ sung năm 2008, 2014), Luật Thi đua khen thưởng năm 2005 (được sửa đổi, bổ sung năm 2009, 2013)… vì các văn bản pháp luật nêu trên đều quy định ngay trong Luật điều kiện, tiêu chí, tiêu chuẩn để áp dụng thống nhất. Ngoài ra, đai biểu cũng đề nghị bổ sung trong luật thời gian xem xét thăng bậc hàm, theo đó có thể bổ sung hàng năm Bộ trưởng Bộ Công an đề nghị Chủ tịch nước phòng hàm cấp tướng vào thời gian cụ thể.

Cho ý kiến về cấp bậc hàm cao nhất là Đại tá đối với Trưởng Công an thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương, Trung đoàn trưởng (điểm c khoản 3 Điều 1), có ý kiến cho rằng, trên thực tế đã thành lập thành phố Thủ Đức thuộc Thành phố Hồ Chí Minh trên cơ sở sáp nhập 3 quận. Luật Công an nhân dân hiện hành đã quy định Trưởng Công an quận trực thuộc thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh có cấp bậc hàm cao nhất là Đại tá. Do đó, dự thảo Luật quy định Trưởng Công an thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương có cấp bậc hàm cao nhất là Đại tá là phù hợp. Về vấn đề này, đại biểu Phạm Văn Hòa – Đoàn ĐBQH đề nghị bổ sung trong dự thảo luật về Trưởng Công an thành phố loại 1 thuộc tỉnh mang cấp hàm cao nhất là Đại tá.

Góp ý về hạn tuổi phục vụ cao nhất của sĩ quan, hạ sĩ quan, công nhân công an (khoản 4 Điều 1), đa số ý kiến đồng tình với đề xuất của Chính phủ về tăng hạn tuổi phục vụ cao nhất của sĩ quan, hạ sĩ quan, công nhân công an đối với nam. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị cân nhắc việc nâng hạn tuổi phục vụ cao nhất đối với nữ Thượng tá lên 03 tuổi, nữ Đại tá lên 05 tuổi. Đại biểu cho rằng mức tăng này chưa phù hợp với thực tế, trong khi đa số cấp bậc hàm khác tăng 02 tuổi để phù hợp với môi trường công tác đặc thù của lực lượng công an nhân dân; đề nghị cân nhắc tăng tuổi đối với nữ theo lộ trình phù hợp.

Một số hình ảnh tại Tổ 10:

Toàn cảnh Phiên thảo luận tại Tổ 10, gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh: Đồng Tháp, Hà Giang, Hà Nam

Toàn cảnh Phiên thảo luận tại Tổ 10, gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh: Đồng Tháp, Hà Giang, Hà Nam

Các đại biểu tại Tổ 10 nghiên cứu tài liệu

Các đại biểu tại Tổ 10 nghiên cứu tài liệu

Đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp.

Đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp.

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp phát biểu.

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp phát biểu.

Đại biểu Nguyễn Văn Thân - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình góp ý tại phiên thảo luận.

Đại biểu Nguyễn Văn Thân - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình góp ý tại phiên thảo luận.

Đại biểu Nguyễn Văn An – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình góp ý về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân

Đại biểu Nguyễn Văn An – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình góp ý về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân

Đại biểu Hoàng Ngọc Định – Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang góp ý vào các dự thảo luật trình Quốc hội.

Đại biểu Hoàng Ngọc Định – Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang góp ý vào các dự thảo luật trình Quốc hội.

Các đại biểu tham dự phiên họp.

Các đại biểu tham dự phiên họp.

Lan Hương - Nghĩa Đức

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=76322