Thắp sáng niềm tin và khát vọng vươn lên

LTS: Từng là một trong những huyện nghèo nhất cả nước, tới nay, sau 12 năm (2009-2021) đồng hành cùng Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) triển khai Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo (Nghị quyết 30a), bộ mặt nông thôn ở 3 huyện vùng cao Than Uyên, Tân Uyên, Phong Thổ của tỉnh Lai Châu đã có nhiều khởi sắc.

Sự chung tay của EVN không chỉ giúp cải thiện đời sống người dân trên địa bàn mà còn góp phần quan trọng cùng chính quyền tỉnh Lai Châu củng cố niềm tin của nhân dân vào các chính sách lớn của Đảng, Nhà nước, thắp sáng niềm tin và khát vọng vươn lên của đồng bào ở những vùng xa xôi, khó khăn nhất.

Bài 1: Mang “cần câu” tặng đồng bào

Với tổng kinh phí gần 1.000 tỷ đồng trong giai đoạn 2009-2021, EVN đã hỗ trợ đắc lực để các huyện Than Uyên, Tân Uyên, Phong Thổ (Lai Châu) giảm nghèo nhanh và bền vững, nâng cao chất lượng giáo dục, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của người dân địa phương. Cuộc sống ấm no đang hiện hữu tại những vùng cao xa xôi của Tổ quốc là minh chứng rõ nét cho hiệu quả trong việc thực hiện Nghị quyết 30a tại Lai Châu.

Giúp học sinh vững bước đến trường

Những ngày cuối tháng 3, chúng tôi ngược về các huyện vùng cao Than Uyên, Tân Uyên, Phong Thổ-vùng đất cực Tây xa xôi của Tổ quốc. Rong ruổi trên những cung đường đồi núi quanh co, uốn lượn được trải nhựa kiên cố, phóng tầm mắt theo những cánh rừng xanh ngút ngàn, ngắm nhìn những thửa ruộng bậc thang, nương ngô, nương lúa xanh mát mắt. Không hiếm để bắt gặp những nếp nhà kiên cố, cao tầng, mái xanh, mái đỏ giữa núi rừng Lai Châu hùng vĩ.

Dẫn chúng tôi tham quan khuôn viên mới của Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Hoang Thèn, huyện Phong Thổ, thầy Nguyễn Đức Giỏi, Hiệu trưởng nhà trường phấn khởi cho biết, trước đây, các em phải học trong ngôi trường thiếu thốn đủ bề. Trường cũ không có khu nhà bán trú nên các em phải ăn ngủ tại lớp học. Việc tổ chức dạy và học phải nhờ trong dân. Thầy cô luôn trong tình trạng lo lắng các em bỏ trường, bỏ lớp. Chính vì vậy, từ cuối tháng 12-2020, khi chuyển sang ngôi trường mới khang trang với dãy nhà 2 tầng, 21 phòng học do Nhà nước đầu tư, cùng với dãy nhà bán trú do EVN đầu tư gồm 5 phòng đã tạo điều kiện cho gần 500 học sinh có điều kiện học tập tốt hơn; góp phần duy trì sĩ số lớp học, tạo niềm tin cho các bậc phụ huynh vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn vào chính sách của Đảng, Nhà nước đã đưa ra.

 EVN hỗ trợ người dân huyện Tân Uyên máy cày để phục vụ sản xuất nông nghiệp. Ảnh: UYÊN CHÂU

EVN hỗ trợ người dân huyện Tân Uyên máy cày để phục vụ sản xuất nông nghiệp. Ảnh: UYÊN CHÂU

Trong suốt thời gian qua, những lớp học mới khang trang cứ thế được EVN dần hoàn thành. Giai đoạn 2009-2021, EVN đã hỗ trợ 3 huyện Phong Thổ, Than Uyên, Tân Uyên xây dựng 56 “nhà bán trú dân nuôi”, với tổng kinh phí 28,6 tỷ đồng. Tập đoàn cũng hỗ trợ xây dựng nhà trẻ, nhà mẫu giáo cho 24 điểm trường với tổng giá trị là 21,1 tỷ đồng; xây dựng 4 trường dân tộc nội trú và bán trú với tổng kinh phí 40,5 tỷ đồng. Các hoạt động hỗ trợ của EVN đã giúp cho khoảng 9.000 học sinh mỗi năm được sử dụng điều kiện cơ sở vật chất tốt hơn, nâng cao chất lượng giáo dục cho các trường học ở vùng sâu, vùng xa.

