Thắp lửa, lan tỏa tình yêu sách

Mở tủ sách tại nhà phục vụ cộng đồng, đưa sách vào lớp học, đến chùa, vào trại giam... Thời gian vừa qua, nhiều tổ chức, cá nhân đã thắp lửa, lan tỏa tình yêu và khát khao khám phá tri thức tới mọi người, thúc đẩy văn hóa đọc.

Những người truyền cảm hứng đọc sách

Dạy tại một trường trung học phổ thông và thấy học sinh ít đọc sách, cô giáo Trần Huỳnh Nhị (Vĩnh Long) đã nỗ lực trở thành tấm gương đọc sách, sống hạnh phúc nhờ đọc sách và tương tác, truyền cảm hứng cho các em. “Để lôi cuốn học sinh đọc sách, hàng năm tôi tổ chức Lễ hội Tết sách cho học sinh chia sẻ về sách. Mỗi em trong trường sẽ được tặng 1 cuốn sách khi tham gia. Tôi vận động cộng đồng trong cả năm để có đủ sách tặng các em. Khi thấy sách bổ ích, chính học sinh, thậm chí những em đã ra trường quay lại góp sách. Nhờ đó, tôi đã tổ chức được 4 Tết sách. Tôi cũng xin phép Ban Giám hiệu nhà trường, vào giờ chào cờ hàng tuần sẽ dành thời gian giới thiệu sách cho các em” - cô Nhị chia sẻ.

Thấy rằng lớn mới hướng các em đọc sách thì quá muộn, cô Nhị mở không gian đọc sách miễn phí tại nhà. “Ban đầu tôi giới thiệu rằng ai bận, không trông con được, có thể mang bé đến nhà tôi từ 5 - 6 giờ chiều, các bé đến rất đông. Tôi cũng vận động sinh viên làm tình nguyện viên hỗ trợ đọc sách cho các bé mầm non. Phụ huynh ban đầu chỉ gửi con lúc bận, sau đó các bé thích đến đọc sách. Các con cũng nói cha mẹ mua sách cho mình đọc. Nhiều phụ huynh đến nhờ tôi hướng dẫn mua sách cho con...”.

Cũng mở thư viện tại nhà nhưng phục vụ nhiều đối tượng độc giả hơn, ông Phạm Thế Cường, người sáng lập Thư viện tư nhân phục vụ cộng đồng tại quận Vò Gấp, TP. Hồ Chí Minh cho biết: “6 tuổi tôi đã đọc sách, có khái niệm giữ lại sách và tới nay tôi đã có hơn 60.000 cuốn. Nhưng tôi không muốn làm 'cai ngục sách' mà muốn đưa sách đến với mọi người”. Hoàn toàn miễn phí, dành không gian gia đình để chứa sách phục vụ bạn đọc, Thư viện Phạm Thế Cường còn tổ chức Câu lạc bộ Đọc sách, định kỳ có các cuộc chia sẻ về sách, ra tạp chí về sách. Hoạt động của thư viện không chỉ thu hút người đọc các lứa tuổi, các tác giả mà cả người chơi sách.

Từng là hiệu trưởng một trường mầm non và hiểu vai trò to lớn của sách, sư cô Thích Nữ Quảng Phát, trụ trì chùa Thiên Phúc (Thái Bình) mở thư viện tại chùa với mong muốn gieo tình yêu sách cho các bạn nhỏ. Các buổi giao lưu, nói chuyện về sách cũng được tổ chức tại khu vườn cạnh chùa. Ngoài mở Câu lạc bộ Đọc sách cho thanh niên Phật tử, sư cô kết hợp với Nhóm Hán Nôm của huyện Quỳnh Phụ, nhóm những người yêu nhạc cổ truyền để giới thiệu sách, mở không gian sách tại nơi họ sinh hoạt...

Hội quán các bà mẹ (TP. Hồ Chí Minh) lại đưa sách ra phố. Theo Hội trưởng Hội quán Nguyễn Thị Thanh Thúy, ngoài Câu lạc bộ Khoa học sao nhỏ, Hội quán có chương trình Chợ quê giữa phố vào cuối tuần, dành không gian cho các bạn nhỏ đọc sách, mua bán sách. Mô hình Tủ sách truyền tay cũng đã đến với các lớp học, không gian nhỏ từ mái ấm nhà thờ, chùa, nhà trọ công nhân, bệnh viện... với mong muốn có nhiều tủ sách để mọi người dễ tiếp cận.

