'Thắp ngọn lửa hồng' hé lộ nhiều chuyện chưa biết trong thời kỳ chống Pháp
Những câu chuyện cảm động về ý chí kiên cường, sự hy sinh anh dũng của những người con ưu tú từng bị địch bắt, giam trong các nhà tù thời kỳ chống Pháp đang được trưng bày tại Di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội).
Nhân dịp kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2024), Ban Quản lý di tích Nhà tù Hỏa Lò đang tổ chức trưng bày chuyên đề “Thắp ngọn lửa hồng” với nhiều câu chuyện cảm động về ý chí kiên cường, sự hy sinh anh dũng của những người con ưu tú từng bị địch bắt, giam trong các nhà tù.
Nội dung trưng bày được thể hiện qua các phần: "Tiếng súng mở đầu", "Trọn một lời thề" và "Dấu xưa vang mãi". Sự kiện thu hút khá đông du khách tới tham quan.
Ở phần “Tiếng súng mở đầu”, công chúng được xem các tư liệu, hình ảnh về những phong trào cách mạng của Việt Nam sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam thành lập (3/2/1930), như: Phong trào cách mạng (1930-1931) với đỉnh cao Xô Viết Nghệ Tĩnh; Phong trào đấu tranh đòi tự do dân chủ (1936-1939); Khởi nghĩa Bắc Sơn (9/1940); Khởi nghĩa Nam Kỳ (11/1940); binh biến Đô Lương (1/1941). Trong ảnh là bản sao sơ đồ tổ chức Đảng Cộng sản Việt Nam và các tổ chức Hội Quần chúng năm 1930.
Trong phần “Trọn một lời thề”, người xem được tìm hiểu kỹ hơn thân thế, sự nghiệp của các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước luôn một lòng vì Tổ quốc: Hà Huy Tập, Nguyễn Văn Cừ, Võ Văn Tần, Phan Đăng Lưu, Nguyễn Hữu Tiến, Nguyễn Thị Minh Khai… Dù bị tra tấn, đày ải trong lao tù, những người con ưu tú vẫn giữ mãi ngọn lửa nhiệt huyết, tinh thần đấu tranh kiên cường. Ở nơi trường bắn, các đồng chí vẫn hiên ngang, bất khuất.
Ở phần “Dấu xưa vang mãi”, trưng bày hình ảnh những địa danh lịch sử, nơi kẻ địch từng dựng trường bắn và nhà lưu niệm tưởng nhớ những người con ưu tú của Đảng giờ đây đã trở thành những “địa chỉ đỏ”, góp phần giáo dục truyền thống cách mạng cho nhiều thế hệ.
Bức ảnh ngôi nhà nơi đồng chí Lê Hồng Phong bị quản thúc sau khi mãn hạn tù ở làng Đông Thôn, tổng Thông Lạng, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An.
Nhiệt huyết cách mạng, khí phách hiên ngang của những người chiến sĩ vẫn âm vang qua những lời nói, câu thơ và còn nguyên giá trị cho đến ngày nay. Trong ảnh là sự việc quân Pháp sát hại chiến sĩ Xô Viết Nghệ Tĩnh.
Nhà đày Buôn Ma Thuột, nơi thực dân Pháp giam đồng chí Phan Đăng Lưu từ năm 1930 - 1936.
Thẻ dự Đại hội lần thứ VII Quốc tế Cộng sản (1935) của đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai và đồng chí Lê Hồng Phong, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương.
Hình ảnh đồng chí Mai Ngọc Thuyết bị Pháp bắt giam năm 1941. Tại đây có ghi lời kể của đồng chí Mai Ngọc Thuyết: "Tôi sang Hỏa Lò ở buồng giam phụ nữ, trên sàn chị em đã nằm chen chúc nhau nên tôi nằm dưới nền xi măng. Chúng cho ăn rất vô nhân đạo: cơm thì gạo mục Nam Kỳ. Chúng còn cho cả sỏi vào cho nặng cân: rau muống thì có cả rác và rễ nấu nguyên, cá tép ươn thối... Cứ đến bữa cơm, chị em trong Ban Cứu tế lại phân công nhau nhặt sỏi trong cơm và nhặt rễ rau.
Những người chiến sĩ kiên trung ghi lại: "Ba giờ sáng ngày 28/8. Toàn thể tù nhân ở Khám Lớn - Sài Gòn đã thức dậy... Anh em bị giam trong khám 2 chúng tôi không ai ngủ cả. Từ trước 3 giờ, chúng tôi thay nhau leo lên cửa sổ, tay bám chấn song sắt, nhìn ra. Chắc là các khám khác cũng như vậy. Cho đến khi bốn người hiện ra, anh Nguyễn Văn Cừ, chị Nguyễn Thị Minh Khai, anh Hà Huy Tập, anh Võ Văn Tần. Những tiếng thét từ các khám bỗng vang lên: Phản đối bọn cướp nước giết người! Đảng Cộng sản Đông Dương muôn năm! Nguyễn Văn Cừ! Nguyễn Văn Cừ!".
Trưng bày "Thắp ngọn lửa hồng" diễn ra đến ngày 15/8 tại Di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò, Hà Nội.