Thấp thỏm lo sạt lở dưới chân núi Cà Mon
Nhiều năm qua, cứ vào mùa mưa bão, những hộ dân sống dưới chân núi Cà Mon (thôn Nước Lăng, xã Ba Xa, huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi) lại phập phồng, lo sợ trước nguy cơ sạt lở núi có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Mùa mưa năm 2019, núi Cà Mon (thôn Nước Lăng, xã Ba Xa, huyện Ba Tơ) đã xuất hiện 3 vết nứt lớn, hiện các vết nứt ngày càng dài và rộng thêm. Nhiều nhà dân sống cách chân núi chỉ khoảng 100m.
Theo ghi nhận của PV, tại những vết nứt núi Cà Mon nguy cơ xảy ra sạt lở rất cao. Thực tế tại hiện trường các vết nứt kéo dài cả chục mét với độ sâu từ 5-7 mét, nên việc di dời, tái định cư cho các hộ dân nơi đây là rất cấp thiết.
Dưới chân núi Cà Mon hiện có khoảng 11 hộ dân với 54 nhân khẩu là người đồng bào dân tộc Hrê sinh sống. Suốt gần 4 năm qua, người dân sống dưới chân núi luôn trong cảnh thường trực lo lắng, bất an.
Cứ đến mùa mưa bão, ngọn núi này có thể sạt lở, đổ ập bất cứ lúc nào. Vào ban đêm người dân không dám ngủ, ngày không dám ở trong nhà. Đã nhiều lần người dân phải bế con, ôm tài sản chạy lánh nạn trong đêm.
Dù biết nguy hiểm, nhưng những hộ dân nơi đây đành chấp nhận sống chung và chờ chính quyền hỗ trợ tái định cư. Bởi hầu hết những hộ dân này đều có cuộc sống khó khăn, không đủ điều kiện tự mua đất, dựng nhà ở nơi khác.
Ông Phạm Văn Lem (trú tổ 3, thôn Nước Lăng, xã Ba Xa) cho biết, núi Cà Mon đã xuất hiện 3 vết nứt lớn cách đây gần 4 năm, hiện các vết nứt ngày càng dài ra và rộng thêm, vào mùa mưa bão nguy cơ sạt lở rất lớn.
Theo ông Lem, năm nào cũng vậy, cứ đến mùa mưa bão là gia đình ông lại trong tâm thế “bỏ của chạy lấy người”. Lo lắng hàng nghìn khối đất đá ở ngọn núi này sẽ đổ xuống vùi lấp nhà cửa của người dân trong mưa lớn, nên mùa mưa, hằng đêm bà con không dám ngủ để lỡ có chuyện còn chạy kịp.
“Đã rất nhiều lần tôi cùng các hộ dân đã phải bế con, ôm tài sản chạy lánh nạn trong đêm qua các nhà người thân ở cách đó rất xa để tránh núi lở. Chúng tôi cũng đã nhiều lần kiến nghị lên chính quyền địa phương về tình hình núi nứt. Hy vọng, trong thời gian tới người dân chúng tôi sẽ được di dời, sớm có nơi an cư để không còn phải sống trong cảnh thấp thỏm, lo âu nữa”, ông Lem nói.
Ngoài nỗi lo sạt lở, mỗi khi mùa mưa bão đến, suối Nước Lăng dâng cao, khiến 11 hộ dân sống ở dưới chân núi Cà Mon bị cô lập hoàn toàn.
Để đảm bảo an toàn tính mạng của người dân, khi có dự báo mưa lớn kéo dài, chính quyền địa phương vận động các hộ dân sơ tán đến nhà người quen, nhà văn hóa thôn hoặc trường học.
Qua kiểm tra thực tế các vết nứt tại núi Cà Mon, Chủ tịch UBND huyện Ba Tơ - ông Phạm Xuân Vinh nhận định, những vết nứt tương đối rộng, chỗ sâu nhất gần 7 mét và đang có hiện tượng mở rộng, kéo dài nên rất nguy hiểm, khả năng sạt lở cao.
“Qua kiểm tra và so sánh với các tài liệu của những năm trước cho thấy, các vết nứt này kéo dài hàng chục mét và ngày càng mở rộng thêm, có đoạn xuất hiện sụt lún đất với độ sâu từ 6-7m”, ông Vinh nói.
Để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho người dân, UBND huyện Ba Tơ giao UBND xã Ba Xa chủ động vận động bà con di dời đến nơi an toàn khi thời tiết mưa bão. Bên cạnh đó, phải đảm bảo lương thực và các nhu yếu phẩm để người dân an tâm sơ tán.
“Hiện UBND huyện Ba Tơ đang hoàn tất các thủ tục lập hồ sơ để đấu thầu, triển khai thi công xây dựng dự án khu tái định cư để sớm bố trí cho các hộ dân ở vùng có nguy cơ sạt lở núi Cà Mon giúp bà con sớm ổn định cuộc sống”, ông Vinh nói thêm.
Ông Trần Phước Hiền – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết, các địa phương đã xây dựng phương án di dời các hộ dân bị ảnh hưởng bởi sạt lở và báo cáo với tỉnh, tỉnh cũng đã thành lập đoàn kiểm tra các điểm có nguy cơ sạt lở cao.
“Tỉnh đã nhắc nhở các địa phương phải rà soát lại các phương án mang tính khả thi cao, theo phương châm 4 tại chỗ. Trước mắt phương án di dời các hộ dân ở vùng có nguy cơ sạt lở vẫn là phương án ưu tiên hàng đầu”, ông Hiền nói.
Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/thap-thom-lo-sat-lo-duoi-chan-nui-ca-mon-post1580903.tpo