Thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính; Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi) và dự án Luật Thỏa thuận quốc tế

PTĐT - Sáng 10/6, Quốc hội làm việc tại tổ, thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính; Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi) và dự án Luật Thỏa thuận quốc tế.

PTĐT - Sáng 10/6, Quốc hội làm việc tại tổ, thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính; Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi) và dự án Luật Thỏa thuận quốc tế. Dưới sự chủ trì của đồng chí Bùi Minh Châu - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, Đoàn ĐBQH tỉnh cùng thảo luận với Đoàn ĐBQH các tỉnh Bắc Ninh, Hà Nam, Bến Tre.

Về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính (XLVPHC). Luật XLVPHC được Quốc hội thông qua ngày 20/6/2012, có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2013. Thông qua xử lý vi phạm hành chính, hoạt động quản lý nhà nước được tăng cường nhằm giữ gìn trật tự, kỷ cương trong việc thực thi các quy định của Nhà nước. Tuy nhiên, qua thời gian thực thi Luật đã phát sinh một số vướng mắc: mức phạt tiền tối đa trong một số lĩnh vực còn thấp, thiếu răn đe; các quy định về thời hạn, thời hiệu thực hiện các công việc chưa phù hợp thực tế; bất cập trong xử lý tang vật, phương tiện bị tạm giữ… Vì vậy, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật XLVPHC là cần thiết nhằm tiếp tục hoàn thiện pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý và thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Liên quan đến nội dung tổng thể của dự Luật, đại biểu Bùi Minh Châu đồng tình với việc nâng mức xử phạt được quy định tại dự Luật XLVPHC và đề nghị Ban soạn thảo cần quan tâm đến tính thống nhất của dự Luật với các luật hiện hành tránh chồng chéo.

Về dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được Quốc hội khóa XI ban hành tại kỳ họp thứ X, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2007. Kể từ khi có Luật, số lượng người lao động đi làm việc ở nước ngoài hàng năm tăng đáng kể, trung bình mỗi năm có hơn 80.000 người đi làm việc ở nước ngoài; đặc biệt trong 5 năm gần đây, mỗi năm có trên 130.000 người, góp phần đáng kể nâng cao thu nhập, đời sống của người dân, cải thiện chất lượng nguồn nhân lực thông qua việc tiếp cận với máy móc và công nghệ tiên tiến, cơ chế quản lý hiện đại, tác phong công nghiệp, nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động. Bên cạnh kết quả đạt được, sau hơn 12 năm thi hành Luật đã phát sinh một số vướng mắc, không còn phù hợp với thực tế hiện nay: điều kiện cấp giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài còn chưa chặt chẽ, chưa phù hợp; quy định về tiền môi giới, tiền dịch vụ, tiền ký quỹ của người lao động chưa phản ánh đúng bản chất và xu hướng chung của các tiêu chuẩn lao động quốc tế; một số quy định của Luật chưa đáp ứng được các yêu cầu mới về hoạt động người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trong bối cảnh kinh tế xã hội và quan hệ quốc tế mới... Vì vậy, việc tiền hành sửa đổi Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là việc làm cần thiết.

Thảo luận về các nội dung còn ý kiến khác nhau, đại biểu Lê Thị Yến, Ủy viên Thường trực Ủy ban về các vấn đề Xã hội của Quốc hội cho biết: dự Luật quy định Giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng có thời hạn là 05 năm. Theo đại biểu, việc thay đổi quy định từ không có thời hạn thành có thời hạn là cần thiết để thuận lợi trong việc quản lý nhà nước. Thêm vào đó, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo xem xét, đánh giá xem việc thay đổi thời hạn cấp Giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng có làm phát sinh thủ tục hành chính và có gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Về Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước,đồng tình về sự cần thiết tiếp tục duy trì Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước và thấy rằng, Qũy do doanh nghiệp, người lao động đóng góp, nên các nội dung chi cần hướng đến mục tiêu chính để phục vụ doanh nghiệp, người lao động, đồng thời, đề nghị Chính phủ. Theo đại biểu Lê Thị Yến, Ban soạn thảo cần làm rõ việc duy trì Quỹ có phù hợp với Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.

Về dự án Luật Thỏa thuận quốc tế (TTQT). Ngày 20/4/2007, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XI ban hành Pháp lệnh ký kết và thực hiện TTQT; Pháp lệnh có hiệu lực từ ngày 01/7/2007 tạo cơ sở pháp lý cho việc ký kết và thực hiện TTQT, góp phần thúc đẩy tiến trình hội nhập của đất nước và triển khai thực hiện có hiệu quả đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước ta thời gian qua. Vì vậy các ý kiến đồng tình việc nâng Pháp lệnh lên thành Luật nhằm tiếp tục thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng về hội nhập quốc tế, nhất là sau khi ban hành Hiến pháp năm 2013, Luật Điều ước quốc tế năm 2016 và đáp ứng đòi hỏi từ thực tiễn nhu cầu ký kết TTQT, thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập quốc tế, giữ vững ổn định chính trị - xã hội trong bối cảnh nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.

Chiều cùng ngày, các vị đại biểu Quốc hội cho ý kiến về công tác nhân sự.

Khổng Thủy

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/chinh-tri/quoc-hoi-khoa-xiv/202006/thao-luan-ve-du-an-luat-sua-doi-bo-sung-mot-so-dieu-cua-luat-xu-ly-vi-pham-hanh-chinh-luat-nguoi-lao-dong-viet-nam-di-lam-viec-o-nuoc-ngoai-theo-hop-dong-sua-doi-va-du-an-luat-thoa-thuan-quoc-te-17124