Thắp sáng niềm tin từ những lớp xóa mù chữ

Gác lại những bận rộn, 19 giờ 30 phút, các học viên của lớp xóa mù chữ tại điểm văn hóa thôn Pèng 2, xã Hợp Thành (thành phố Lào Cai) bắt đầu lên lớp. Được mở từ tháng 4/2019, lớp có 20 học viên nữ đến từ các thôn Pèng 1, 2, 3, trong đó phần lớn là bà con dân tộc Tày. Ở lớp học này có một điều đặc biệt, đó là nhiều người tuổi đã cao, mắt đã mờ, nên để nhìn sách, nhìn bảng, hơn một nửa học viên trong lớp đeo kính lão.

Lớp xóa mù chữ ở thôn Pèng.

Lớp xóa mù chữ ở thôn Pèng.

Tuổi cao, mắt kém, cô Nguyễn Thị Hặn, học viên cao tuổi nhất lớp (sinh năm 1963) vừa dò ngón tay chai sạn lên từng dòng chữ, vừa đọc cho chúng tôi nghe bài tập đọc trong sách giáo khoa. Cô tâm sự: Mới đầu được cô giáo vận động đi học, tôi ngại lắm vì mình già rồi, gia đình ở nông thôn cũng nhiều việc. Về sau, khi đi học, tôi thấy vui vì đã có thể nhận và đọc được mặt chữ, làm các phép tính. Dù bận việc gia đình nhưng tôi luôn cố gắng để lên lớp đầy đủ.

Tương tự, chị La Thị Mặc (sinh năm 1975) ở thôn Pèng 1 cũng là học viên chăm chỉ của lớp. Chị cho hay: Chồng tôi thường xuyên giúp đỡ việc nhà để tôi yên tâm đến lớp. Giờ đây, tôi đã có thể đọc được thông tin trên tờ lịch, trên bao bì sản phẩm... Ngoài việc biết chữ, việc lên lớp cũng giúp tôi rèn luyện sự tự tin trong giao tiếp và cuộc sống thường ngày.

Cũng như nhiều nơi khác, các học viên của lớp xóa mù chữ ở thôn Pèng đều ngày ngày bận việc nhà nông, đến tối họ lại tạm gác việc nhà, mang sách, bút đến lớp học chữ. Thấu hiểu những khó khăn đó, giáo viên phụ trách lớp Đỗ Thị Toan luôn gần gũi, sát sao với việc học của học viên. Theo cô Toan, dù còn nhiều khó khăn, song các học viên đều cố gắng đi học đầy đủ, ý thức tự giác trong việc học tương đối cao. Với những học viên tuổi cao, mắt kém, nhận thức chậm đều được cô tận tình hướng dẫn, chỉ dạy.

Đây chỉ là 1 trong 3 lớp xóa mù chữ đang được triển khai ở xã Hợp Thành và là 1 trong số 6 lớp xóa mù chữ được tổ chức trên địa bàn thành phố Lào Cai theo kế hoạch năm 2019.

Thời gian qua, việc triển khai thực hiện Đề án “Xóa mù chữ và giáo dục sau khi biết chữ” giai đoạn 2015 - 2020 trên địa bàn thành phố Lào Cai luôn được các cấp, ngành quan tâm. Ông Ngô Vũ Quốc, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Lào Cai cho biết: Hằng năm, Phòng Giáo dục và Đào tạo đều tham mưu với Ban Chỉ đạo phổ cập giáo dục, UBND thành phố xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện công tác xóa mù chữ phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Trong quá trình thực hiện, công tác tuyên truyền, điều tra, tổng hợp và vận động người dân tham gia các lớp học xóa mù chữ được các cấp, các ngành quan tâm, gắn thực hiện nhiệm vụ xóa mù chữ với việc xây dựng xã hội học tập, quan tâm đến đối tượng là nữ, người dân tộc thiểu số. Kịp thời tuyên dương những tập thể, cá nhân có nhiều thành tích trong công tác phổ cập giáo dục và xóa mù chữ. Cùng với đó, công tác kiểm tra, đôn đốc được tăng cường theo hướng trọng tâm, thiết thực, nội dung và cách thức kiểm tra sâu sát, cụ thể.

Nhiều học viên lớp xóa mù chữ ở thôn Pèng đến lớp khi tuổi đã cao.

Nhiều học viên lớp xóa mù chữ ở thôn Pèng đến lớp khi tuổi đã cao.

Qua 3 năm (2015 - 2017), đã có 540 người hoàn thành chương trình xóa mù chữ. Năm 2018, thành phố mở 7 lớp xóa mù chữ với tổng số 131 học viên. Năm 2019, thành phố dự kiến mở 6 lớp với 120 học viên. Đến nay, số người trong độ tuổi cần xóa mù chữ và giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ trên địa bàn thành phố Lào Cai là 1.136 người, trong đó 300 người mù chữ mức độ 1; 836 người mù chữ mức độ 2. Số người biết chữ trong độ tuổi từ 15 đến 60 đạt 98,91%; tỷ lệ người mù chữ giảm còn 1,09%.

Để có kết quả này, không thể không kể đến sự vào cuộc của hệ thống chính trị trong việc quan tâm, tham gia hiệu quả vào công tác xóa mù chữ nói riêng và công tác giáo dục nói chung trên địa bàn thành phố. Bên cạnh việc nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ giáo viên, công tác xã hội hóa giáo dục trên địa bàn cũng được đẩy mạnh, huy động sự tham gia của toàn xã hội. Thành phố Lào Cai hiện duy trì vững chắc và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi; 17/17 xã, phường đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3; 14/17 xã, phường đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 3; 16/17 xã, phường đạt chuẩn phổ cập giáo dục xóa mù chữ mức độ 2.

Có thể nói, những lớp xóa mù chữ đã giúp nhiều người, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số thực hiện được mong muốn đến lớp học chữ, thắp niềm tin về ngày mai tươi sáng. Những lớp học đặc biệt này giúp nâng cao trình độ dân trí, kéo gần khoảng cách giữa các vùng, gắn kết công tác xóa mù chữ với việc xây dựng xã hội học tập, góp phần thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Quỳnh Trang

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/xa-hoi/thap-sang-niem-tin-tu-nhung-lop-xoa-mu-chu-z5n20190909080355274.htm