Thắp sáng ngọn lửa truyền thống

Đó là ý nghĩa của Triển lãm tài liệu lưu trữ kết hợp trao trả hồ sơ cán bộ đi B diễn ra vào sáng 17-4 tại khuôn viên Bảo tàng tỉnh Gia Lai.

Chương trình do UBND tỉnh phối hợp với Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước tổ chức nhân kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025).

Tham dự chương trình có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch; Phó Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy Phạm Huy Toàn; Phó Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Rơ Chăm La Ni cùng đại diện HĐND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị, địa phương trong tỉnh. Tham dự chương trình còn có ông Phạm Ngọc Hưng-Phó Giám đốc Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II và đại diện Trung tâm Lưu trữ lịch sử các tỉnh: Kon Tum, Phú Yên, Bình Định, Đắk Lắk, Đắk Nông. Đặc biệt, chương trình có sự hiện diện của 11 cán bộ đi B và thân nhân của 22 cán bộ đi B đang sinh sống trên địa bàn tỉnh.

Bảo tồn và lan tỏa giá trị lịch sử

Phát biểu khai mạc chương trình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch khẳng định: Triển lãm là cơ hội để cùng ôn lại những trang sử hào hùng qua các tài liệu lưu trữ và kỷ vật thiêng liêng được bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia. Những kỷ vật, bức ảnh trong hồ sơ không chỉ là hình ảnh cá nhân mà còn là những khoảnh khắc lịch sử, ghi lại chân dung của những con người đã sống và cống hiến trong thời khắc gian nan nhất của dân tộc. Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhận định: “Việc triển lãm tư liệu, tài liệu, hình ảnh, kỷ vật, hồ sơ đi B là cách để chúng ta bảo tồn di sản quý giá, đồng thời lan tỏa thông điệp về lòng biết ơn và trách nhiệm gìn giữ những giá trị lịch sử ấy”.

Cũng theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh, việc tiến hành trao trả 33 hồ sơ, kỷ vật cho cán bộ, thân nhân cán bộ đi B là nghĩa cử nhân văn, thể hiện lòng biết ơn sâu sắc của Đảng, Nhà nước và Nhân dân đối với những cống hiến thầm lặng. Mỗi kỷ vật, hồ sơ, bức ảnh được trao đi là một ký ức được khơi dậy, một ngọn lửa truyền thống được thắp sáng, để thế hệ hôm nay và mai sau mãi khắc ghi công lao của các thế hệ cha anh.

 Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch trao trả hồ sơ cho các cán bộ đi B. Ảnh: P.D

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch trao trả hồ sơ cho các cán bộ đi B. Ảnh: P.D

“Kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước là dịp để chúng ta tiếp tục phát huy sức mạnh đại đoàn kết, biến lòng tri ân thành động lực cho những hành động thiết thực. Tôi kêu gọi toàn thể cán bộ, đảng viên và Nhân dân tỉnh nhà hãy chung tay chăm lo cho các gia đình liệt sĩ, người có công; bảo tồn và lan tỏa giá trị lịch sử; đồng thời nỗ lực xây dựng quê hương ngày càng văn minh, giàu đẹp”-Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh.

Cầm trên tay hồ sơ đi B của mình sau hơn nửa thế kỷ kể từ ngày gửi cho Ủy ban Thống nhất Chính phủ để lên đường vào Nam chiến đấu, ông Đinh HNan (thị trấn Đak Đoa) xúc động nói: “Tôi sẽ mang về cất giữ cẩn thận để con cháu trong nhà hiểu được những cống hiến của ông cha mình cho cách mạng, từ đó phấn đấu học tập, lao động để xây dựng quê hương đất nước”.

 Đại gia đình 4 thế hệ của ông Đỗ Xuân Quý chụp ảnh lưu niệm cùng Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch. Ảnh: P.D

Đại gia đình 4 thế hệ của ông Đỗ Xuân Quý chụp ảnh lưu niệm cùng Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch. Ảnh: P.D

Nói về lý do cùng cả đại gia đình gồm 4 thế hệ đến với buổi lễ để nhận hồ sơ đi B của cha mình là ông Đỗ Nhu (SN 1924), ông Đỗ Xuân Quý-Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP. Pleiku-cho biết: “Tôi đưa cả mẹ, vợ, con và các cháu đến đây là để ai cũng hiểu được truyền thống cha ông, để con cháu tiếp bước xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam ngày càng trường tồn, bền vững. Thật tự hào, xúc động khi được nhận lại những hồ sơ, kỷ vật của ba tôi, được nhìn lại nét chữ thân thương, quen thuộc của ba tôi năm nào. Tất cả khiến lòng tôi trào dâng những cảm xúc mãnh liệt. Mong cho tất cả các cán bộ đi B cũng như thân nhân cán bộ đi B chưa được nhận lại hồ sơ trong đợt này thì sẽ được nhận trong những đợt tiếp theo”.

