Thắp lửa dưới những rặng băng sơn
Từ khi nào, Bắc Cực bắt đầu trở thành một khu vực địa chính trị quan trọng mà các cường quốc cùng nhòm ngó? Trong rất nhiều mốc thời gian liên quan, ở khía cạnh này hay khía cạnh khác, có lẽ không thể không nhắc đến ngày 3-8-1958 – ngày chiếc tàu ngầm hạt nhân đầu tiên trên thế giới có lần đầu tiên chạm đến tâm Bắc Cực, trên hải trình hoàn toàn mới nối liền Thái Bình Dương và Đại Tây Dương qua ngả Bắc Băng Dương.
Thành tựu của “Người điên”
Đúng vậy. Chiếc tàu ngầm hạt nhân USS Naulitus ấy là con đẻ của Đô đốc Hải quân Mỹ Hyman G.Rickover. Mà cho đến trước khi USS Nautilus được hạ thủy, Rickover luôn bị chế nhạo là một “gã điên”, bởi chính những “đồng liêu” của mình.
Người về sau được vinh danh là “Người cha của Hải quân năng lượng nguyên tử Mỹ” đã từng phải cay đắng thốt lên vào năm 1986, nghĩa là ba thập niên sau thành công chói lọi khắc tên ông vào lịch sử: “Nếu muốn phạm tội, bạn hãy phạm tội với Chúa ấy, đừng đắc tội với giới quan trường. Chúa sẽ tha thứ cho bạn, còn lũ quan liêu thì không bao giờ!”.
Thực tế là Rickover đã phải cố gắng vượt qua không ít rào cản, và chính tầm nhìn cũng như sự kiên định của ông đối với năng lượng nguyên tử hạt nhân chính là nguyên nhân tạo nên những cuộc tranh cãi nảy lửa, cùng sự xung khắc đối với các cấp của Bộ Quốc phòng Mỹ.
USS Nautilus – tàu ngầm hạt nhân đầu tiên trên thế giới.
Vào thời điểm những năm 1946-1947, khi Rickover mới bắt đầu được giao nhiệm vụ phát triển chương trình động cơ hạt nhân cho tàu ngầm Mỹ, hào quang của chiến thắng trong Đại chiến Thế giới lần thứ hai vẫn còn nguyên vẹn. Suốt cuộc chiến đó, hạm đội tàu ngầm điện - diesel của Mỹ đã làm chủ Thái Bình Dương và góp phần quan trọng đánh bại hải quân đế chế Nhật Bản. Rất khó để thuyết phục những người có trách nhiệm ở Lầu Năm Góc, rằng hải quân Mỹ vẫn cần phải thay đổi, khi hầu như không ai sẵn sàng thay đổi một công thức chiến thắng.
Nhưng Hyman G.Rickover có cách nhìn khác. Trực tiếp tham gia chỉ huy suốt Đệ nhị Thế chiến, ông dễ dàng nhận ra điểm yếu: Các tàu ngầm điện - diesel có phạm vi hoạt động khá ngắn nên phải phụ thuộc vào các căn cứ hay tàu tiếp tế trong những hoạt động xa bờ. Bên cạnh đó, tàu rất dễ bị tấn công khi nổi lên mặt nước “nghỉ ngơi”. Và giải pháp mà ông kiên quyết lựa chọn, không gì khác, là năng lượng hạt nhân. Các tàu ngầm cần phải được lắp đặt và sử dụng lò phản ứng hạt nhân để tạo năng lượng mà không cần nổi lên mặt nước, nhờ đó có thể tuần tra liên tục trong thời gian dự trữ vũ khí và lương thực trên tàu còn đáp ứng được.
