Thảo luận trực tuyến Dự thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi

Sáng 21/5, Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV bước vào ngày làm việc thứ 2 theo hình thức trực tuyến thảo luận Luật Doanh nghiệp sửa đổi. Đồng chí Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển chủ trì buổi làm việc. Dự Kỳ họp tại điểm cầu của tỉnh có đồng chí Trần Đăng Ninh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh và các vị ĐBQH tỉnh.

 Đoàn ĐBQH tỉnh ta dự Kỳ họp thứ 9 tại điểm cầu Hòa Bình

Đoàn ĐBQH tỉnh ta dự Kỳ họp thứ 9 tại điểm cầu Hòa Bình

Quốc hội đã tập trung thảo luận 9 nhóm vấn đề chính cần làm rõ trong Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) là tính tương thích của Luật Doanh nghiệp sửa đổi với các nhóm luật liên quan; Phạm vi điều chỉnh quy định hộ kinh doanh; Nghĩa vụ của doanh nghiệp; Quyền thành lập góp vốn mua cổ phần doanh nghiệp; Thông báo mẫu dấu của doanh nghiệp; Về doanh nghiệp Nhà nước; Về quyền cổ phần cổ đông; Chào bán trái phiếu riêng lẻ của công ty không đại chúng.

Thảo luận trực tuyến, các đại biểu khẳng định, Luật Doanh nghiệp sửa đổi đã góp phần đơn giản hóa thục tục gia nhập thị trường, nâng cao khung phổ pháp luật bảo vệ nhà đầu tư, nâng cao hiệu lực quản lý và hoạt động doanh nghiệp Nhà nước. Đối với nội dung quy định về khái niệm Doanh nghiệp Nhà nước, nhiều đại biểu cho rằng cần nghiên cứu kỹ đối với quy định Doanh nghiệp Nhà nước là doanh nghiệp nắm giữ trên 50% vốn điều lệ của doanh nghiệp sao cho phù hợp, đảm bảo tính pháp quyền của doanh nghiệp Nhà nước. Về vấn đề hộ kinh doanh, nhiều đại biểu cho rằng không nên đưa hộ kinh doanh vào phạm vi điều chỉnh Luật Doanh nghiệp; Về việc thông báo con dấu, nhiều đại biểu thống nhất không nhất thiết phải thông báo mẫu dấu của doanh nghiệp. Cần đưa vào quy định việc báo cáo thông tin của chủ doanh nghiệp.

Các ý kiến của đại biểu đã được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư giải trình làm rõ. Phát biểu kết luận phiên thảo luận, đồng chí Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển khẳng định: Đa phần các đại biểu cơ bản thống nhất nội dung dự án Luật. Tuy nhiên vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau về phạm vi điều chỉnh hộ kinh doanh, Quốc hội sẽ tiếp tục lấy ý kiến của các bộ, ngành để có sự thống nhất. Đối với việc thông báo mẫu con dấu của doanh nghiệp, đa phần đại biểu thống nhất để doanh nghiệp chủ động con dấu và không cần thông báo mẫu dấu.

Tất cả các ý kiến, Quốc hội tiếp thu và gửi các cơ quan soạn thảo để tiếp tục chỉnh sửa trước khi trình Quốc hội thông qua.

Trước đó, Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Quốc Phòng Ngô Xuân Lịch trình bày Tờ trình Dự án Luật Biên phòng Việt Nam; đồng chí Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Biên phòng Việt Nam.

ĐH

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/11/141828/thao-luan-truc-tuyen-du-thao-luat-doanh-nghiep-sua-doi.htm