THẢO LUẬN TỔ 2: DỰ ÁN LUẬT PHÒNG THỦ DÂN SỰ CẦN ĐẢM BẢO TÍNH THỐNG NHẤT VỚI CÁC LUẬT LIÊN QUAN

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, chiều 01/11, Quốc hội thảo luận tại tổ về Dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi) và Dự án Luật Phòng thủ dân sự (PTDS). Đa số các ý kiến đại biểu nhấn mạnh, việc ban hành Luật PTDS là cần thiết nhằm bổ sung và hoàn thiện cho hệ thống pháp luật quốc gia, có ý nghĩa điều chỉnh và bao quát đầy đủ các hoạt động của PTDS cũng như tạo điều kiện cho hoạt động phòng chống, ứng phó có hiệu quả các sự cố, thảm họa, nhưng cần đảm bảo tính thống nhất với các luật liên quan.

THẢO LUẬN TỔ 2: CẦN ĐẢM BẢO CÔNG BẰNG, TÍNH TƯƠNG THÍCH VỚI CÁC PHÁP LUẬT LIÊN QUAN TRONG ĐẤU GIÁ BIỂN SỐ XE Ô TÔ

Toàn cảnh phiên thảo luận tại Tổ 2.

Toàn cảnh phiên thảo luận tại Tổ 2.

Tổ 2 gồm 28 đại biểu của Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh. Phó Trưởng Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh Văn Thị Bạch Tuyết điều hành nội dung thảo luận.

Thảo luận về dự án Luật Phòng thủ dân sự, đa số các đại biểu nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật Phòng thủ dân sự (viết tắt là PTDS) với các căn cứ chính trị, pháp lý và thực tiễn như đã nêu tại Tờ trình của Chính phủ; đồng thời cho rằng, việc xây dựng luật sẽ khắc phục những tồn tại, hạn chế, vướng mắc trong quá trình thực hiện các hoạt động PTDS, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ hiện nay trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ Nhân dân, cơ quan, tổ chức và nền kinh tế quốc dân. Ngày 30/8/2022, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 22-NQ/TW “Về PTDS đến năm 2030 và những năm tiếp theo” đã xác định mục tiêu cụ thể đến năm 2025 là “Xây dựng Luật PTDS”.

Cho rằng PTDS cũng như phòng thủ quốc gia nói chung rất quan trọng nhằm đảm bảo cho sự phát triển bình thường của xã hội cũng như đời sống của người dân, đại biểu Phan Văn Xựng - Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh đồng tình với Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra về dự án Luật PTDS của Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, về sự cần thiết ban hành Luật PTDS, nhất là đã làm rõ cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý và cơ sở thực tiễn.

Đại biểu Phan Văn Xựng nhấn mạnh, việc ban hành Luật PTDS là cần thiết nhằm bổ sung và hoàn thiện cho hệ thống pháp luật quốc gia, có ý nghĩa điều chỉnh và bao quát đầy đủ các hoạt động của PTDS và hoàn thiện hành lang pháp lý cũng như tạo điều kiện cho hoạt động phòng chống, ứng phó có hiệu quả các sự cố, thảm họa, nhất là những vấn đề mà các luật khác chưa đề cập, trong thực tiễn đã diễn ra nhưng khuôn khổ pháp lý chưa điều chỉnh.

Đại biểu nêu ví dụ như vụ sập hầm ở thủy điện Đạ Dâng năm 2014, lũ lụt hàng năm, sự cố sạt lở ở thủy điện Rào Trăng 3, vụ hỏa hoạn tại Công ty bòng đèn Rạng Đông năm 2019; tình hình dịch bệnh Covid-19, đặc biệt đợt dịch lần thứ 4 diễn ra ở các tỉnh phía Nam, trong đó Tp.Hồ Chí Minh là tâm dịch…. Trước các thực tế diễn ra như vậy, Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị các cấp vào cuộc quyết liệt, quân đội đã tham gia vào công tác phòng chống, khắc phục các sự cố này với tinh thần, trách nhiệm xả thân của các cán bộ chiến sỹ, nhất là các lực lượng chuyên môn đã vào cuộc xử lý.

Đại biểu Phan Văn Xựng - Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh

Đại biểu Phan Văn Xựng - Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh

Cùng với sự vào cuộc của các lực lượng, đại biểu cho rằng, lực lượng quân đội còn áp dụng các công cụ, phương tiện để tham gia phòng chống, khắc phục hậu quả, sự cố rất tốt, đặc biệt vai trò của quân đôi trong tham gia công tác phòng, chống dịch Covid-19 năm 2021. Từ đó, đại biểu Phan Văn Xựng khẳng định sự cần thiết ban hành dự án Luật này.