USS Nautilus đã được phôi thai và ra đời như thế, xuyên qua những cuộc cãi vã giữa Rickover với các quan chức. Nó chứng tỏ được năng lực của một tàu ngầm hạt nhân, và được xem là bước đột phá mới trong việc phát triển tàu ngầm. Sự xuất hiện của nó đã tác động sâu sắc đến sự phát triển của hạm đội tàu ngầm Mỹ. Nhưng đó là những ghi nhận sau này. Còn trong suốt sự nghiệp rất dài của mình, Rickover luôn bị xem là một nhân vật gây tranh cãi vì thái độ thẳng thắn và thậm chí có phần thô bạo, cùng sự kiên định đến cuồng tín của ông về tầm quan trọng của năng lượng hạt nhân. Người ta nói: Năng lượng tỏa ra từ chính Rickover, những phương pháp không chính thống, cũng như khả năng thu hút và kích hoạt lòng tận tụy từ đội ngũ chuyên gia của ông là những yếu tố quan trọng nhất trong việc nghiên cứu chế tạo USS Nautilus.
Mang cái tên hiển nhiên là gợi đến chiếc tàu ngầm huyền thoại của thuyền trưởng Nemo trong cuốn tiểu thuyết khoa học viễn tưởng lừng danh “Hai vạn dặm dưới đáy biển (Jules Verne), USS Nautilus được hạ thủy ngày 21-1-1954 (hai năm sau khi được cấp phép chế tạo). Ngày 3-8-1958, USS Nautilus đi vào lịch sử.
Đốt nóng những băng hà
Ngày 23-7-1958, USS Nautilus rời Trân Châu Cảng (Hawaii), từ giữa Thái Bình Dương hướng thẳng về Bắc Cực. Nó di chuyển về phía bắc qua Eo biển Bering và không hề nổi lên mặt nước cho tới khi đi vào Biển Beaufort, mặc dù nó đã đưa kính tiềm vọng lên mặt nước một lần phía ngoài quần đảo Diomedes (giữa Alaska và Siberia), để kiểm tra định vị radar. Đến Point Barrow (Alaska), nó hạ ngầm để lặn xuống dưới các rặng băng sơn, tiếp tục đi thêm 1.000 dặm nữa. Đó là ngày 1-8-1958.
USS Nautilus di chuyển ở độ sâu khoảng 152m, và chỏm băng ở phía trên có độ dày trong khoảng từ 3m đến 15m, với “Bắc Cực quang tỏa sáng ở các góc khác nhau xuyên qua nền băng xanh” – như lời của những người tham dự cuộc du hành kỳ diệu ấy kể lại. Vào lúc 23h15 ngày 3-8-1958, Thuyền trưởng Anderson thông báo với thủy thủ đoàn của mình: “Vì thế giới, vì tổ quốc, vì Hải quân của chúng ta – đây là Bắc Cực!”.
Con tàu đi xuyên qua tâm Bắc Cực mà không dừng lại. Sau đó, nó nổi lên mặt nước ở khoảng giữa Spitzbergen và Greenland, vào ngày 5-8. Hai ngày sau, nó kết thúc hành trình lịch sử của mình tại Iceland.
Tổng thống Dwight D. Eisenhower đã tặng thưởng cho Anderson huân chương Legion of Merit vì vai trò chỉ huy của ông trong chuyến hành trình lịch sử. Nhưng có lẽ, chính Anderson và ngay cả Hyman G.Rickover cũng không nhận ra họ vừa thực sự tạo nên một thay đổi lớn thế nào, trong lịch sử quân sự nói chung và lịch sử hải chiến nói riêng, cũng như diện mạo của bản đồ địa chính trị thế giới.
Nói ngắn gọn, với hải trình xuyên Bắc Cực ấy, USS Nautilus đã vạch ra một con đường mới nối liền Đại Tây Dương với Thái Bình Dương, qua Bắc Băng Dương. Điều đó có nghĩa là trong trường hợp bùng nổ chiến tranh, hạm đội nào kiểm soát được tuyến đường này sẽ dễ dàng điều quân tham chiến với thời gian nhanh gấp bội những con đường truyền thống. Thí dụ, thay vì mất đến cả vài tuần di chuyển, USS Nautilus đã tự thân chứng minh rằng nó có thể từ Alaska đến Greenland chỉ trong 5 ngày. Sau nó, mọi “người em” trong dàn tàu ngầm hạt nhân Mỹ đương nhiên cũng có thể làm được như vậy.
Hyman G.Rickover – “người cha của hải quân năng lượng nguyên tử Mỹ”.
