Tháp Eiffel đóng cửa vì thời tiết quá nóng
Một đợt sóng nhiệt biển ở Địa Trung Hải kết hợp với vòm nhiệt mạnh đang khiến châu Âu phải hứng chịu đợt nắng nóng đầu hè khắc nghiệt.

Khách du lịch cầm ô che nắng trong đợt nắng nóng gần Tháp Eiffel, Paris, vào ngày 30.6.2025. Chính quyền Pháp đã đưa Paris vào tình trạng báo động đỏ vì nắng nóng khắc nghiệt. Ảnh: CNN
Đây là một mô hình khí hậu thường xuyên xuất hiện khi hành tinh nóng lên. Ảnh hưởng của sóng nhiệt biển ở Địa Trung Hải đã rõ rệt hơn trong những mùa hè gần đây, trong đó ghi nhận nhiệt độ tăng mạnh trên đất liền, góp phần gây ra lũ lụt chết người và các đám cháy tàn khốc.
Nhiệt độ biển ở Địa Trung Hải cao hơn tới 9 độ C so với mức trung bình vào thời điểm này trong năm. Sức nóng trở nên dữ dội nhất là ở phía tây Địa Trung Hải, bao gồm miền nam nước Pháp.
Hiện tượng này sẽ tạo ra độ ẩm cao ở phía bắc và tiếp tục duy trì nhiệt độ cao vào ban đêm trên khắp các khu vực bị ảnh hưởng bởi nắng nóng.
Hiện tượng sóng nhiệt biển cũng góp phần tăng cường nắng nóng trên đất liền, tạo thành một vòng phản hồi nguy hiểm giữa không khí nóng thổi từ châu Phi lên và mặt nước biển bị nung nóng.
Nhiệt độ đã phá vỡ kỷ lục ở Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha trong bối cảnh nhiều vùng ở châu Âu đối mặt với tình trạng căng thẳng nhiệt độ cao.
Thị trấn El Granado ở Tây Ban Nha đã chứng kiến nhiệt độ tăng vọt lên 46 độ C (114,8 độ F) vào ngày 29.6, một kỷ lục mới trong tháng Sáu, theo cơ quan khí tượng quốc gia Tây Ban Nha AEMET.
“Tháng trước là tháng Sáu nóng nhất trong lịch sử được ghi nhận ở Tây Ban Nha, khi nhiệt độ "phá vỡ kỷ lục", AEMET cho biết hôm 1.7.
Tại Bồ Đào Nha, nhiệt độ 46,6 độ C (115,9 độ F) được ghi nhận tại thành phố Mora, cách Lisbon khoảng 80 dặm về phía đông. Đây sẽ là kỷ lục quốc gia mới cho tháng 6, theo cơ quan thời tiết IPMA của nước này.
Pháp báo động đỏ về tình trạng nắng nóng
Nắng nóng như thiêu đốt cũng bao trùm hầu như toàn bộ nước Pháp. Nhiều thị trấn và thành phố đã phải chịu nhiệt độ 38 độ C vào ngày 30.6, theo ghi chép tạm thời từ Météo France.
Một cảnh báo nắng nóng ở mức cao nhất cũng được áp dụng cho 16 tỉnh của Pháp vào ngày 1.7.
Tầng cao nhất của tháp Eiffel phải ngừng đón du khách trong hai ngày (1-2.7), đồng thời yêu cầu du khách thực hiện các biện pháp phòng ngừa rủi ro trong thời tiết nắng nóng khắc nghiệt.
“Chúng tôi xin lỗi vì sự bất tiện này. Trong thời gian nhiệt độ cao, du khách phải nhớ bảo vệ bản thân khỏi ánh nắng mặt trời và thường xuyên uống đủ nước”, nhân viên Tháp Eiffel viết trên trang web.
Vương quốc Anh hiện cũng đang chịu đựng đợt nắng nóng thứ hai của mùa hè năm. Nhiệt độ tăng lên trên 32 độ C vào ngày 1.7, gây khó chịu ở một quốc gia mà chưa đến 5% hộ gia đình có điều hòa.
“Đợt nắng nóng vào tháng 6 và tháng 7 đã khiến hàng triệu người dân châu Âu phải chịu tình trạng căng thẳng do nhiệt độ cao”, Samantha Burgess, Giám đốc chiến lược về khí hậu tại Trung tâm Dự báo thời tiết trung hạn châu Âu, cho biết trong một tuyên bố.
Cháy rừng đang lan rộng ở một số quốc gia khi nhiệt độ tăng đột biến. Cụ thể, cháy rừng đã bùng phát tại Aude, phía tây nam đất nước, thiêu rụi gần 400 mẫu Anh vào ngày 29.6.
Tại Thổ Nhĩ Kỳ, 50.000 người đã được sơ tán vội khi lính cứu hỏa dập tắt các đám cháy dữ dội, chủ yếu ở các tỉnh Izmir và Manisa phía tây.
Biến đổi khí hậu đang khiến các đợt nắng nóng xảy ra thường xuyên, dữ dội và kéo dài hơn.
Châu Âu là lục địa nóng lên nhanh nhất, với tốc độ gấp đôi so với phần còn lại của thế giới. Biến đổi khí hậu cũng dẫn đến các đợt nắng nóng trên biển diễn ra thường xuyên và dữ dội hơn.
Nguồn Văn hóa: http://baovanhoa.vn/du-lich/thap-eiffel-dong-cua-vi-thoi-tiet-qua-nong-148425.html