Đề Luật PTDS tránh trùng lặp với các điều khoản của các luật đã ban hành như Luật Phòng chống thiên tai, Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm, Luật Phòng cháy chữa cháy, Luật Bảo vệ môi trường, đại biểu Phan Văn Xựng đề nghị Ban soạn thảo cần rà soát lại.

Đồng tình với sự cần thiết và yêu cầu xây dựng chiến lược quốc gia về PTDS (Điều 10), đại biểu Phan Văn Sự nêu rõ, chiến lược quốc gia về PTDS là phương châm, biện pháp để phòng chống chiến tranh, phòng chống, khắc phục thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh, bảo vệ nhân dân cũng như cơ quan, tổ chức và nền kinh tế quốc dân. Để chiến lược quốc gia về PTDS đáp ứng yêu cầu của Luật PTDS, đại biểu cho rằng, việc hoạch định chiếc lược PTDS là cần thiết, phải có tầm nhìn xa trông rộng, nhận diện rõ bối cảnh cũng như vấn đề thực trạng, nhất là xu hướng vận động và phát triển tình hình có liên quan.

Bởi vì chiến lược nói chung và chiến lược PTDS có tầm ảnh hưởng rộng, tổng thể, lâu dài đến quá trình phòng thủ đất nước. Do đó, dự thảo Luật xác định chu kỳ chiến lược 10 năm và tầm nhìn đến 20 năm, thường xuyên được cập nhật, điều chỉnh định kỳ 5 năm, hoặc đột xuất khi có thảm họa khẩn cấp hoặc bùng nổ chiến tranh, đại biểu cho rằng, xác định thời gian như vậy là phù hợp, có tính dự báo.

Đại biểu Phan Văn Xựng cho biết, dự thảo Luật cũng xác định chiến lược quốc gia về PTDS dựa trên cơ sở về lý luận như sự kế thừa các quan điểm, chủ trương của Đảng về PTDS như Nghị quyết 28 của BCH Trung ương về bảo vệ tổ quốc trong tình hình mới, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Chỉ thị 42 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó khắc phục hậu quả thiên tai, mới đây nhất là Nghị quyết số 22 của Bộ Chính trị về PTDS. Trên cơ sở thực tiễn, Chính phủ cũng đã tổng kết các cấp về công tác phòng chống chiến tranh, thảm họa, sự cố, nghiên cứu về tình hình thế giới cũng như dự báo những vấn đề trong thời gian tới. Như vậy, tính kế hoạch và xây dựng chiến lược của dự án Luật PTDS đã dựa trên cơ sở lý luận và cơ sở thực tiễn rõ ràng.

Liên quan đến tầm quan trọng và trách nhiệm quản lý nhà nước về PTDS, đại biểu Phan Văn Xựng cho rằng, PTDS là nội dung trong chiến lược bảo vệ tổ quốc trong tình hình mới, là trọng yếu và thường xuyên và là nhiệm vụ đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý tập trung thống nhất của Chính phủ. PTDS phải huy động sức mạnh tổng hợp của toàn dân, của quốc gia, sự hợp tác quốc tế, do vậy cần có sự điều chỉnh của luật, phải quản lý nhà nước để điều hành hiệu quả khi xảy ra các sự cố, thảm họa.

Về nội dung quản lý nhà nước về PTDS, nội dung được thể hiện rõ ở 12 điểm tại khoản 1 của Điều 48, giống như quản lý nhà nước trên nhiều phương diện, lĩnh vực khác như công tác lãnh đạo, tổ chức hoạt động, đào tạo, tập huấn, diễn tập, huy động nhân lực, trang thiết bị cũng như ứng dụng khoa học kỹ thuật, công tác thanh tra, công tác kiểm tra… thực hiện các bước chặt chẽ. Đại biểu nhận thấy, trách nhiệm quản lý nhà nước về PTDS đã được quy định rõ trong dự thảo Luật. Dự án luật này cũng nhằm chuẩn bị trước một bước để khi có thảm họa, sự cố thì chúng ta chủ động trong ứng phó, giảm bớt thiệt hại, tổn thất đối với người dân và đất nước.

Còn đại biểu Đặng Văn Lẫm cho biết, dự án Luật PTDS quy định những vấn đề chung nhất, đặc thù nhất mà các luật chuyên ngành không thể hiện được, đồng thời nhất trí sự ban hành dự án Luật dựa trên cơ sở 3 căn cứ: căn cứ chính trị, căn cứ pháp lý và căn cứ thực tiễn thời gian qua.

