Thắp sáng nơi biên cương - Bài 1: Điểm tựa vững chắc của học sinh vùng cao

Những ngày này, hàng triệu học sinh trên cả nước, trong đó có trẻ em vùng cao, vùng biên giới đang háo hức hướng về ngày khai giảng năm học mới - Ngày toàn dân đưa trẻ đến trường.

Để tiếp sức cho học sinh nghèo, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em mồ côi ở vùng sâu, vùng xa, trên con đường “chinh phục” con chữ, có cơ hội được đến trường học tập, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đã triển khai Chương trình “Nâng bước em tới trường”, “Con nuôi đồn Biên phòng” trong toàn lực lượng. Chương trình góp phần tăng cường tình đoàn kết, gắn bó giữa cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng với chính quyền và nhân dân, góp phần tạo nguồn nhân lực cho các địa phương xây dựng, phát triển vùng biên giới ngày càng vững mạnh, củng cố vững chắc “thế trận lòng dân” bảo vệ biên cương Tổ quốc.

Phóng viên Thông tấn xã Việt Nam thực hiện 2 bài viết về chương trình nhân văn này.

Bộ đội Biên phòng Đồn Lóng Sập trong giờ bổ túc thêm kiến thức quốc phòng, an ninh cho em Tràng Thị Tro (đang học lớp 11) ở bản Phiêng Cài, xã Lóng Sập, huyện Mộc Châu. Ảnh: Trọng Đức/TTXVN

Bộ đội Biên phòng Đồn Lóng Sập trong giờ bổ túc thêm kiến thức quốc phòng, an ninh cho em Tràng Thị Tro (đang học lớp 11) ở bản Phiêng Cài, xã Lóng Sập, huyện Mộc Châu. Ảnh: Trọng Đức/TTXVN

Bài 1: Điểm tựa vững chắc của học sinh vùng cao

Với tình cảm gắn bó, sự tri ân sâu sắc với đồng bào các dân tộc thiểu số, thông qua những việc làm thầm lặng mà thiết thực, hiệu quả, những người lính mang “quân hàm xanh” đã và đang chắp cánh ước mơ chinh phục con chữ của các học sinh vùng cao, vùng biên giới, hải đảo trên khắp mọi miền Tổ quốc.

Sức lan tỏa mạnh mẽ

Với phương châm “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt” và tinh thần “Trao con chữ, truyền hy vọng”, năm 2016, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đã phát động, triển khai chương trình “Nâng bước em tới trường” nhằm giúp đỡ học sinh từ lớp 1 đến lớp 12 có hoàn cảnh khó khăn, con gia đình chính sách, người dân tộc thiểu số... Từ đó đến nay, toàn lực lượng đã đỡ đầu hàng nghìn học sinh với tổng kinh phí khoảng 150 tỷ đồng.

Triển khai Chương trình, các đơn vị Bộ đội Biên phòng đã linh hoạt, sáng tạo nhiều mô hình, cách làm hiệu quả như: Mô hình “Bữa sáng cho em” (Biên phòng Sơn La), “Bánh mì bộ đội” (Biên phòng Quảng Trị), “Bếp ăn tình thương” (Biên phòng Gia Lai)…

Từ thực tế nhiều cháu có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, không nơi nương tựa... mặc dù đã được hỗ trợ, giúp đỡ nhưng vẫn có nguy cơ phải bỏ học giữa chừng, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng tiếp tục phát động chương trình “Con nuôi đồn Biên phòng”. Hiện các đồn Biên phòng đang nhận nuôi 388 cháu (230 cháu nuôi tại Đồn, 158 cháu nuôi tại nhà), trong số đó có nhiều cháu con liệt sĩ, mồ côi cả cha và mẹ, mồ côi cha hoặc mẹ... Các cháu được bố trí nơi ăn nghỉ, góc học tập riêng, được bộ đội kèm cặp, giúp đỡ, bồi dưỡng trở thành người có ích cho xã hội, là lớp người kế cận tham gia giữ gìn, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia.

