Thắp sáng ngọn lửa tri ân trên dòng Thạch Hãn

Tham dự những đêm hoa đăng trên dòng sông Thạch Hãn, nhiều người ấn tượng với hình ảnh các bạn trẻ khoác chiếc áo xanh tình nguyện tỉ mỉ hỗ trợ du khách gần xa thắp từng chiếc hoa đăng. 12 năm nay, việc làm thầm lặng ấy được cán bộ đoàn, đoàn viên, thanh niên thị xã Quảng Trị góp sức thực hiện, là minh chứng sinh động cho tấm lòng tri ân của tuổi trẻ trên mảnh đất Thành Cổ.

Đoàn viên, thanh niên Phường 3, thị xã Quảng Trị chuẩn bị cho đêm hoa đăng -Ảnh: Q.Đ

Đoàn viên, thanh niên Phường 3, thị xã Quảng Trị chuẩn bị cho đêm hoa đăng -Ảnh: Q.Đ

Gắn bó với công tác đoàn, phong trào thanh niên, ngay những ngày đầu nhận nhiệm vụ, Bí thư Đoàn Thanh niên thị xã Quảng Trị Trần Thị Thanh Thủy (sinh năm 1989) đã xác định cần làm quen với công việc bận rộn như thoi đưa. Chuẩn bị tinh thần như thế nhưng những bận rộn, bộn bề nhiệm vụ vẫn ngoài tưởng tượng của chị Thủy.

Đặc biệt, vào dịp lễ, Tết hay khi quê hương, đất nước diễn ra các sự kiện quan trọng, chị và các cán bộ đoàn khác đôi lúc phải “đi lúc trăng sáng, về lúc sáng trăng”, tấm áo ai nấy thường xuyên thấm ướt mồ hôi. Tuy vậy, chưa bao giờ, chị Thủy thôi yêu công việc. Bởi, với công tác đoàn, phong trào thanh niên, chị được góp phần khơi dậy, phát huy sức trẻ trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là hoạt động tri ân.

Là đầu tàu trong công tác đoàn ở thị xã Quảng Trị, chị Thanh Thủy luôn xác định tinh thần: “Không để phong trào nghỉ”.

Đặc biệt, chị luôn quyết tâm giúp hoạt động tri ân được tiến hành thường xuyên, qua đó thắp sáng trang sử hào hùng của quê hương, đất nước và kịp thời hỗ trợ các gia đình có công với cách mạng.

Trong rất nhiều hoạt động tri ân mà mình cùng các cán bộ đoàn, đoàn viên, thanh niên thị xã đã và đang làm, chị Thủy luôn dành sự quan tâm đến việc huy động sức trẻ góp phần làm nên thành công của những đêm hoa đăng tri ân các anh hùng liệt sĩ.

Theo dòng hoài niệm, chị Thủy kể: “Năm 2012, Thị ủy, UBND thị xã Quảng Trị lần đầu tiên tổ chức đêm hoa đăng tri ân các anh hùng, liệt sĩ trên dòng sông Thạch Hãn. Lãnh đạo thị xã mong muốn hoạt động ý nghĩa này sẽ được nâng tầm thành lễ hội, thu hút du khách gần xa đến với thị xã Quảng Trị cùng “ôn cố tri tân”. Để đêm hoa đăng đầu tiên diễn ra thành công, lãnh đạo thị xã giao nhiệm vụ cho đoàn thanh niên huy động lực lượng thực hiện một số nhiệm vụ, trong đó có thắp sáng những chiếc hoa đăng”.

Thời gian thấm thoắt thoi đưa, tính đến nay, 12 năm đã trôi qua kể từ lần đầu tiên tuổi trẻ thị xã Quảng Trị chung tay làm nên những đêm hoa đăng tri ân các anh hùng liệt sĩ. Từ xa lạ, bỡ ngỡ, cán bộ đoàn, đoàn viên, thanh niên trên địa bàn đã quen với tất cả công việc có tên và không tên. Bao giờ cũng vậy, trước ngày 14 âm lịch hằng tháng, họ lại nắm lịch phân công từ đoàn cấp trên và tề tựu đông đủ tại bến thả hoa. Một số bạn tuy không nằm trong danh sách tham gia cũng góp mặt. Chính sự tâm huyết, nhiệt tình ấy đã góp phần làm nên thành công của những đêm hoa đăng.