Góp ý vào khoản 2 Điều 6 của dự thảo Luật, căn cứ để xác định mức độ rủi ro về thảm họa, sự cố gồm có 4 điểm: về phạm vi ảnh hưởng và khả năng lan rộng; đặc điểm địa lý tự nhiên, kinh tế - xã hội của địa bàn bị ảnh hưởng; diễn biến bị thiệt hại; khả năng ứng phó với thảm họa, sự cố của chính quyền địa phương và lực lượng tham gia PTDS. Đại biểu cho rằng, các văn bản pháp luật đang hiện hành chỉ có 3 điểm, còn điểm thứ 4 là đặc trưng của dự án luật PTDS thì đã được đưa vào.

Mức độ, phạm vi ảnh hưởng của sự cố diễn ra rất rộng, trong toàn quốc, không chỉ phạm vi ở một quốc gia mà nhiều quốc gia như thảm họa dịch bệnh Covid-19. Vì thế, đại biểu đề nghị cần mở rộng điểm d của dự thảo: khả năng ứng phó với thảm họa, sự cố của các bộ ngành, chính quyền địa phương, phối hợp với quốc tế và lực lượng tham gia PTDS.

Về tiêu chí đánh giá mức độ rủi ro về thảm họa, sự cố, đại biểu Đặng Văn Lẫm cho rằng, tiêu chí đánh giá phải gồm cả về định tính và định lượng. Định lượng tốt thì mức độ đánh giá chính xác, mực độ tin cậy càng cao. Đại biểu nhấn mạnh, việc đánh giá mức độ rủi ro về thảm họa, sự cố có tầm quan trọng rất lớn, đó là cơ sở khoa học để hoạch định chiến lược, xây dựng kế hoạch, chuẩn bị phương án, chuẩn bị các biện pháp phù hợp để ứng phó với các thảm họa, sự cố. Ngược lại, nếu đánh giá mức độ rủi ro cao thì sẽ gây lãng phí về nguồn lực cũng như gây hoang mang, lo sợ trong nhân dân. Còn nếu đánh giá mức độ rủi ro quá thấp thì sẽ dẫn đến hiện tượng chủ quan, thiếu sự chuẩn bị, đồng bộ, khi sự cố xảy ra sẽ không kịp thời ứng phó, không đủ khả năng để ứng phó, khắc phục thảm họa, sự cố. Vì vậy, đại biểu Đặng Văn Lẫm kiến nghị cần có sự nghiên cứu về tiêu chí mức độ rủi ro về thảm họa, sự cố theo hướng tăng mức định lượng để ban hành các văn bản dưới luật để đánh giá mức độ rủi ro thảm họa chính xác, độ tin cậy cao hơn.

Đề cập đến công trình PTDS, đại biểu Đặng Văn Lẫm đề nghị phải chú trọng tính bền lâu, kiên cố, kết hợp chặt chẽ với việc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội. Đối với cấp ủy cq địa phương, xây dựng công trình phải bảo đảm kết hợp quốc phòng với phát triển kinh tế - xã hội, tận dụng hang động, đường hầm, nơi cư trú cho nhân dân khi xảy ra thảm họa, sự cố hoặc chiến tranh. Việc thẩm định, phê duyệt kế hoạch xây dựng công trình PTDS phải đúng theo quy định pháp luật. Cải tạo công trình, hạ tầng kỹ thuật liên quan đến công trình PTDS phải tuân thủ theo pháp luật hiện hành, không phát sịnh thủ tục hành chính mới gây khó khăn cho các chủ đầu tư.

Đại biểu Dương Văn Thăng - Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh

Đại biểu Dương Văn Thăng - Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh

Góp ý về khái niệm “phòng thủ dân sự”, đại biểu Dương Văn Thăng cho rằng, khái niệm chưa phản ánh được chủ thể của Phòng thủ dân sự là ai? Là cơ quan, tổ chức, cá nhân nào? Theo nội dụng trong Dự thảo Luật thì chủ thể của Phòng thủ dân sự là các cấp chính quyền, lực lượng phòng thủ dân sự và người dân (Chương II, Chương III). Do đó, đại biểu Dương Văn Thăng đề nghị ở khoản 1 Điều 2 của Dự thảo Luật: Bỏ cụm từ “bao gồm các biện pháp”; Thêm nội dung “là hoạt động của các cấp chính quyền, lực lượng phòng thủ dân sự và người dân trong việc”.

Như vậy, khoản 1 Điều 2 Dự thảo Luật được sửa đổi lại như sau: Phòng thủ dân sự là bộ phận của phòng thủ đất nước, là hoạt động của các cấp chính quyền, lực lượng phòng thủ dân sự và người dân trong việc phòng, chống, khắc phục hậu quả chiến tranh; phòng, chống, khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh; bảo vệ Nhân dân, cơ quan, tổ chức và nền kinh tế quốc dân.”