Chia sẻ về ý nghĩa nhân văn của Chương trình, Thiếu tướng Văn Ngọc Quế, Phó Chủ nhiệm Chính trị Bộ đội Biên phòng cho biết, Chương trình “Nâng bước em tới trường”, “Con nuôi đồn Biên phòng” có quy mô rất rộng, được triển khai tại 44 tỉnh, thành phố biên giới và tất cả các đơn vị Bộ đội Biên phòng. Để thực hiện tốt Chương trình đòi hỏi nguồn kinh phí rất lớn. Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đã vận động cán bộ, chiến sĩ tự nguyện đóng góp kinh phí và tham gia thực hiện. Bên cạnh đó, toàn lực lượng cũng tích cực phối hợp, tuyên truyền, vận động cấp ủy, chính quyền địa phương, nhà trường ở khu vực biên giới; huy động nguồn lực từ các đơn vị trong và ngoài Quân đội, doanh nghiệp, nhà hảo tâm ủng hộ kinh phí, quà tặng cho các cháu.

Với tinh thần “tương thân, tương ái”, “lá lành đùm lá rách”, nhiều tổ chức, cá nhân có lòng hảo tâm đã ủng hộ, giúp đỡ đơn vị Bộ đội Biên phòng hỗ trợ, nuôi dưỡng các cháu như: Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam, Truyền hình Quốc phòng Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Hà Nội và lãnh đạo các địa phương, các ngành... Có những Thủ trưởng Bộ đội Biên phòng nhận đỡ đầu từ 5 - 10 cháu ở địa bàn biên giới. Đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy Sơn La Lò Minh Hùng cũng nhận đỡ đầu 2 cháu ở khu vực biên giới của tỉnh…

Theo Thiếu tướng Văn Ngọc Quế, trong quá trình thực hiện, Chương trình còn một số khó khăn như: Đa số các cháu tuổi còn nhỏ, quen sinh hoạt tự do, không theo nền nếp, quy định chung của đơn vị nên mất nhiều thời gian để tuyên truyền, vận động gia đình cũng như chỉ bảo, hướng dẫn các cháu. Ở địa bàn biên giới xa xôi, đường sá đi lại khó khăn, bên cạnh thực hiện nhiệm vụ thường xuyên của đơn vị, các Đồn Biên phòng cũng phân công, bố trí cán bộ có khả năng và phù hợp để thực hiện chức năng của “người cha Biên phòng”, đưa đón đi học, tận tình chỉ dạy các cháu từ việc học tập, kỹ năng sống, giao tiếp đến nền nếp sinh hoạt hằng ngày...

Nhờ sự tin yêu của đồng bào nơi biên giới, sự đồng hành, ủng hộ các cấp, ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương, nhà trường và tổ chức, cá nhân, Chương trình "Nâng bước em tới trường”, “Con nuôi đồn Biên phòng” có sức lan tỏa mạnh mẽ, tạo hiệu ứng tích cực trong xã hội.

Góp phần phát triển biên giới bền vững

Thông tin về kết quả thực hiện Chương trình "Nâng bước em tới trường”, “Con nuôi đồn Biên phòng", Thiếu tướng Văn Ngọc Quế chia sẻ: Rất phấn khởi là kết quả học tập, rèn luyện của các cháu được đỡ đầu, hỗ trợ trong Chương trình đều được nâng lên rõ rệt, tỷ lệ đạt học sinh khá, giỏi ngày càng cao.

Theo Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, thông qua Chương trình, hơn 80 cháu học sinh nghèo, khó khăn, có nguy cơ bỏ học ở khu vực biên giới đã nỗ lực học tập, đoạt giải ở kỳ thi học sinh giỏi các cấp; gần 5.000 lượt cháu đạt danh hiệu học sinh Giỏi cấp trường; 208 cháu đỗ vào các trường Đại học, Cao đẳng, trong đó nhiều cháu đạt điểm cao.