Quân sự không phải là yếu tố duy nhất, nhưng là điểm khởi đầu để vai trò của Bắc Cực càng lúc càng trở nên quan trọng trong mắt các cường quốc, đặc biệt là trong thời gian gần đây. Với gần 30% trữ lượng khí đốt tự nhiên và 13% trữ lượng dầu mỏ mà thế giới chưa khai thác, cùng nhiều khoáng sản phong phú khác, đặc biệt là kim loại hiếm - nguồn nguyên liệu chính để chế tạo linh kiện điện tử và các hệ thống điều khiển vũ khí (chưa kể đến nguồn khai thác cá) – Bắc Cực là cả một kho tàng mà bất cứ ai cũng thèm khát. Không có gì bất ngờ khi không chỉ có tám quốc gia thuộc Hội đồng Bắc Cực (nghĩa là các quốc gia có chủ quyền lãnh thổ trong Vòng Bắc Cực là Nga, Mỹ, Canada, Iceland, Đan Mạch, Phần Lan, Na Uy, Thụy Điển) cạnh tranh với nhau gay gắt, mà còn có cả những nước khác phía xa hơn cũng từng nhăm nhe “đòi hỏi quyền lợi”.
Và hiện tại, với tình trạng ấm lên của nền nhiệt toàn cầu trong tiến trình biến đổi khí hậu khiến tiếp tục xuất hiện thêm những tuyến đường biển mới càng khiến tình trạng cạnh tranh tại đây, trên những băng hà đang tan chảy, trở nên nóng bỏng. Tất cả xem như bắt đầu từ khi USS Nautilus nổi lên mặt biển ở gần Greenland.
* Có kích thước lớn hơn nhiều so với những tàu ngầm diesel - điện trước đó, Nautilus dài 97,2m và có lượng rẽ nước 3.180 tấn. Nó có thể lặn trong khoảng thời gian gần như không giới hạn vì động cơ nguyên tử của nó không cần không khí và chỉ cần một lượng nhiên liệu hạt nhân rất nhỏ. Lò phản ứng hạt nhân chạy bằng uranium tạo ra hơi nước để vận hành các tuabin đẩy, cho phép Nautilus di chuyển dưới nước ở tốc độ trên 20 hải lý.
* Có 116 người trên tàu trong chuyến đi lịch sử năm 1958, bao gồm thuyền trưởng William R. Anderson, 111 sĩ quan và thủy thủ đoàn, cùng bốn nhà khoa học dân sự. Sau một sự nghiệp phục vụ kéo dài 25 năm và gần 500.000 dặm hành trình, tàu Nautilus đã bị loại biên vào ngày 03 tháng 03 năm 1980. Được ghi danh là một Cột mốc Lịch sử Quốc gia vào năm 1982, tàu ngầm hạt nhân đầu tiên của thế giới đã được đưa vào triển lãm năm 1986 với tên gọi Tàu Nautilus Lịch sử tại Bảo tàng Tàu ngầm Hải quân ở Groton, Connecticut.
* Phục vụ 63 năm trong quân ngũ và 30 năm với quân hàm Đô đốc Hyman G.Rickover chính là binh sĩ hải quân phục vụ lâu nhất, kiêm Đô đốc hải quân phục vụ lâu nhất và kiêm luôn binh sĩ phục vụ lâu đời nhất lịch sử các lực lượng quân sự Mỹ.
*Với những đóng góp lớn lao trong lĩnh vực hạt nhân hóa hải quân Hoa Kỳ, tên của Rickover được đặt cho tàu ngầm hạt nhân SSN-709, chiếc này đã được cho nghỉ hưu năm 2006. Năm 2014, hải quân Mỹ đặt hàng chiếc SSN-795 thuộc và tiếp tục lấy tên ông để vinh danh, hạ thủy năm 2018 và dự kiến chính thức đi vào hoạt động từ năm 2021, nhưng tiến trình này đang bị trì hoãn bởi nhiều lý do.
Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/khoa-hoc-van-minh/thap-lua-duoi-nhung-rang-bang-son-i623931/