Tháp Po Sah Inư - điểm đến cũ mà mới
Trên bản đồ du lịch, thành phố Phan Thiết không chỉ nổi tiếng với 'biển xanh, cát trắng, nắng vàng' mà còn có nhiều điểm di tích lịch sử, công trình kiến trúc in dấu theo thời gian hàng chục thế kỷ. Tiêu biểu là tháp Po Sah Inư - tọa lạc trên đồi Lầu Ông Hoàng. Nơi đây chỉ cách trung tâm thành phố 7 km về hướng Đông – Bắc và đã được Nhà nước xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia năm 1991.
Người Chăm xây dựng nhóm tháp Po Sah Inư vào cuối thế kỷ thứ 8, đầu thế kỷ thứ 9 để thờ thần Shiva, một trong những vị thần quan trọng của Ấn Độ giáo. Đến thế kỷ 15, người Chăm tiếp tục xây dựng một số đền thờ dạng kiến trúc đơn giản để thờ công chúa Po Sah Inư, tương truyền là con vua Para Chanh được nhân dân yêu quý về tài đức và phép ứng xử.
Tháp có phong cách kiến trúc Hòa Lai, được xây dựng từ những viên gạch đỏ liên kết với nhau rất chắc chắn bởi một loại chất kết dính đặc biệt mà nhiều giả thiết cho rằng đó là nhựa thực vật. Đây là tuyệt tác của dân tộc Chăm để lại cho nhân loại. Tuy chỉ có kích thước vừa và nhỏ, nhưng nó chắt lọc được những tinh hoa kiến trúc và nghệ thuật trang trí của người Chăm xưa tạo nên vẻ uy nghiêm và kỳ bí. Từ hình dạng kiến trúc đến kỹ thuật xây dựng và trang trí nghệ thuật trên thân tháp, các vòm cuốn, các cửa chính, cửa giả, trong lòng và lên đến đỉnh tháp.
Khu di tích Tháp Po Sah Inư gồm 3 tháp. Tháp chính A - từ trong lòng tháp lên đến đỉnh 16m; có tất cả 3 tầng, hai tầng trên có kiến trúc gần giống tầng dưới nhưng giảm dần kích thước cũng như các chi tiết kiến trúc và nghệ thuật. Cứ như vậy nhỏ dần và cao vút lên trên cùng với phần mái thấp. Tháp chính là nơi tập trung những giá trị về kiến trúc vật chất, tinh thần cũng như tâm linh, tín ngưỡng tôn giáo. Tháp phụ B nằm riêng nhích về hướng Bắc cao khoảng 12m, về cơ bản hình dáng kiến trúc giống tháp A nhưng đơn giản hơn. Tháp phụ C do chức năng nguyên thủy ban đầu thờ thần Lửa. Tháp có chiều cao 5m, rộng mỗi cạnh gần 4m…
Còn gì tuyệt vời hơn khi vừa được tận mắt chiêm ngưỡng nét kiến trúc tinh xảo, độc đáo của người Chăm, vừa có thể lưu lại những bức hình tuyệt đẹp, bao quát hết tất cả khung cảnh đồi Lầu Ông Hoàng và xung quanh biển. Khi Bảo tàng tỉnh vừa xây dựng điểm chek-in “Cổng trời hoàng triều” trên một quả đồi đối diện, ngay phía cổng lên tháp. Ngoài ra vào tháng 6 này, bảo tàng sẽ tổ chức triển lãm ảnh nghệ thuật chủ đề “Lễ hội tiêu biểu của người Chăm Bình Thuận và hệ thống các đền tháp Chăm miền Trung”. Có tất cả 50 bức ảnh được trưng bày tại đây. Kết hợp với đó là chương trình trải nghiệm cùng nghệ nhân làm gốm, dệt truyền thống, làm bánh gừng… dự kiến vào thứ bảy, chủ nhật hàng tuần. Đến nay công tác chuẩn bị đang hoàn tất để phục vụ du khách.
Để kích cầu du lịch trong nước, vào dịp hè, tháp sẽ áp dụng chương trình giảm giá vé 10% cho khách đoàn từ 10 người trở lên, giảm 15% cho học sinh, sinh viên đi nghiên cứu, học tập theo giới thiệu, giảm 60% cho công dân Việt Nam từ 60 tuổi trở lên.
Thùy Linh
Nguồn Bình Thuận: http://baobinhthuan.com.vn/van-hoa/thap-po-sah-inu-diem-den-cu-ma-moi-127823.html