Hiệu quả của Chương trình không chỉ thể hiện qua kết quả học tập, rèn luyện tiến bộ của các cháu mà “trái ngọt” còn là việc xây dựng, góp phần phát triển bền vững, lâu dài vùng biên giới, hải đảo. Từ việc được đỡ đầu, nuôi dưỡng, nhiều cháu có nguyện vọng sau này trở thành người lính Biên phòng. Đây chính là sự “ươm mầm - xây dựng lực lượng bảo vệ biên giới toàn dân rộng khắp” cho tương lai. Qua đó, mối quan hệ đoàn kết, gắn bó máu thịt giữa Quân đội, Bộ đội Biên phòng với nhân dân được củng cố, tăng cường, đồng thời xây dựng, củng cố “thế trận lòng dân”, nền biên phòng toàn dân vững chắc, góp phần giữ vững biên giới hòa bình, ổn định, hữu nghị, hợp tác và phát triển.

Đánh giá về Chương trình này, ông Nguyễn Văn Long, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Gia Lai khẳng định, với Chương trình “Nâng bước em tới trường”, học sinh có hoàn cảnh khó khăn được hỗ trợ sách vở, quần áo, tài chính… Không những thế, các Đồn Biên phòng trên địa bàn tỉnh còn thực hiện Chương trình “Con nuôi Đồn Biên phòng” và mô hình “Bếp ăn tình thương”. Đó là những việc làm rất ý nghĩa, nguồn động viên, chia sẻ lớn để các em thêm vững vàng, vượt qua khó khăn học tập tốt hơn. Chương trình hỗ trợ tích cực cho ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh trong việc thực hiện kế hoạch huy động và duy trì sĩ số học sinh, nâng cao chất lượng giáo dục.

Nhân rộng mô hình, điển hình tiên tiến

Từ hiệu quả thiết thực, ý nghĩa nhân văn sâu sắc của Chương trình “Nâng bước em tới trường”, “Con nuôi đồn Biên phòng”, Bộ Quốc phòng đã đề xuất Chính phủ phê duyệt Dự án “Cán bộ, chiến sĩ Quân đội nâng bước em tới trường” và giao Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng là cơ quan thường trực, phối hợp với các đơn vị tham mưu, triển khai thực hiện.

Ngay sau khi được giao nhiệm vụ, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đã tích cực, chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan và trực tiếp là Cục Kinh tế, Bộ Quốc phòng để hướng dẫn, triển khai tới tất cả các đơn vị trong Quân đội. Riêng chương trình này, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng xác định là không gắn với chương trình trước. Chương trình “Nâng bước em tới trường”, “Con nuôi Đồn Biên phòng” vẫn tiếp tục thực hiện, còn Chương trình này triển khai theo Dự án của Chính phủ.

Thực hiện Dự án, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đã tham mưu cho Bộ Quốc phòng, cho Ban Chỉ đạo hướng dẫn, phối hợp với tất cả đơn vị, địa phương, nhà trường ở địa bàn đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo khảo sát, lựa chọn đối tượng thụ hưởng. Sau đó, tiếp tục tuyên truyền, vận động đến các cấp, ngành, địa phương để chương trình đạt hiệu quả cao nhất, thiết thực nhất.

Các đơn vị phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương, nhà trường, gia đình quan tâm, chăm lo, động viên, định hướng nghề nghiệp để các cháu nỗ lực học tập, vươn lên; có kế hoạch lựa chọn, bồi dưỡng, đào tạo học sinh có thành tích học tập tốt để xây dựng nguồn cán bộ cho địa phương.

Bộ đội Biên phòng cũng tích cực tham mưu cho các địa phương định hướng nghề nghiệp, định hướng phát triển cho các cháu; gắn thực hiện Dự án với các phong trào, mô hình, chương trình giúp dân phát triển kinh tế - xã hội, với phương châm “thực tâm, thực chất, trách nhiệm, hiệu quả”.

Ngoài ra, Bộ đội Biên phòng có kế hoạch phối hợp với các cấp, ngành biểu dương, tôn vinh tập thể, cá nhân, các cháu có thành tích tốt, đặc biệt là nhân rộng mô hình, điển hình tiên tiến trong thực hiện Chương trình.

Bài cuối: Nhân lên những niềm vui

TTXVN/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/xa-hoi/thap-sang-noi-bien-cuong-bai-1-diem-tua-vung-chac-cua-hoc-sinh-vung-cao-20230904090703485.htm