Thêm tự hào về lịch sử đất nước

Sau lễ trao trả hồ sơ đi B, các đại biểu và cán bộ, thân nhân cán bộ đi B đã cùng tham quan Triển lãm tài liệu lưu trữ với chủ đề: “50 năm độc lập, thống nhất đất nước: Trỗi dậy miền đất bazan”. Triển lãm diễn ra từ ngày 17 đến hết 30-4-2025 với 2 phần nội dung: “Đi qua khói lửa chiến tranh” và “Vươn lên giữa đại ngàn”. Hơn 300 tư liệu, tài liệu, hình ảnh và kỷ vật đã giới thiệu đến công chúng về quá trình kháng chiến, kiến quốc của quân dân Gia Lai từ sau khi Hiệp định Genève năm 1954 được ký kết cho đến ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; tài liệu hình ảnh về quá trình hoạt động của Đảng bộ, chính quyền Gia Lai trong lãnh đạo Nhân dân xây dựng quê hương; những thành tựu tiêu biểu trong 50 năm phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh…

Không chỉ mang giá trị về tư liệu với các hiện vật quý mang khát vọng cháy bỏng về một đất nước hòa bình như thư từ, kỷ vật cán bộ đi B, triển lãm còn thu hút khách tham quan bởi sự công phu, sáng tạo trong khâu trưng bày, trang trí. Đó là chiếc xe đạp thồ, là cây thư mục mang hình chữ S thân thương của đất nước, là các “hộp ký ức” chứa đựng những câu chuyện sống động của lịch sử một thời… được trưng bày đẹp mắt, trang trọng giữa không gian xanh mát.

Nhiều người xem cũng bất ngờ trước sự xuất hiện của mô hình chiếc xe tăng M41 số hiệu 021 với tỷ lệ gần bằng nguyên mẫu, do cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn Tăng 273 (Quân đoàn 34) phối hợp với Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh phục dựng. Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, kíp xe tăng 021 đã chiến đấu anh dũng, bắn cháy 7 xe bọc thép của địch, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Với chiến công đặc biệt xuất sắc, ngày 16-12-2014, kíp xe 021 đã được Chủ tịch nước ký quyết định tuyên dương danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

 Các em học sinh hào hứng tìm hiểu về hiện vật trưng bày tại triển lãm. Ảnh: P.D

Các em học sinh hào hứng tìm hiểu về hiện vật trưng bày tại triển lãm. Ảnh: P.D

Cùng bạn bè đến tham quan triển lãm, em La Thị Bảo Ngọc (lớp 10B5, Trường THPT Lê Lợi, TP. Pleiku) chia sẻ cảm giác bồi hồi khi nhìn ngắm các hồ sơ, kỷ vật của cán bộ đi B, từ đó càng thêm tự hào về lịch sử đất nước. “Em muốn nhắn nhủ đến các bạn rằng, ngày nay, chúng ta đang được sống trong một đất nước hòa bình, được hạnh phúc, vui vẻ thì chớ quên đi sự cống hiến của ông cha, những người đã anh dũng chiến đấu để chúng ta có được ngày hôm nay”-Ngọc chia sẻ.

Hạnh phúc hơn cả khi có mặt trong không gian tràn ngập hoài niệm và sự tri ân chính là những cán bộ đi B ngày nào. Bà Nguyễn Thị Kim Liên (TP. Pleiku) ngâm ngợi mấy câu thơ tự sáng tác để bày tỏ niềm cảm khái sau 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước: “Những người đồng chí của tôi/Trải qua trận mạc đang ngồi bên nhau/Thời gian đã bạc mái đầu/Vẫn còn nhớ mãi hát câu quân hành”.

Không có gì bị lãng quên, nhất là sự cống hiến đến quên mình của một thế hệ can trường trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, làm nên mùa xuân đất nước.

PHƯƠNG DUYÊN

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/thap-sang-ngon-lua-truyen-thong-post319356.html