Thắp nén hương thơm lên 'bàn thờ Tổ quốc'!

Những ngày cuối năm, dù công việc khá bận rộn nhưng tập thể cán bộ, công nhân viên Nhà in Bình Phước thuộc Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước (BPTV) đã cố gắng thu xếp thực hiện hành trình về nguồn, thăm vùng đất linh thiêng Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu). Mọi người đều nôn nóng với chuyến đi, bởi thời điểm cuối năm, ai cũng muốn thực hiện ít nhất một việc làm tâm linh, mà Côn Đảo là địa danh đặc biệt để thực hiện ý nguyện ấy. Hơn nữa, từ tháng 3-2023, Cảng hàng không Côn Đảo sẽ tạm đóng cửa một thời gian để mở rộng và nâng cấp sân bay nên cơ hội đến vùng đất thiêng này sẽ càng khó hơn.

Hành trình bay từ TP. Hồ Chí Minh đi Côn Đảo bình thường chỉ hết 1 giờ 5 phút nhưng tất cả thành viên trong đoàn đã trải qua những cảm xúc hồi hộp khó quên. Thời tiết quá xấu nên đến Côn Đảo, phi hành đoàn phải bay 15 phút trên không trung nhưng vẫn không thể hạ cánh vì phi công không nhìn rõ đường bay, đành quay ngược về Sân bay Tân Sơn Nhất (TP. Hồ Chí Minh). Sau khi tiếp thêm nhiên liệu, máy bay lại cất cánh đến Côn Đảo. Thật may là mưa đã giảm nên máy bay vẫn đáp được, nhưng chậm hơn thời gian dự tính gần 3 tiếng đồng hồ. Và chính sự cố ấy lại giống như một thứ gia vị, làm tăng thêm giá trị của hành trình về với Côn Đảo của tập thể cán bộ, công nhân viên Nhà in Bình Phước.

Đoàn dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại Đài tưởng niệm Nghĩa trang Hàng Dương

Đoàn dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại Đài tưởng niệm Nghĩa trang Hàng Dương

Điểm đến đầu tiên trong hành trình thăm Côn Đảo của đoàn là viếng Nghĩa trang Hàng Dương và mộ nữ anh hùng, liệt sĩ Võ Thị Sáu. Chúng tôi nhập với các đoàn du khách để thực hiện nghi thức viếng nghĩa trang. Trời chiều nhiều mây lại mưa, khá âm u nên những quầng khói hương cứ bay là đà, mờ mịt trên từng hàng mộ chí. Hàng ngàn bia mộ thấp thoáng dưới ánh sáng còn sót lại của chiều tà khiến ai cũng nghẹn ngào, xúc động. Trong cái se lạnh của chiều mưa, khói hương cứ lởn vởn trên những tàng cây, phủ lên không gian Nghĩa trang Hàng Dương và khu mộ nữ anh hùng Võ Thị Sáu một sự linh thiêng đặc biệt, ai cũng cảm nhận được. Từng đoàn lữ khách lặng lẽ thắp hương tưởng niệm những người đã ngã xuống. Không một tiếng nói to, không một tiếng cười đùa, những bước chân người cố nhẹ nhàng đến mức có thể để dâng hương lên từng phần mộ. Gió từ ngoài khơi vờn trên những hàng phi lao trong Nghĩa trang Hàng Dương, tạo nên âm thanh rì rào như tiếng thủ thỉ dặn dò của những người tử tù Côn Đảo với những người đang sống, tạo một niềm xúc động nghẹn ngào.

Đoàn thăm hệ thống chuồng cọp - nơi giam giữ những chiến sĩ cách mạng kiên trung tại Nhà tù Côn Đảo

Đoàn thăm hệ thống chuồng cọp - nơi giam giữ những chiến sĩ cách mạng kiên trung tại Nhà tù Côn Đảo