Song song với việc hỗ trợ cơ sở vật chất, EVN cũng đã mở các lớp đào tạo nghề điện cho 59 học sinh là con em các hộ nghèo, hộ gia đình chính sách đáp ứng tiêu chuẩn về trình độ văn hóa. Sau khi tốt nghiệp, căn cứ theo nguyện vọng của các em, EVN đã tiếp nhận 21 học sinh vào làm việc tại các đơn vị trong ngành. Là một trong những học sinh được thụ hưởng chương trình đào tạo nghề, anh Phùng A Cung, hiện đang là trực chính của Nhà máy Thủy điện Bản Chát (Công ty Thủy điện Huội Quảng-Bản Chát) chia sẻ, ngày đó, hoàn cảnh gia đình tôi vô cùng khó khăn, ước mơ học cao đẳng, đại học thực sự quá xa vời. Rất may, năm 2010, tôi được ngành điện hỗ trợ đi học; khi tốt nghiệp được tạo công ăn việc làm, thu nhập ổn định, được ở gần gia đình.

Bên cạnh các chương trình hỗ trợ chính, EVN còn triển khai các hoạt động hỗ trợ về y tế, ủng hộ đồ dùng thiết yếu cho các em học sinh bán trú, như: Mua bảo hiểm y tế cho 4.278 học sinh trong 3 năm học 2009-2011; trao quà cho các hộ gia đình khó khăn, gia đình chính sách, học sinh trường bán trú; tặng tủ sách cho 21 trường học bán trú; phát thuốc, tặng quà, tặng chăn ấm cho các hộ nghèo, hộ gia đình chính sách và trao học bổng tặng các em học sinh nghèo vượt khó; tặng cột cờ, bể nước cho các trường học vùng sâu, vùng xa; lắp đặt, sửa chữa mạng điện cho các hộ dân...

Nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả

Không chỉ hỗ trợ nâng cao chất lượng giáo dục, trong suốt những năm qua, EVN đã đồng hành cùng bà con vùng cao Lai Châu phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp, hỗ trợ cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp, góp phần nâng cao thu nhập của người dân.

Đối với ông Hà Văn Cán, bản Phiêng Phát 1, xã Trung Đồng, huyện Tân Uyên, việc được EVN tặng một chiếc máy cày năm 2014 như giấc mơ có thật. Ngoài việc tiết kiệm thời gian, công sức trong sản xuất, gia đình ông còn có thêm thu nhập từ việc cày thuê ruộng của bà con. Không chỉ vươn lên thoát nghèo, giờ đây, gia đình ông đã xây được ngôi nhà hai tầng kiên cố với đầy đủ ti vi, tủ lạnh, internet.

Có thể thấy, nhờ sự hỗ trợ của EVN, chính quyền 3 huyện Tân Uyên, Than Uyên, Phong Thổ đã nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả. Điển hình như mô hình nuôi cá, nuôi gà, vịt, sản xuất rau an toàn, sản xuất ngô vụ đông... Đánh giá hiệu quả của Nghị quyết 30a tại huyện Than Uyên, ông Nguyễn Văn Thăng, Phó chủ tịch UBND huyện cho rằng, việc triển khai Nghị quyết 30a của EVN tại huyện Than Uyên đã tác động tích cực đến đời sống nhân dân; kết cấu hạ tầng cơ sở, các chương trình, dự án đầu tư đã phát huy hiệu quả. Đặc biệt, các mô hình hỗ trợ sinh kế khuyến nông, khuyến lâm được EVN triển khai đều phù hợp với nguyện vọng, nhu cầu thực tế của bà con. Thông qua các mô hình, các hộ nghèo, cận nghèo, các hộ đồng bào dân tộc thiểu số được tiếp cận khoa học, kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi; nắm được các quy trình sản xuất. Đến nay, các mô hình đã giúp bà con thay đổi tư duy sản xuất từ nhỏ lẻ, tự túc chuyển dần sang sản xuất theo hướng hàng hóa... Với sự hỗ trợ của EVN, năm 2018, huyện Than Uyên chính thức thoát khỏi danh sách các huyện nghèo.

Thực hiện Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ, trong giai đoạn 2009-2021, EVN đã đầu tư gần 1.000 tỷ đồng hỗ trợ 3 huyện miền núi của tỉnh Lai Châu: Phát triển, mở rộng lưới điện nông thôn; hỗ trợ cấp điện đấu nối cho các hộ dân; xây dựng trường nội trú, nhà trẻ, nhà mẫu giáo, "nhà bán trú dân nuôi"; hỗ trợ mua bảo hiểm y tế cho các em học sinh; hỗ trợ sản xuất các mô hình sản xuất nông nghiệp, xóa nhà tạm cho các hộ chính sách, xây dựng nhà "3 cứng" (nền cứng, khung cứng, mái cứng) cho các hộ nghèo; hỗ trợ đào tạo, bố trí việc làm cho con em các hộ nghèo, đào tạo khuyến nông, khuyến lâm... Toàn tỉnh đã có 106/106 xã, phường, thị trấn được sử dụng điện lưới quốc gia, đạt tỷ lệ 100%. Số hộ có điện là 102.568/104.959 hộ, đạt tỷ lệ 97,7%.

(Còn nữa)

VŨ DUNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/thap-sang-niem-tin-va-khat-vong-vuon-len-690937