Thấp thỏm khi giá USD tăng mạnh
Thời gian gần đây, tỷ giá USD tăng mạnh so với VNĐ đã tác động không nhỏ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp (DN), đặc biệt là các DN nhập khẩu.
Nhiều mặt hàng phải nhập khẩu hoặc có nguyên phụ liệu phải nhập khẩu đã tăng giá hoặc đang chịu áp lực tăng giá không nhỏ.
* Giá USD lập đỉnh, DN lo nhiều hơn vui
Tỷ giá USD liên tục có nhiều biến động trong thời gian qua khiến cho Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam đã nâng giá bán USD 6 lần kể từ đầu năm 2022 đến nay. Mới đây nhất, vào ngày 24-10, tỷ giá USD trung tâm được NHNN Việt Nam công bố tiếp tục tăng thêm 12 đồng/USD trong phiên mở đầu tuần mới ở mức 23.700 đồng/USD. Đây là lần thứ 4 liên tiếp giá USD tăng trong vòng 1 tháng trở lại đây.
Tỷ giá tham khảo được niêm yết tại sở giao dịch NHNN vào sáng 24-10 tăng mạnh 490 đồng, lên mức 24.870 đồng/USD. Đây là mức giá cao kỷ lục trong thời gian qua. Tại các ngân hàng thương mại, giá USD tiếp tục giao dịch ở mức cao, có thời điểm giá bán USD tăng kịch trần, dao động mua vào - bán ra khoảng 24.410-24.870 đồng.
Theo nhiều chuyên gia, biến số tỷ giá USD sẽ tác động đến các khoản vay của các DN, cũng như trực tiếp ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của nhóm các DN về xuất, nhập khẩu.
Chủ tịch Hội Xuất nhập khẩu Đồng Nai Nguyễn Tiến Chương chia sẻ, phần lớn các giao dịch xuất khẩu của nhiều DN là bằng đồng USD. Khi giá USD tăng mạnh thì hoạt động nhập khẩu nhiều mặt hàng, nguyên vật liệu của các DN phải gánh thêm một khoản chi phí để bù đắp khoản chênh lệch do biến động này. Ở chiều ngược lại, về lý thuyết, các DN xuất khẩu có thể hưởng lợi khi đồng USD tăng giá. Tuy nhiên, trên thực tế, hiện nay hoạt động xuất khẩu của nhiều DN cũng gặp nhiều khó khăn, đơn hàng sụt giảm trước tình hình lạm phát đang diễn ra tại nhiều quốc gia.
Tương tự, Giám đốc Công ty TNHH Nam Long (H.Long Thành) Lê Bạch Long cho hay, thời gian qua, tỷ giá USD tăng mạnh, trong khi tỷ giá nhiều ngoại tệ khác lại “trượt giá” so với giá USD. Điều này tác động tới giá nhập khẩu nguyên liệu đầu vào, cũng như các khoản vay ngoại tệ của DN. Bên cạnh đó, khi giá USD tăng cũng khiến cho nhiều thị trường xuất khẩu bị biến động, nhiều đối tác nước ngoài gặp khó khăn, đề nghị giảm giá mua hàng. Do đó, công ty phải cân đối lại giá bán khi xuất khẩu.
* Nhiều tác động tới thị trường trong nước
Trước diễn biến tỷ giá USD có nhiều biến động, nhiều mặt hàng phải nhập khẩu hoặc có nguyên phụ liệu phải nhập khẩu đang phải chịu áp lực tăng giá.
Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty CP Tổng công ty May Đồng Nai (TP.Biên Hòa) Bùi Thế Kích cho biết, tỷ giá ngoại tệ có nhiều biến động, nhất là khi giá USD tăng mạnh đã tác động tới hoạt động kinh doanh của công ty, trong đó giá nhiều loại nguyên vật liệu đầu vào có xu hướng tăng theo giá USD. Trong khi đó, tình hình xuất khẩu gặp nhiều khó khăn, số lượng đơn hàng hiện nay giảm khoảng 20% so với cùng kỳ năm ngoái do sức mua tại nhiều thị trường giảm, vì tình hình lạm phát, người dân ở các nước này ngày càng thắt chặt chi tiêu.
