Thắp lên mùa ngâu

Trên mái rơm, mái rạ năm ấy những hạt ngâu lăn dài mỏng mảnh bám vào nhau, quyện vào nhau thành từng giọt, từng giọt lách tách rơi xuống hiên nhà. Vẫn còn đâu đó tiếng lộp bộp rơi đáy chậu, nồi niêu góc bếp. Mưa đấy, mưa tháng bảy.

Lặng lẽ, bồn chồn đâu đó ánh mắt ngồi trong nhà nhìn ra khoảng không cây trái, khoảng trống góc sân. Ngõ quê trống trải, rêu bám trơn những viên gạch non ghép chéo lối đi, lưa thưa dậu mồng tơi cuối mùa lọn leo dài mướt mát. Tôi vẫn nhớ, tháng ngâu rêu bám trơn trượt chân trần quê tôi thuở ấy, bóng cô tôi vò võ nhen lửa chút một, chút một bên đống lá bạch đàn trộn lẫn rơm rạ ướt nhập nhèm góc bếp.

Bác tôi không bao giờ về nữa và cô tôi vẫn giữ trọn kỉ niệm suốt bao năm ròng. Bác vào sinh ra tử nơi chiến trường lửa đạn. Chỉ mấy năm tình nghĩa vợ chồng, không con cái. Những phút giây gặp mặt ngắn ngủi chẳng đặng một mùa ngâu. Nhưng trọn vẹn lắm, mặn nồng một bóng hình hoàn hảo, mực thước. Cô tôi đã nhất quyết không đi bước nữa chỉ vì giữ trọn tấm chân tình. Mỗi mùa ngâu, cô tôi tin rằng sẽ được gặp bác. Ngâu nhiều tâm sự lắm, giãi bày miên man ngày này qua ngày khác mà không đủ để nói hết, để hàn huyên sau những xa cách, nhớ nhung.

Tôi nhớ ngày bé khi xem bộ phim "Bao Thanh Thiên", tập phim "Trương Đồng Quang - Trịnh Tiệp Như". Chuyện kể về đôi vợ chồng trẻ bị xử án oan. Trước khi ra pháp trường họ đã hẹn nhau nếu có kiếp sau sẽ đọc đôi câu thơ để nhận ra nhau: "Bao giờ tằm nhả hết tơ/ đến khi nến tắt mới khô lệ sầu". Thế rồi không ngờ, người chồng được cứu, minh oan kịp thời, nhưng người vợ đã chịu oan đi trước. Âm dương cách biệt, họ mãi mãi không thể gặp nhau.

Hình ảnh người vợ cứ hiện lên quanh quẩn bên chồng, lo lắng cho chồng và sự day dứt khôn nguôi của người chồng khi không thể đồng hành cùng vợ ở chốn dương gian cứ ám ảnh người xem. Tập phim buồn nhưng để lại ấn tượng mạnh mẽ trong tôi về tình nghĩa phu thê keo sơn thắm thiết. Và theo năm tháng, tôi nhìn hình bóng cô tôi kiên cường mà hiểu thế nào là tình cảm thiêng liêng.

Xem ra, ở cuộc sống xô bồ, vội vã này vẫn đâu đó có những tình cảm chân thật, chân tình đến nặng lòng. Ai cũng bảo như thế là khổ, là làm tội bản thân nhưng có lẽ đó là đức tin, là quan điểm sống, thậm chí là giá trị, là nhân cách mất rồi. Cô tôi vốn mạnh mẽ. Tôi chưa bao giờ nhìn thấy cô khóc, cũng chưa nghe cô than vãn, kể lể về nỗi cô đơn. Chỉ là thấy cô đặc biệt, cô khác số đông. Trong mắt tôi cô thật đáng trân trọng, đáng kính nhường nào.

Cô tôi không có con nhưng có cả đàn cháu luôn kề cận bên cô. Cô yêu trẻ, kính già, hiểu biết sự đời. Cô luôn cho đi những tình cảm nồng hậu. Từ ngày bác mất, cô làm bạn với vườn cây, ao cá, với tình làng nghĩa xóm thôn quê. Cô tin vào đạo Phật, tin vào những giá trị đạo đức, tin vào nhân phẩm, lòng trắc ẩn, cốt cách của một con người. Và cô cũng tin, bác luôn ở bên cô. Nhìn di ảnh bác tôi thấy được nụ cười ấm áp. Cô hay thắp hương vào mỗi tối và trên ban thờ lúc nào cũng có nải chuối. Nén hương trầm cháy chậm, đốm lửa nhỏ, làn khói mỏng quyện một góc tâm linh. Dường như những nét thiền trên khuôn mặt cô đã cho tôi thấy cô không bao giờ quên phủi bụi, tỉ mỉ chăm chút cho góc nhỏ yên tĩnh, lặng thầm đó.

Đã nhiều, rất nhiều những mùa ngâu nối tiếp đi qua. Cây ổi sau nhà cô tôi gió lay quả rụng đầy dưới gốc. Người làng tôi bảo: vì ổi thơm nên thường bị ngâu vày. Tôi thì chỉ biết, cô tôi trồng cây ổi, cây thị... có lẽ để vấn vít hương thơm, để dành dụm những trái to tròn, ngọt ngon cho bác. Ngoài vườn, tiếng mưa, tiếng lá không khi nào ngớt rơi rớt, lay lay. Mái nhà, mái bếp cô tôi đã lợp ngói nhưng nồi niêu, góc chạn, cái kiềng sắt thì vẫn còn đó. Cô tôi vẫn nhặt nhạnh, bẻ những nhánh củi khô để nấu nấu, đun đun. Một niêu cơm nhỏ ăn mấy bữa. Trong góc bếp ấy, cũng những hoài niệm, cũng những niềm ngâu. Sâm sẩm tối, ở nơi xa, nghe mưa hiu hắt tôi hình dung bóng cô lặng lẽ đốt nến, châm hương, thắp lên mùa ngâu, thắp lên một ngọn lửa lòng.

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/ly-luan/thap-len-mua-ngau-i703205/