Đoàn Thanh niên thị xã Quảng Trị gồm 14 cơ sở đoàn với khoảng 2.600 đoàn viên. Thông thường, mỗi đêm hoa đăng, Thị đoàn thường huy động 50 - 60 đoàn viên tham gia hỗ trợ buổi lễ, thắp sáng những ngọn nến tri ân và đưa đến tay du khách gần xa.

Trong một số chương trình, lực lượng đoàn viên được huy động rất lớn, 200 - 300 người. Vì thế, nếu không phát huy được sức mạnh của các cơ sở đoàn và tinh thần tình nguyện trong mỗi đoàn viên, thanh niên thì hoạt động hỗ trợ cho đêm hoa đăng khó có thể kéo dài hằng năm, hằng tháng.

Theo lời giới thiệu của Bí thư Đoàn Thanh niên thị xã Quảng Trị Trần Thị Thanh Thủy, chúng tôi có dịp gặp gỡ, chuyện trò với anh Cáp Phạm Phi Bằng, Bí thư Đoàn Thanh niên Phường 2.

Bằng cho biết, đối với anh cũng như các cán bộ đoàn, đoàn viên, thanh niên khác việc góp sức trẻ cho đêm hoa đăng là một nhiệm vụ từ trái tim. Sinh ra, lớn lên trên mảnh đất Thành Cổ, từ nhỏ, Phi Bằng đã được ba mẹ, thầy cô căn dặn luôn khắc ghi đạo lý: “Uống nước nhớ nguồn”.

Bằng cũng biết, trong những năm tháng chiến tranh, dòng sông Thạch Hãn đã trở thành nơi yên nghỉ của hơn 4.000 anh hùng liệt sĩ chiến đấu bảo vệ Thành Cổ. Máu xương của các anh đã hòa vào lòng đất, dòng sông. Hôm nay, việc góp sức trẻ để triển khai các hoạt động tri ân, đặt biệt là thắp sáng những chiếc hoa đăng là không thấm thía gì so với những mất mát, hy sinh của lớp người đi trước.

“Bến thả hoa bờ Nam sông Thạch Hãn nằm trên địa bàn Phường 2. Đến giờ, tôi không thể nhớ hết số đêm hoa đăng mình tham gia. Tuy nhiên, một điều chắc chắn là tôi luôn cố gắng để không vắng mặt buổi nào. Tôi rất vui khi bên cạnh mình có rất nhiều đoàn viên, thanh niên đầy nhiệt huyết khác”, Phi Bằng nói.

Đối với các đoàn viên, thanh niên, hỗ trợ công tác tổ chức, thắp sáng những chiếc hoa đăng là việc làm nhỏ, “không có gì đáng kể”. Thế nhưng, thực tế không phải lúc nào cũng vậy. Có những buổi các đoàn viên, thanh niên phải thắp sáng hàng ngàn chiếc hoa đăng và vất vả giữ từng chiếc không bị tắt. Sau hoạt động, ai nấy cũng đầm đìa mồ hôi.

Bí thư Đoàn Thanh niên Phường 3, thị xã Quảng Trị Trần Thị Ngọc Trâm chia sẻ: “Đoàn Thanh niên Phường 3 có 8 chi đoàn với 40 đoàn viên, thanh niên. Vì vậy, việc huy động tổng lực anh em để tham gia các hoạt động, phong trào nói chung, chương trình đêm hoa đăng tri ân các anh hùng liệt sĩ nói riêng vốn không dễ. Để giải quyết bài toán khó này, đoàn phường đã huy động thêm đoàn viên, thanh niên, đội viên ở các trường học. Nhờ các bạn mà đoàn phường chưa bao giờ thiếu lực lượng so với chỉ tiêu mà đoàn cấp trên đề ra”, chị Trâm nói.

Nhắc đến đêm hoa đăng tri ân các anh hùng liệt sĩ, Bí thư Thị ủy Quảng Trị Văn Ngọc Lãm từng ví hình ảnh mỗi chiếc hoa đăng thả xuống dòng Thạch Hãn với một nén tâm hương của thế hệ hôm nay gửi đến những người đã hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Hoa đăng cũng là hình ảnh sinh động, thể hiện khát vọng hòa bình. Thật ý nghĩa biết bao khi người thắp lên những chiếc hoa đăng là các bạn trẻ sinh ra, lớn lên trên mảnh đất Thành Cổ. Họ đã thắp sáng hoa đăng bằng ngọn lửa tri ân cháy bỏng trong trái tim mình.

Quang Đăng

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/thap-sang-ngon-lua-tri-an-tren-dong-thach-han-187138.htm