Hệ thống Nhà tù Côn Đảo thực sự là địa ngục trần gian với những ngục tù tra tấn con người còn tàn bạo hơn cả thời trung cổ. Những cái tên như: Chuồng Cọp, Chuồng Bò, Sở Muối, Sở Lò Vôi, Cầu Ma Thiên Lãnh... chỉ nghe thôi đã thấy rợn người. Dù đã đọc sách, báo, xem phim, từng được biết đến ngục tù Côn Đảo qua những tiết học Lịch sử ở bậc THPT nhưng khi tận mắt thấy cảnh tù nhân bị tra tấn - dù chỉ là cảnh phục dựng và qua lời thuyết minh của hướng dẫn viên, tim ai cũng nhói lên trước những nhục hình mà kẻ thù đã thực hiện trên thân thể người tù. Không ở đâu mà sự tàn ác, man rợ lại được thể hiện rõ ràng như ở nơi này. Trên một vùng đất mà trời mây, non nước vô cùng thơ mộng, đẹp như tranh vẽ lại hiện diện một địa ngục mà chắc rằng nếu có địa ngục nơi cõi âm cũng không thể kinh hoàng đến thế! Những cây bàng cổ thụ với nhiều rễ sù sì cuộn những hình thù kỳ dị trên mặt đất, đổ bóng dài trong cái tĩnh lặng của khuôn viên các nhà tù làm cho không gian càng trở nên bí ẩn và linh thiêng. Em Lò Minh Duy, học sinh lớp 8 - thành viên nhỏ tuổi nhất trong đoàn đứng nhìn chăm chú những mô hình người tù bị tra tấn trong dãy nhà tù mà kẻ thù gọi một cách mỹ miều là “Khu tắm nắng của tù nhân”. Có lẽ em không thể hình dung được những đòn tra tấn mà con người đã dùng để đối xử với con người như trấn nước xà phòng; dùng con lăn bẻ từng ngón tay; dùng cưa sắt cưa từng đoạn chân, tay; phơi nắng trong những chuồng cọp, dùng gậy bịt sắt nhọn chọc vào cơ thể người tù rồi đổ vôi bột lên người và xối nước bẩn… Qua mỗi dãy nhà tù, chúng tôi đều kính cẩn vái vọng. Cảm giác xót thương và cảm phục trào dâng trước ý chí kiên cường, bất khuất của những chiến sĩ cách mạng. Vì độc lập, tự do cho Tổ quốc, họ đã không ngần ngại đấu tranh đến giọt máu cuối cùng và đã gửi thân xác nơi đây.

Nhưng về Côn Đảo không chỉ để thương đau. Vượt qua cảm giác buồn thương ấy, ta sẽ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp hoang sơ và kỳ bí của vùng đất này. Từ trên cao nhìn xuống, giữa muôn ngàn đợt sóng nhấp nhô nơi biển cả là một vệt xanh đậm nổi lên, khi mờ khi khuất giữa những lượn sóng bạc đầu. Và khi đặt chân đến Côn Đảo thì núi rừng trùng điệp xanh thẳm nối tiếp như hạm đội tàu chiến hùng dũng giữa biển Đông mênh mông. Dù đã đi biển nhiều nơi nhưng ai cũng thấy choáng ngợp trước vẻ đẹp hoang sơ của Côn Đảo với biển xanh, cát trắng và mênh mông nắng vàng. Người dân Côn Đảo chỉ có khoảng 5% làm nghề đánh cá và khai thác các sản vật từ biển, còn hầu hết đều tham gia dịch vụ du lịch nên đời sống khá hơn nhiều so với trước. Thế nhưng có một điều khác biệt khiến Côn Đảo không giống bất cứ nơi nào, đó là hoàn toàn không có nạn trộm cắp, lừa đảo. Người dân chạy xe máy, kể cả loại xe tay ga đời mới có thể để qua đêm ngoài đường khi chìa khóa vẫn cắm trong ổ khóa. Ai có việc cần sử dụng xe chỉ cần kiểm tra bình xăng, dùng xong để lại chỗ cũ. Và dù đường rất vắng, người ta vẫn chạy xe rất từ tốn, không ai bóp còi, vượt đèn đỏ, cũng không thấy ai không đội mũ bảo hiểm. Có lẽ sự linh thiêng đã tạo nên nhịp sống trầm lắng nơi vùng đất thiêng này.

Chúng tôi lưu luyến tạm biệt Côn Đảo. Dù có chút trở ngại trong hành trình nhưng tất cả thành viên trong đoàn đều toại nguyện, bởi đã đến tận nơi được mệnh danh là “Bàn thờ Tổ quốc”, thắp nén hương thơm để tri ân những người vì đất nước thân yêu mà ngã xuống. Lời khuyên của cô hướng dẫn viên du lịch văng vẳng bên tai: Ngoài các loại đặc sản do người dân khai thác, du khách không nên mang theo những thứ khác như đất, cát, đá hay cây cối về. Có lẽ vì niềm tin tâm linh thiêng liêng, cô ấy nghĩ rằng từng mẩu đá, từng vốc cát hay mỗi nhánh cây trên hòn đảo này đều có máu, có thịt xương của những anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc. Rời Côn Đảo xinh đẹp, linh thiêng và kỳ vĩ, chúng tôi mang theo niềm tin rằng, không bao lâu nữa, khi Sân bay Côn Đảo được nâng cấp, mở rộng cùng các hạng mục quan trọng được xây dựng mới, nơi từng được xem là địa ngục trần gian này sẽ trở thành thiên đường nghỉ dưỡng mà ai cũng mơ ước được một lần tới.

Nguyễn Thanh Thủy (Ghi chép)

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/19/140959/thap-nen-huong-thom-len-ban-tho-to-quoc