Nhiều thư viện, không gian đọc được mở ra phục vụ cộng đồng
Ảnh: hanoimoi.com.vn

Kết nối, hỗ trợ và lan tỏa

Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế Cung Trọng Cường cho biết, qua khảo sát cho thấy tỷ lệ học sinh đọc sách không cao, ngay cả với học sinh trường chuyên như Quốc học Huế. Để tăng thời gian đọc sách, giảm thời lượng sử dụng máy tính, điện thoại, cán bộ của Viện đã tìm cách cho các em tiếp cận sách thông qua cách khác những gì đang làm. “Có 2 con đường chính thống để khuyến đọc là qua trường học và thư viện. Qua trường học thì phụ thuộc nhiều vào thầy cô, nhà trường; trong khi theo đường thư viện khá theo mùa vụ, hầu hết chỉ thu hút các em nhỏ vào dịp hè. Chúng tôi muốn tác động theo cách khác, thông qua cộng đồng, một số nhóm đưa sách ra công viên, một số nhóm đưa sách ra hai bên bờ sông Hương, nơi đông người thường xuyên đến, tạo ra điểm đọc sách”.

Các nhóm nhỏ như vậy không chỉ góp phần đưa sách đến với cộng đồng, mà còn thúc đẩy truyền thông và tác động tới các cấp lãnh đạo thành phố. “Vừa qua, UBND tỉnh đã phê duyệt đề án Tủ sách Huế và triển khai để phát triển văn hóa đọc. Từ đó, Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Giáo dục và Đào tạo cũng vào cuộc thúc đẩy chương trình. Thành phố Huế đã đưa văn hóa đọc vào các nhà cộng đồng, điểm văn hóa, công viên nhỏ. Hiện nay nhà thờ, chùa cũng phát triển các nhóm đọc sách. Một số cơ quan, văn phòng đã có tủ sách, mô hình học tập... Ban đầu, chúng tôi không hình dung rõ ràng lắm, nhưng sau đó đã đi theo hướng thúc đẩy về chính sách. Chúng tôi trở thành nơi kết nối, hỗ trợ, lan tỏa” - ông Cường cho hay.

Thừa Thiên Huế đã bắt đầu triển khai và có chiều hướng tích cực, nhưng cần nhiều nỗ lực hơn nữa để đạt kết quả như mong muốn. Ngoài các thiết chế văn hóa hỗ trợ ban đầu, phải có cơ chế, chính sách để phát triển văn hóa đọc. Được biết, UBND tỉnh chuẩn bị phê duyệt Đề án Văn hóa đọc 2022, và Huế cố gắng trong năm nay sẽ có Đường sách.

“Không chỉ đưa sách tiếp cận giới trẻ, cộng đồng, tháng 4 vừa rồi, chúng tôi bắt đầu đưa sách tới trại giam Bình Điền, Trại tạm giam Thừa Thiên Huế... Chúng tôi thấy rằng, lan tỏa văn hóa đọc không phải công việc của một ngành, mà của cả xã hội, phải làm liên tục, luôn thúc đẩy mới có tác dụng tích cực” - ông Cung Trọng Cường nói.

Từ nỗ lực của nhiều cá nhân, tổ chức trong các lĩnh vực, các cấp, khắp vùng miền, tình yêu sách được lan tỏa rộng rãi, như những đốm lửa nhỏ hợp sức thổi bùng văn hóa đọc. Từng có nhiều cuộc nói chuyện khuyến đọc tại các trại giam, trường học nơi biên giới, trong quân đội, công an, trong khu nhà trọ của công nhân, nhà nghiên cứu Nguyễn Quốc Vương bày tỏ: “Sách với mọi người rất quan trọng nhưng không phải ai cũng nhận ra ý nghĩa của nó. Tôi mong muốn mọi người quan tâm tới đọc sách trong chính gia đình, sau đó tới họ hàng, làng xóm... Ai không có điều kiện làm khuyến đọc thì có thể hỗ trợ vể tài chính cũng như tinh thần, trở thành người yêu sách để xuất bản và văn hóa đọc phát triển”.

Ngọc Phương

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/van-hoa/thap-lua-lan-toa-tinh-yeu-sach-i296317/