Đối với thị trường trong nước, khi tỷ giá USD tăng mạnh, nhiều mặt hàng nhập khẩu sẽ phải cộng thêm chênh lệch tỷ giá hoặc bị tác động theo giá USD. Đơn cử như các mặt hàng như: gas, xăng, dầu…, bởi đây là những mặt hàng thường được giao dịch bằng đồng USD hoặc các DN nhập khẩu vay vốn bằng USD để có vốn nhập hàng về.
Nhiều mặt hàng tiêu dùng, mặt hàng điện tử, điện thoại, máy tính bảng, laptop… được dự báo cũng sẽ tăng giá theo USD khi nhập mới về trong thời gian tới, đặc biệt là dòng sản phẩm điện thoại iPhone 14 đang “hot” trên thị trường.
Ngoài ra, nhiều hoạt động kinh doanh của các công ty du lịch với các tour nước ngoài cũng sẽ bị ảnh hưởng khi tỷ giá USD tăng cao.
Chị Trần H.T., chủ một shop chuyên order (đặt) hàng Mỹ online ở P.Tân Biên (TP.Biên Hòa) cho biết, bán hàng nhập khẩu đã hơn 5 năm nhưng đây là lần đầu tiên chị thấy giá USD biến động liên tục theo chiều hướng tăng từng ngày. Trong khi đó, việc nhận order hàng Mỹ ngoài giá bán sản phẩm còn bao gồm các loại phí dịch vụ, phí chuyển đổi ngoại tệ (thanh toán bằng thẻ visa), phí thông quan, bảo hiểm hàng hóa, phí vận chuyển…, tất cả đều phụ thuộc vào tình hình tỷ giá USD, giá USD thấp thì giá sản phẩm thấp và ngược lại. Mặc dù mỗi loại phí trên không cao nhưng nếu khách hàng mua nhiều sản phẩm hoặc mua sản phẩm có giá trị cao thì cũng tác động không nhỏ đến tổng giá đơn hàng.
“Khi tỷ giá tăng cao chắc chắn sẽ tác động đến hàng tiêu dùng nhập khẩu, nhất là ở thời điểm cuối năm nhu cầu mua sắm, tiêu dùng tăng mạnh. Gần đây, tỷ giá USD tăng cao nên lượng khách chốt đơn ở cửa hàng ít hơn hẳn, đa phần khách hàng hỏi giá xong đều nói chờ “hạ nhiệt” mới mua. Trong khi đó, mùa Tết đang cận kề, tôi cũng không dám “ôm hàng” Tết như năm ngoái, bởi nếu tăng giá theo đà USD thì sức mua chững lại, còn không tăng giá thì chắc chắn lỗ” - chị H.T. bộc bạch.
Bà Ngọc Dung (ngụ P.Quyết Thắng, TP.Biên Hòa) có con đang du học tại Mỹ cho biết, năm nay bà dự trù chi hơn 800 triệu đồng/năm bao gồm học phí, nhà ở, sinh hoạt phí cho con. Tuy nhiên, trước tình hình tỷ giá USD tăng cao, số tiền này có thể sẽ đội lên gần 1 tỷ đồng/năm học đại học của con bà vì chi phí ở Mỹ đắt đỏ và tất cả đều phải trả bằng USD.
“Trước giờ, việc lên xuống tỷ giá giữa các loại tiền tệ là bình thường nhưng chưa khi nào biến động khó lường như hiện nay, nhất là khi đồng USD tăng mạnh mà đây còn là loại tiền tệ chủ chốt trên thế giới. Điều này gây ảnh hưởng nhiều với những gia đình có con đi du học hay sắp đi du lịch ở Mỹ và các hoạt động xuất nhập khẩu phải dùng đến USD” - bà Dung chia sẻ.
Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/kinhte/202210/thap-thom-khi-gia-usd-tang-manh-3141419/