THẢO LUẬN TỔ 5: KỊP THỜI KHẮC PHỤC NHỮNG BẤT CẬP, HẠN CHẾ TRONG THỰC TIỄN PHÁP LUẬT VỀ PHÒNG KHÔNG NHÂN DÂN
Chiều ngày 19/6, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội tiến hành thảo luận tại Tổ về dự án Luật Phòng không nhân dân.
Tổ 5 gồm các Đoàn đại biểu Quốc hội: Lào Cai, Vĩnh Phúc, Quảng Nam, Kiên Giang.
Theo Tờ trình của Chính phủ, việc ban hành Luật Phòng không nhân dân là nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật về phòng không nhân dân, tạo cơ sở pháp lý cho việc xây dựng, huy động, tổ chức hoạt động phòng không nhân dân, quản lý các hoạt động liên quan đến tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ và bảo đảm an toàn phòng không; xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh toàn diện, phát huy sức mạnh tổng hợp của đất nước, giữ vững hòa bình, ổn định chính trị, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội để phát triển kinh tế; bảo vệ Đảng, Nhà nước, Nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.
Trên cơ sở 05 chính sách đã được Quốc hội thông qua, dự thảo Luật Phòng không nhân dân được xây dựng có bố cục gồm 08 chương, 54 điều, cụ thể: Chương I - Quy định chung; Chương II - Xây dựng, huy động lực lượng phòng không nhân dân; Chương III - Hoạt động phòng không nhân dân; Chương IV - Quản lý tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ và bảo đảm an toàn phòng không; Chương V - Quyền, nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đối với phòng không nhân dân và quản lý tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ; Chương VI - Nguồn lực, chế độ, chính sách, trang bị cho phòng không nhân dân...
Dự thảo Luật quy định về xây dựng, huy động lực lượng; hoạt động phòng không nhân dân; quản lý tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ và bảo đảm an toàn phòng không; nguồn lực, chế độ, chính sách, trang bị và quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đối với phòng không nhân dân.
Qua thảo luận, các đại biểu cơ bản nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật Phòng không nhân dân với những căn cứ chính trị, pháp lý, thực tiễn đã được nêu trong Tờ trình của Chính phủ; đồng thời cho rằng, hồ sơ dự án Luật đã được Cơ quan chủ trì soạn thảo chuẩn bị kỹ lưỡng theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Các đại biểu cũng cơ bản nhất trí với tên gọi, phạm vi điều chỉnh của Luật, cho rằng dự thảo Luật đảm bảo phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng; tính hợp Hiến, tính thống nhất với hệ thống pháp luật; tính tương thích với điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên...
Cơ bản tán thành với nội dung dự thảo luật Phòng không nhân dân do Chính phủ trình và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quôc hội, đại biểu Sùng A Lềnh- Đoàn ĐBQH tỉnh Lào Cai cho rằng, công tác phòng không nhân dân thời gian qua đã được Đảng, Nhà nước rất quan tâm thể hiện qua các văn bản chỉ đạo như: Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 22/9/2008 của Bộ Chính trị khóa X về tiếp tục xây dựng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành khu vực phòng thủ vững chắc trong tình hình mới; Kết luận số 01-KL/TW ngày 04/4/2016 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24/5/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020; Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới; Nghị quyết số 44-NQ/TW ngày 24/11/2023 Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới… Đại biểu cho rằng, việc ban hành Luật Phòng không nhân dân sẽ kịp thời khắc phục những bất cập, hạn chế trong thực tiễn về phòng không nhân dân; đồng thời đảm bảo đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.
Quan tâm đến nhiệm vụ phòng không nhân dân, đại biểu Sùng A Lềnh cho biết, tại khoản 1, Điều 5 dự thảo Luật quy định: “1. Phối hợp với lực lượng phòng không quốc gia, phòng không lục quân sẵn sàng chiến đấu, chiến đấu, phòng, chống địch tiến công đường không và quản lý, bảo vệ vùng trời ở độ cao dưới 5000 mét.”.
Về nội dung này, đại biểu Sùng A Lềnh đề nghị Ban soạn thảo xem xét, bổ sung cụm từ “và các lực lượng khác” và được viết lại như sau: “1. Phối hợp với lực lượng phòng không quốc gia, phòng không lục quân và các lực lượng khác sẵn sàng chiến đấu, phòng, chống địch tiến công đường không và quản lý, bảo vệ vùng trời ở độ cao dưới 5.000 mét” để đảm bảo đồng bộ với quy định với khoản 1 Điều 2 dự thảo Luật.
Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị Cơ quan soạn thảo xem xét, đánh giá kỹ lưỡng việc quy định tiêu chí “có kiến thức về hàng không” tại điểm c khoản 2 Điều 29. Bởi theo đại biểu, đây là một tiêu chí, điều kiện có phần chặt chẽ và khó áp dụng trong thực tiễn, do đa phần người khai thác, sử dụng tàu bay không người lái, phương tiện tàu bay siêu nhẹ hiện nay chưa có kiến thức về hàng không. Bên cạnh đó, theo đại biểu, yêu cầu, nội hàm của khái niệm "kiến thức về hàng không" cũng chưa rõ ràng, cụ thể.
Đại biểu cũng đề nghị, Cơ quan soạn thảo nghiên cứu để quy định điểm a khoản 4 Điều 29 về miễn giấy phép bay theo tiêu chí trọng lượng của thiết bị bay hoặc trọng tải, trọng lực tối đa mà thiết bị bay có thể đem theo. Đại biểu Sùng A Lềnh cho rằng, việc quy định tiêu chí theo độ cao rất khó trong việc xác định và quản lý, nhất là việc phát hiện vi phạm để xử lý trong các trường hợp cụ thể.
Góp ý hoàn thiện dự thảo Luật, đại biểu Trần Văn Tiến – Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc cho rằng, quy định về trọng điểm phòng không nhân dân tại Điều 6 của dự thảo Luật hiện nay chưa cụ thể, bởi cấp tỉnh, cấp huyện nào cũng được xác định là: “có vị trí chiến lược quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng, an ninh”. Do vậy, dự thảo Luật cần có tiêu chí hoặc quy định cụ thể về trọng điểm phòng không nhân dân đối với cấp tỉnh và cấp huyện.
Về cơ quan chỉ đạo phòng không nhân dân tại Điều 9, khoản 1 của Điều này quy định cơ quan chỉ đạo phòng không nhân dân gồm: Chính phủ, Bộ Quốc phòng và Ủy ban nhân dân các cấp. Đại biểu Trần Văn Tiến đề nghị, cần bổ sung thêm cơ quan chỉ đạo phòng không nhân dân là: Bộ tư lệnh Quân khu và Bộ tư lệnh Thủ đô Hà Nội (đối với thành phố Hà Nội) để đảm bảo phù hợp với khoản 3 Điều 6 của dự thảo Luật. Bên cạnh đó, cần quy định rõ vị trí, chức năng, tổ chức bộ máy và chế độ đối với cơ quan chỉ đạo phòng không nhân dân.
Riêng với nội dung về huy động lực lượng phòng không nhân dân, đại biểu Trần Văn Tiến cho rằng, dự thảo Luật nên quy định độ tuổi theo hướng mở để huy động đông đảo quần chúng nhân dân tham gia vào lực lượng phòng không nhân dân. Cụ thể: Đối với lực lượng phòng không nhân dân nòng cốt, khống chế độ tuổi như dự thảo Luật hiện nay là phù hợp; còn đối với lực lượng phòng không nhân dân huy động thì không nên giới hạn độ tuổi để huy động càng nhiều người tham gia vào lực lượng này càng tốt.
Đại biểu Nguyễn Phương Tuấn – Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang cho rằng, “lực lượng phòng không nhân dân huy động” là một khái niệm mới có ảnh hưởng và liên quan chặt chẽ đến nguyên tắc tổ chức và hoạt động của phòng không nhân dân cũng như các chế độ, chính sách bảo đảm đối với lực lượng phòng không nhân dân. Do đó, việc xây dựng các quy định về lực lượng này cần phải dựa trên kết quả tổng kết việc thi hành Nghị định số 74/2015/NĐ-CP, đồng thời dựa trên đánh giá, tổng kết thi hành các quy định về lực lượng dân quân tự vệ phòng không được quy định tại Luật Dân quân tự vệ năm 2018.
Ngoài ra, các đại biểu cũng đề nghị dự thảo Luật cần làm rõ nội dung về chế độ, chính sách đối với người được huy động làm nhiệm vụ phòng không nhân dân. Tại khoản 2, Điều 42 quy định người được huy động tập huấn, bồi dưỡng, huấn luyện, diễn tập, làm nhiệm vụ phòng không nhân dân theo quyết định của cấp có thẩm quyền được chi trả tiền công lao động theo ngày huy động và được hỗ trợ tiền ăn, tiền tàu xe; trừ các đối tượng hưởng lương từ ngân sách nhà nước hoặc đã được hưởng chế độ chính sách theo quy định của pháp luật hiện hành. Các đại biểu cho rằng, những đối tượng hưởng chế độ chính sách như: chất độc da cam, chế độ bệnh binh… mà không được hưởng chế độ, chính sách như quy định tại khoản 2 Điều này là không phù hợp…
Một số hình ảnh tại Phiên họp:
Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-doan-dai-bieu-quoc-hoi.aspx?itemid=87517