Tháo ngòi khủng hoảng

QĐND - Những lo ngại về nguy cơ bùng nổ xung đột Mỹ-Iran đã tạm thời được loại bỏ sau khi hai quốc gia thù địch đưa ra những tuyên bố bày tỏ không muốn sử dụng vũ lực làm leo thang chiến tranh, cho dù trước đó cả hai đã có những hành động gây hấn nguy hiểm…

Trong bài phát biểu được trông đợi ngày 8-1 của Tổng thống Mỹ Donald Trump phản ứng trước hành động bắn tên lửa của Iran nhằm trả đũa vụ Mỹ sát hại tướng Iran Soleimani, người đứng đầu Nhà Trắng tuyên bố không muốn sử dụng vũ lực chống lại Iran. Tổng thống Mỹ cũng không dùng những lời lẽ hiếu chiến, trái lại được cho là khá ôn hòa và không nêu ra bất cứ lời đe dọa nào đối với Iran.

Thay vào đó, ông cho biết, Mỹ sẽ áp đặt ngay lập tức các lệnh trừng phạt mới lên nền kinh tế Iran. “Các lệnh trừng phạt mạnh mẽ này sẽ được duy trì cho tới khi Iran thay đổi hành vi của mình”, theo ông Donald Trump. Tổng thống Donald Trump cáo buộc chỉ trong những tháng gần đây, Iran đã bắt giữ các tàu thuyền trên những vùng biển quốc tế, tấn công vô cớ vào Saudi Arabia và bắn hạ hai máy bay không người lái của Mỹ. Tổng thống Donald Trump nhấn mạnh, sức mạnh của quân đội và các loại vũ khí hiện đại của Mỹ, tuy nhiên ông cho biết, Mỹ không muốn phải dùng tới sức mạnh quân sự.

Tổng thống Donald Trump phát biểu phản ứng trước hành động tấn công tên lửa của Iran nhằm vào các căn cứ quân sự Mỹ. Ảnh: Reuters

Cùng với đó là những phát biểu không có gì mới về Iran như yêu cầu nước này phải từ bỏ tham vọng hạt nhân và chấm dứt sự ủng hộ chủ nghĩa khủng bố. Tổng thống Donald Trump cũng lặp lại lời chỉ trích đối với thỏa thuận hạt nhân mà nhóm P5+1 đã đạt được với Iran năm 2015, khi cho rằng đó là thỏa thuận “khiếm khuyết”. Ông Donald Trump cũng kêu gọi sự hợp tác của các nước trong nhóm P5+1 (Anh, Đức, Pháp, Nga và Trung Quốc) để tìm kiếm một thỏa thuận hạt nhân mới với Iran “giúp thế giới an toàn và hòa bình hơn”.

Đáng chú ý, cuối bài phát biểu, ông Donald Trump kêu gọi Iran cùng chiến đấu chống lại Tổ chức nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, đồng thời mong muốn một tương lai tốt đẹp cho lãnh đạo và người dân Iran.

Cùng ngày, Đại sứ Mỹ tại LHQ Kelly Craft đã gửi thư lên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) giải thích về việc Mỹ sát hại tướng Iran Soleimani. Phía Mỹ cho biết, đây là hành động tự vệ và sẵn sàng đàm phán nghiêm túc với Iran mà không cần bất cứ điều kiện tiên quyết nào, nhưng cũng sẽ thực hiện các hành động cần thiết ở Trung Đông để bảo vệ các nhân viên và lợi ích của mình.

Về phần Iran, nước Cộng hòa Hồi giáo tuyên bố đã hoàn thành các đợt trả đũa và không mong muốn leo thang chiến tranh với Mỹ, song sẽ luôn tự vệ trước mọi hành động gây hấn. Tổng thống Iran Hassan Rouhani ngày 8-1 trên Twitter cũng tuyên bố, việc “hất cẳng” Mỹ khỏi Iraq và khu vực là mục tiêu tối thượng của Iran để trả thù việc Mỹ không kích sát hại tướng Soleinmani.

Những diễn biến mới nhất nói trên cho thấy, cả Mỹ và Iran đều chưa muốn đẩy căng thẳng đi xa hơn vào thời điểm mà cả hai dường như đã đứng bên miệng hố chiến tranh. Nguy cơ xảy ra một cuộc chiến tranh toàn diện như lo ngại đã tạm thời được đẩy lui với các động thái xuống thang căng thẳng của cả hai bên.

Iran đã báo trước cho chính quyền Iraq về hành động tấn công tên lửa vào các căn cứ quân sự của Mỹ trên lãnh thổ nước này, vì vậy, thiệt hại được cho là không đáng kể. Trong phát biểu của mình, Tổng thống Donald Trump cũng xác nhận không có người dân Mỹ nào thiệt mạng trong các vụ tấn công này. Các binh sĩ Mỹ đều an toàn và những cơ sở quân sự của Mỹ chỉ bị thiệt hại tối thiểu.

Hiện nay, điều được trông đợi là Mỹ và Iran sẽ có các động thái tiếp theo như thế nào để thúc đẩy các mục tiêu của mình mà vẫn bảo đảm không làm bùng phát những căng thẳng mới. Ngày 9-1, Đại sứ Iran tại LHQ Majid Takht Ravanchi đã bác bỏ lời kêu gọi hợp tác để tìm kiếm một thỏa thuận mới của Tổng thống Donald Trump, cho rằng đề nghị này là “không đáng tin” trong bối cảnh Washington đang áp đặt các lệnh trừng phạt nhằm vào Iran.

Cho đến nay, bản thỏa thuận hạt nhân lịch sử năm 2015 có thể nói đã gần như bị “khai tử” hoàn toàn sau những diễn biến vừa qua, với tuyên bố của Iran sẽ không tuân thủ các cam kết trong đó, thay vì tuyên bố giảm dần các cam kết như trước khi diễn ra vụ tấn công sát hại tướng Soleimani. Với những động thái gần đây, Iran đã cho thấy chưa sẵn sàng cho một thỏa thuận mới với các cường quốc.

Trong khi đó, việc Iran muốn chấm dứt sự hiện diện của quân đội Mỹ ở khu vực như tuyên bố của Tổng thống Hassan Rouhani, mới là vấn đề đáng bàn. Dư luận lo ngại khả năng Iran sẽ sớm áp dụng trở lại chiến thuật dựa vào các lực lượng ủy nhiệm để thực hiện những vụ tấn công nhằm vào các lợi ích của Mỹ ở khu vực.

Trong bối cảnh ngòi nổ khủng hoảng mới được tạm tháo gỡ như hiện nay, bất cứ kịch bản nào cũng có thể xảy ra trong tương lai nếu cả Mỹ và Iran tiếp tục có những bước đi thiếu cẩn trọng như trước đây.

HẠNH NGUYÊN

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=79&modid=465&itemid=145309