Về cấp độ PTDS, đại biểu Dương Văn Thăng đề nghị việc xác định cấp độ phòng thủ dân sự là hết sức cần thiết, làm căn cứ quan trọng để chính quyền, lực lượng tham gia phòng thủ dân sự và người dân trong việc ứng phó, khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố, nhằm giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản của Nhà nước và Nhân dân; thực hiện chủ động, thống nhất, không bị động, bất ngờ trong mọi tình huống xảy ra.

Đại biểu cho rằng, việc xác định cấp độ phòng thủ dân sự để phân công, phân cấp làm rõ trách nhiệm cho chính quyền các cấp, từ cấp huyện, cấp tỉnh đến Trung ương để chủ động trong việc phòng ngừa, ứng phó, khắc phục thảm họa, sự cố. Do đó, đại biểu Dương Văn Thăng nhấn mạnh, các cấp chính quyền phải chủ động nắm bắt thông tin kịp thời từ sớm, từ xa về thảm họa, sự cố, trên cơ sở đó để xác định các cấp độ phòng thủ dân sự, kịp thời ban bố, công bố, bãi bỏ cấp độ phòng thủ dân sự theo thẩm quyền, đồng thời xác định các biện pháp được áp dụng khi có nguy cơ xảy ra thảm họa, sự cố, đó là các biện pháp được áp dụng trong phòng thủ dân sự cấp độ 1, 2, 3, 4.

Cũng tại phiên họp, các đại biểu thảo luận về dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi) và nhấn mạnh đến sự cần thiết ban hành dự án Luật này./

Một số hình ảnh tại Phiên thảo luận Tổ 2:

Phó Trưởng Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh Văn Thị Bạch Tuyết điều hành nội dung thảo luận.

Phó Trưởng Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh Văn Thị Bạch Tuyết điều hành nội dung thảo luận.

Các đại biểu tham dự phiên họp

Các đại biểu tham dự phiên họp

Đại biểu Nguyễn Minh Đức cho rằng, Luật PTDS là dự án luật mới, nhiều vấn đề, phạm vi điều chỉnh rất rộng. Các ý kiến tham mưu, góp ý vào dự án Luật này phải sát với thực tiễn, tránh chồng chéo với các luật liên quan.

Đại biểu Nguyễn Minh Đức cho rằng, Luật PTDS là dự án luật mới, nhiều vấn đề, phạm vi điều chỉnh rất rộng. Các ý kiến tham mưu, góp ý vào dự án Luật này phải sát với thực tiễn, tránh chồng chéo với các luật liên quan.

Đại biểu Nguyễn Trí Thức - Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh góp ý vào dự án Luật PTDS ở Điều 44 - quyền và nghĩa vụ của tổ chức quốc tế, Điều 55 quyên góp Quỹ PTDS, đề nghị nên có quy định công khai, minh bạch để người dân có thể quyên góp vào Quỹ này.

Đại biểu Nguyễn Trí Thức - Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh góp ý vào dự án Luật PTDS ở Điều 44 - quyền và nghĩa vụ của tổ chức quốc tế, Điều 55 quyên góp Quỹ PTDS, đề nghị nên có quy định công khai, minh bạch để người dân có thể quyên góp vào Quỹ này.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa:cho rằng, PTDS là phòng thủ các thảm họa, sự cố. Do đó, đề nghị dự án Luật cần sử dụng là “sự cố gây hại” cho chặt chẽ về câu từ. Góp ý vào Điều 17 của dự án Luật, đại biểu cho rằng, thông tin là rất quan trọng đối với các thảm họa, sự cố, dự thảo chưa quy định rõ, không rõ ai là người chịu trách nhiệm thông tin, đề nghị cần làm rõ nội dung này.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa:cho rằng, PTDS là phòng thủ các thảm họa, sự cố. Do đó, đề nghị dự án Luật cần sử dụng là “sự cố gây hại” cho chặt chẽ về câu từ. Góp ý vào Điều 17 của dự án Luật, đại biểu cho rằng, thông tin là rất quan trọng đối với các thảm họa, sự cố, dự thảo chưa quy định rõ, không rõ ai là người chịu trách nhiệm thông tin, đề nghị cần làm rõ nội dung này.

Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh góp ý vào dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi).

Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh góp ý vào dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi).

Bích Ngọc - Nghĩa Đức

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-doan-dai-bieu-quoc-hoi.aspx?itemid=70090