Thắp lửa tinh thần đại đoàn kết toàn dân
Đến các khu dân cư trên địa bàn tỉnh trong những ngày này, đâu đâu cũng thấy bầu không khí vui tươi, ấm áp của Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc, kỷ niệm 92 năm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam (18-11-1930 - 18-11-2022). Ngày hội với nhiều hoạt động phong phú, đa dạng, không chỉ đem đến không khí đầm ấm của tình làng nghĩa xóm, mà còn là diễn đàn rộng rãi để mọi tầng lớp nhân dân phát huy dân chủ, vun đắp khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Rộn ràng, ấm áp
Đến với thôn Kai Con, xã Nhân Mục (Hàm Yên) không khí rộn ràng của Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc lan tỏa đến từng đường làng, ngõ xóm. Mọi người ai nấy đều rộn ràng, phấn khởi cùng tụ họp về nhà văn hóa thôn để cùng nhau chuẩn bị những điệu múa, điệu nhạc, màn đồng diễn thể dục thể thao công phu, cùng lắng nghe, chia sẻ những thành tựu đạt được trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội và đánh giá kết quả thực hiện các phong trào thi đua, cuộc vận động ở thôn, xóm.
Bà Hứa Thị Thùy, Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn Kai Con chia sẻ, văn hóa của đồng bào các dân tộc trong thôn rất phong phú và đặc sắc. Người Dao, người Tày có rất nhiều ngày lễ, Tết với những ý nghĩa khác nhau. Nhưng từ nhiều năm nay, đồng bào các dân tộc nơi đây có thêm một ngày hội lớn là Ngày hội Đại đoàn kết. Ngày hội là dịp đồng bào các dân tộc đang sinh sống trong thôn được gặp gỡ, giao lưu, được giãi bày tâm tư nguyện vọng với lãnh đạo các cấp, từ đó bàn bạc tìm cách bảo ban nhau thoát nghèo, phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. Năm 2022, thôn có 6 hộ thoát nghèo, giảm xuống còn 15 hộ; xóa 2 nhà tạm, thu nhập bình quân đầu người đạt 77 triệu đồng/người/năm, 79/79 hộ đều đạt gia đình văn hóa. Thực hiện xây dựng nông thôn mới, nhân dân trong thôn đã đóng góp được 73 triệu đồng làm 270 m đường bê tông.
Người Dao thôn Xít Xa, xã Minh Khương (Hàm Yên) diện trang phục truyền thống trong
Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc của thôn.
Không khí Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở thôn Yên Thượng, xã Trung Yên (Sơn Dương) cũng không kém phần sôi nổi. Khoác lên mình những bộ trang phục dân tộc truyền thống, những người nông dân ngày thường chỉ bận bịu với ruộng đồng, với con trâu, cây lúa đã có dịp thể hiện tài năng qua những bài hát Then, tiếng đàn Tính góp phần thêm không khí rộn rã, phấn khởi cho bà con khu dân cư. Trên khuôn mặt những người đến tham dự, ai cũng rạng ngời niềm vui bởi trong năm qua, phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao trong thôn phát triển tốt, mọi người, mọi nhà tích cực thực hiện nếp sống văn hóa, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; tình hình an ninh trật tự được giữ vững; việc tổ chức cưới xin, ma chay được bà con thực hành tiết kiệm, lành mạnh. Nhân dân trong thôn luôn động viên, giúp đỡ lẫn nhau về mọi mặt. Năm 2022, thôn giảm 30 hộ nghèo, còn 143/243 hộ nghèo; thôn 3 năm liên tiếp là thôn văn hóa. Thực hiện xây dựng nông thôn mới, nhân dân trong thôn đã đóng góp gần 50 triệu đồng làm cầu dân sinh, nhà vệ sinh thôn; 23 hộ hiến đất làm 1 km đường nội đồng…
Ông Bế Văn Kiên, người dân thôn Yên Thượng phấn khởi cho biết, đã từ nhiều năm nay, khi thôn tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc, ông đều tham dự trong niềm vui và hào hứng. Vì ngày hội vừa là dịp để người dân trong thôn cùng nhìn lại những kết quả đạt được sau một năm nỗ lực, cố gắng và cũng là cơ hội để người dân cùng gặp gỡ, chia sẻ, tháo gỡ khó khăn vướng mắc, thắt chặt thêm tình đoàn kết xóm làng. Ông mong muốn người dân trong thôn luôn đoàn kết giúp đỡ nhau, cùng nhau xây dựng thôn văn hóa.
Kết nối tinh thần đoàn kết cộng đồng
Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc đang diễn ra ở khắp các thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh với nhiều hoạt động phong phú, đa dạng. Bên cạnh việc ôn lại truyền thống vẻ vang của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam còn có các hoạt động văn hóa, văn nghệ trong ngày hội mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, địa phương như: Hát Then, Páo dung, Sli, Lượn… Một số thôn, tổ còn thi trình bày mâm cỗ, trang trí các gian trưng bày sản vật của địa phương. Cùng với đó là hoạt động tặng nhà Đại đoàn kết, tặng quà cho hộ nghèo, gia đình chính sách đầy ý nghĩa. Những tập thể, gia đình và cá nhân có nhiều thành tích trong thực hiện các phong trào thi đua của địa phương cũng được biểu dương, khen thưởng trong ngày hội. Hầu khắp các khu dân cư đều tổ chức “Bữa cơm đoàn kết”, tạo không khí vui tươi, phấn khởi. Ngày hội đã trở thành hoạt động có ý nghĩa xã hội thiết thực, không chỉ đem đến không khí đầm ấm của tình làng nghĩa xóm, mà còn là diễn đàn rộng rãi để mọi tầng lớp nhân dân phát huy dân chủ, vun đắp khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Đồng chí Đỗ Minh Tân, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh cho biết, qua gần 20 năm thực hiện, Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc đã trở thành nét đẹp văn hóa, có ý nghĩa trong đời sống của thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh. Ngay khi có kế hoạch tổ chức ngày hội, cán bộ các thôn, tổ và người dân đã cùng chuẩn bị các công việc cho ngày hội chu đáo, vui vẻ và đạt hiệu quả cao hơn năm trước. Mọi người cùng treo cờ Đảng, cờ Tổ quốc, dọn dẹp vệ sinh nhà cửa, đường làng ngõ xóm; chuẩn bị nội dung, trang trí, tiết mục văn nghệ, trò chơi dân gian, bữa cơm đại đoàn kết... Không phân biệt dù ở cương vị nào hay đi làm ăn xa, mọi người đều cùng nhau trở về để dự ngày hội của thôn, tổ của mình.
Có thể khẳng định, Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc được tổ chức tại khắp các thôn bản, khu phố trong tháng 11 này thực sự trở thành ngày hội của các tầng lớp nhân dân trong toàn tỉnh, là dịp để cấp ủy, chính quyền các cấp nắm rõ tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, đồng thời củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc ngày một vững chắc theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”.