Tháp Rùa, một biểu tượng của Thủ đô

Nằm ở trung tâm Hồ Hoàn Kiếm, từ lâu Tháp Rùa đã trở thành hình ảnh quen thuộc với người dân Thủ đô Hà Nội nói riêng và người dân Việt Nam nói chung.

Tháp Rùa - một ngọn tháp nhỏ nằm trên gò đảo giữa Hồ Gươm là biểu tượng ngàn năm văn hiến của Thủ đô. Công trình kiến trúc này tuy nhỏ bé nhưng ẩn trong đó là những ý nghĩa lịch sử, dấu tích trường tồn với thời gian mà không một địa danh nào có thể thay thế được.

Tháp Rùa được xây dựng trong khoảng từ giữa năm 1884 đến tháng 4/1886 trên gò Rùa và chịu ảnh hưởng kiến trúc Pháp. Tháp hình chữ nhật. Tầng một có chiều dài 6,28 mét có 2 mặt hướng Đông và Tây, mỗi mặt có 3 cửa. Chiều rộng 4,54 mét, mỗi mặt có 2 cửa. Các cửa đều được xây cuốn, đỉnh thuôn nhọn.

Tầng hai có chiều dài 4,8 mét, rộng 3,64 mét và có kiến trúc giống như tầng một. Tầng ba có chiều dài 2,97 mét, rộng 1,9 mét. Tầng này chỉ mở một cửa hình tròn ở mặt phía Đông, đường kính 0,68 mét, phía trên cửa có 3 chữ Quy Sơn tháp tức là tháp Núi Rùa. Tầng đỉnh có nét giống một vọng lâu, vuông vức, mỗi bề 2 mét.

Tháp Rùa đã trở thành một biểu tượng của Thủ đô Hà Nội (Ảnh: Internet)

Tháp Rùa đã trở thành một biểu tượng của Thủ đô Hà Nội (Ảnh: Internet)

Tháp xây trên gò Rùa nơi xưa từ thời vua Lê Thánh Tông đã dựng Điếu Đài ở đó để nhà vua ra câu cá. Sang thời Lê Trung Hưng khoảng thế kỷ 17, thế kỷ 18 chúa Trịnh cho xây đình Tả Vọng trên gò nhưng sang thời nhà Nguyễn thì không còn dấu tích gì nữa.

Sau khi Pháp vào thành Hà Nội năm 1883 thì dân vùng ven hồ sơ tán cả. Các quan Việt cũng bỏ sở nhiệm. Riêng có Nguyễn Ngọc Kim, chức dịch làng Tự Tháp được cử làm trung gian giữa quân Pháp và người Việt lại được chính quyền mới tín nhiệm nên ít lâu trở thành bá hộ, gọi là Bá hộ Kim.

Năm 1886 thấy huyệt đất trên gò Rùa hợp phong thủy ông xuất tiền xây tháp trên gò với ý định chôn hài cốt của cha vào đó. Việc không thành nhưng ngọn tháp ba tầng vẫn được hoàn tất. Vì vậy nên ban đầu Tháp này có tên là Tháp Bá hộ Kim. Vì vị trí đẹp giữa hồ, tháp trở thành thắng tích Hà Nội.

Sự giao thoa giữa hai lối kiến trúc là kiến trúc Pháp và kiến trúc bản địa tạo đã nét đẹp độc đáo, riêng biệt của Tháp Rùa. Điều quan trọng nhất là Tháp Rùa đã, đang tồn tại không chỉ là hiện hữu mà còn là tinh thần của người dân Hà Nội nói riêng và của đất nước Việt Nam nói chung.

Nếu nói Hồ Gươm là một lẵng hoa tươi rực rỡ giữa trung tâm Thủ đô Hà Nội thì có thể nói Tháp Rùa chính là bông hoa đỏ thắm nổi bật nhất của lẵng hoa đó. Giữa mặt nước Hồ Gươm quanh năm một màu xanh lục thì tháp hiện lên như một điểm nhấn đầy linh thiêng.

Tháp Rùa như một bông hoa nằm giưãm mặt hồ xanh biếc. (Ảnh: Internet)

Tháp Rùa như một bông hoa nằm giưãm mặt hồ xanh biếc. (Ảnh: Internet)

Vì thế mà dù chỉ là một tháp nhỏ nhưng được đặt trong một gò đất giữa lòng hồ hàng trăm năm, Tháp Rùa tạo nên vẻ đẹp trung tâm, vừa gần vừa xa, vừa luống màu thời gian huyền bí và tĩnh mịch. Với vị trí đặc thù, du khách thường chỉ có thể nhìn ngắm tham quan Tháp Rùa từ các vị trí xung quanh bờ hồ nên sự thu hút, hiếu kỳ càng được tăng lên.

Một điểm đặc biệt nữa của Tháp Rùa đó chính là truyền thuyết Hồ Hoàn Kiếm nơi gắn liền với truyền thuyết gươm thần. Chính tất cả những yếu tố này đã khiến cho Tháp Rùa trở thành biểu tượng văn hóa, lịch sử và tâm linh linh thiêng của Hà Nội.

Bất kỳ ai khi đến với Hồ Gươm, chắc chắn việc đầu tiên sẽ là kiếm tìm hình bóng Tháp Rùa xem nó nằm đâu giữa hồ nước rộng lớn đó. Thoáng ẩn hiện, lấp ló sau những tán lá cây ven hồ dưới những bức ảnh, ngọn tháp lại càng thêm cuốn hút những ai được một lần đặt chân đến Thủ đô.

Nguyệt Quế

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/thap-rua-mot-bieu-tuong-cua-thu-do-268794.htm