Thảo luận trực tuyến về hai dự án Luật

Ngày 26/10, Quốc hội tiếp tục ngày làm việc thứ bảy theo hình thức trực tuyến tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội. Đồng chí Bùi Minh Châu - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí Thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh chủ trì tại điểm cầu Phú Thọ.

Buổi sáng, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Quốc hội tiến hành thảo luận trực tuyến về dự án Luật Cảnh sát cơ động (CSCĐ).Tại phiên thảo luận, đa số các ý kiến nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật như Tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng và An ninh nhằm thể chế hóa các chủ trương của Đảng, làm cơ sở xây dựng lực lượng CSCĐ chính quy, tinh nhuệ, hiện đại. Việc ban hành Luật CSCĐ thay thế cho Pháp lệnh CSCĐ năm 2013 là rất cần thiết và quan trọng đối với sự nghiệp bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới. Bên cạnh đó, cũng có ý kiến băn khoăn, việc nâng từ Pháp lệnh lên Luật đã thực sự cần thiết chưa? So sánh với các lực lượng khác thì có cần thiết không, theo đó, đề nghị Ban soạn thảo làm rõ thêm sự cần thiết ban hành Luật. Có ý kiến cho rằng, chỉ cần quy định thành một chương của Luật Công an nhân dân, không quy định thành luật riêng vì nhiều điều trong dự thảo Luật không thực sự cần thiết, dễ gây chồng chéo với các luật khác trong hệ thống pháp luật. Để ổn định, thống nhất thì sau này cần tích hợp vào Luật Công an nhân dân. Kết thúc phiên thảo luận buổi sáng, Bộ trưởng Bộ Công an giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. Trên cơ sở ý kiến thảo luận tại tổ và thảo luận trực tuyến về dự án luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu tối đa ý kiến các đại biểu, báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ ba. Buổi chiều, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội tiếp tục tiến hành thảo luận trực tuyến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ. Các ý kiến phát biểu đều đánh giá cao và tán thành Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật. Hầu hết các ý kiến nhất trí sự cần thiết ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ với phạm vi sửa đổi như Tờ trình của Chính phủ; một số ý kiến đề nghị mở rộng phạm vi sửa đổi, bổ sung thành Luật sửa đổi.Bên cạnh đó, các đại biểu cũng tập trung cho ý kiến về quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước; về thu hẹp đối tượng xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ.Ngoài ra, các đại biểu cho rằng, Ban soạn thảo cần rà soát, xem xét tính thống nhất, cụ thể, khả thi của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ với Bộ Luật Dân sự, Luật Xử lý vi phạm hành chính, Bộ Luật Tố tụng dân sự năm 2004. Đồng thời, cũng cần phải xem xét tính phù hợp với Hiệp định CPTPP và Hiệp định EVFTA và bảo đảm tính thống nhất giữa các quy định trong dự án Luật.Kết thúc nội dung thảo luận, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Huy Thắng

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/chinh-tri/quoc-hoi-khoa-xv/202110/thao-luan-truc-tuyen-ve-hai-du-an-luat-180525