Tháp Cheomseongdae
Dường như nước nào cũng có đài quan sát thiên văn, song tại Đông Nam Á và vùng Viễn Đông, đài quan sát tồn tại lâu đời nhất đến giờ là Cheomseongdae (Tháp ngắm sao) tại thành phố Gyeongju (Hàn Quốc).
Tháp Cheomseongdae xuất hiện từ thời vương quốc Silla, cách ngày nay 14 thế kỷ. Điều làm nên sự đặc biệt của tháp không chỉ là vẻ đồ sộ, khổng lồ với hình dạng của một cái chai lớn, mà còn bởi là công trình duy nhất hoặc ít ra hiếm hoi chỉ chuyên phục vụ quan sát trăng sao trên trời và những hiện tượng thiên văn để căn cứ vào làm nông nghiệp.
Cheomseongdae cao đến ba tầng nhà, tương ứng với hơn 9m. Tháp gồm ba phần, phần đế vuông biểu thị cho tứ tượng, bốn mùa; rộng 5,7m và được ghép từ 12 tảng đá đều có hình chữ nhật tượng trưng cho 12 tháng, 12 cung hoàng đạo…
Phần thân tròn dạng trụ (như một cái chai), ngụ ý về một trục thời gian được dựng từ 362 tảng đá thể hiện cho 362 ngày trong lịch âm… Phần đỉnh tháp cũng có hình vuông, rộng 3m như để nói về sự song hành của trời đất và khi đổ bóng làm thành một cây kim trong một chiếc “đồng hồ mặt trời”.
Ở giữa thân đài cũng có một lỗ vuông - cửa sổ mà từ đó phân ra thành 12 lớp đá cả trên lẫn dưới toàn tháp, đồng nghĩa với 12 tháng cùng 24 tiết khí trong năm. Tổng cộng, tháp có 27 lớp đá hình tròn, được tin là chỉ về người trị vì thứ 27 của vương quốc - nữ hoàng Seondeok, người có trí tuệ phi phàm đã nghĩ ra đài quan sát thiên tượng.
Dù là con gái của vua, song bà đã phải đấu tranh với rất nhiều thế lực đen tối để lên nắm quyền và xây tháp này nhằm cung cấp các kiến thức khoa học cho mình và dân chúng.
Vì tầm quan trọng của chiêm tinh học, Cheomseongdae đã được gìn giữ rất cẩn thận, dường như không hề bị thay đổi, suy chuyển gì kể từ lúc khánh thành. Đây là một công trình kiến trúc lẫn đài quan sát thiên văn được bảo toàn nguyên vẹn nhất châu Á. Nó cũng xuất hiện trên nhiều đồng tiền, tem thư, tranh ảnh và logo du lịch những địa danh nổi tiếng của Hàn Quốc.
Theo Korea Herald
Chu Mạnh Cường
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/the-gioi/thap-cheomseongdae-8lQtl9s7R.html