Thất bại tiếng Anh trong trường phổ thông: Chỉ 69% giáo viên đạt chuẩn

Thời lượng dạy và học môn ngoại ngữ trong trường học ít, giáo viên thiếu lại chưa đạt chuẩn. Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, hiện mới chỉ có 69% giáo viên đạt chuẩn. Vì thế, muốn thúc đẩy chất lượng dạy và học bộ môn này, không chỉ các gia đình mà trường học cũng đang loay hoay với nhiều giải pháp nhưng chưa đem lại hiệu quả như mong muốn.

Năm học 2017-2018, tỉ lệ giáo viên đạt chuẩn về năng lực ngoại ngữ chỉ có 69%

Năm học 2017-2018, tỉ lệ giáo viên đạt chuẩn về năng lực ngoại ngữ chỉ có 69%

Giáo viên cũng không tự tin giao tiếp

Chị Trần Thị Phương Anh ở quận Đống Đa (Hà Nội) có hai con đang theo học phổ thông, trong đó một bạn học lớp 10, một bạn học lớp 8. Chị cho biết, dù mức lương không khá khẩm nhưng cũng đành “nhịn” nhiều khoản chi tiêu để mỗi năm đóng hơn 50 triệu đồng cho một trung tâm Anh ngữ để con được học thêm 4 buổi/ tuần. Ở trung tâm, con chị được giao tiếp 100% với giáo viên nước ngoài, chương trình có nhiều tương tác như thông qua các trò chơi, tranh biện…vì thế khả năng ngoại ngữ của con được cải thiện đáng kể.

Chị Phương Anh cho rằng, chương trình hiện nay ở nhà trường không hiệu quả vì cũ kỹ, thời lượng ít, giáo viên phát âm không chuẩn... Khi nhà trường đưa chương trình dạy học liên kết, mời giáo viên nước ngoài vào dạy, chị đã từng xin dự giờ để xem phương pháp, kỹ năng dạy học của họ. Cuối cùng, chị quyết định không đăng ký cho con học liên kết và cắt giảm chi tiêu để đầu tư tiền cho con học ở một trung tâm có tiếng.

Một giáo viên dạy ngoại ngữ ở bậc THCS ở TP HCM cho biết, ngoài chương trình học ở trường, chị vẫn phải cho con tới trung tâm học thêm để phát triển kỹ năng nghe nói, tiếp cận được giáo trình hay, hấp dẫn hơn SGK. Có hơn chục năm dạy học ngoại ngữ trong nhà trường, cô giáo này cho rằng, nguyên nhân không hiệu quả của dạy học ngoại ngữ chính là sĩ số lớp học đông, số giờ chưa đảm bảo, giáo viên chịu nhiều áp lực bài vở kiểm tra đủ loại nên họ chỉ tập trung rèn ngữ pháp để phục vụ thi cử.

“Biết học sinh không có kỹ năng nói nhưng mục tiêu lâu nay vẫn là điểm kiểm tra và các cuộc thi nên giáo viên nào cũng chăm chăm luyện ngữ pháp cho học sinh để đạt kết quả cao nhất có thể. Còn việc nói được hay không, giáo viên không có thời gian quan tâm”, giáo viên này nói.

Một thực tế khác, có không ít giáo viên dạy tiếng Anh nhưng không thể giao tiếp tự tin và thuần thục bằng chính thứ ngôn ngữ mình đang giảng dạy. Một cô giáo dạy tiếng Anh bậc THCS tại tỉnh Hà Tĩnh có thâm niên đứng lớp hơn chục năm thừa nhận, mình không thể giao tiếp bằng tiếng Anh với người nước ngoài. Bởi các giờ dạy học trên lớp chỉ gói gọn trong chương trình; giáo viên cũng không có môi trường để trau dồi.

Bà Phạm Thị Lệ Hằng, Trưởng phòng GD&ĐT quận Hà Đông (Hà Nội) thông tin, hiện nay đội ngũ giáo viên mới chỉ đảm bảo dạy học 2 tiết/ tuần. Kể cả có trường gần 2.000 học sinh nhưng đến nay mới chỉ bố trí được 2 giáo viên đứng lớp. Để thúc đẩy chất lượng dạy học ngoại ngữ cũng như tăng thời lượng, cách đây hai năm quận Hà Đông bắt đầu đưa chương trình liên kết với các trung tâm Anh ngữ vào trường học để nâng chất lượng cũng như đảm bảo thời lượng 4 tiết/ tuần.

Tuy nhiên, bà Hằng cũng thừa nhận, dạy học ngoại ngữ trong nhà trường còn khiếm khuyết khi thiếu phòng học chuyên biệt để học sinh nghe nói, môi trường học tập thụ động, giáo viên chủ yếu truyền đạt 1 chiều, trong khi ở các trung tâm lớn, họ trang bị phòng học đầy đủ chức năng để hỗ trợ học sinh học ngôn ngữ.

Chỉ 69% giáo viên ngoại ngữ đạt chuẩn

Ông Lê Hồng Vũ, Trưởng phòng GD&ĐT quận Tây Hồ (Hà Nội) cũng cho rằng, việc giáo viên ngoại ngữ không giao tiếp được bằng chính ngôn ngữ mình dạy là không phải hiếm. Bởi nếu chỉ học theo sách thôi, người giáo viên sẽ mất dần phản xạ nói. Chưa kể kiến thức, khi đào tạo 10 phần, ra trường thực tế chỉ dạy 1 phần sẽ dần mai một.

Ngay ở quận Tây Hồ, cách đây 3 năm, khi thực hiện chương trình tiếng Anh liên kết, ông đã yêu cầu tất cả giáo viên tiếng Anh phải vào đứng lớp trợ giảng cho giáo viên nước ngoài. “Ban đầu, giáo viên rất sợ nhưng sau đó cũng phải nỗ lực mới bắt nhịp và theo được. Cũng có giáo viên nhiều tuổi, không chịu trau dồi, không dám tiếp xúc với người nước ngoài, đã không được bố trí đứng lớp”, ông Vũ nói.

Ông Hoàng Đức Minh, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT) cho biết, để chuẩn bị nguồn lực cho chương trình đổi mới giáo dục phổ thông, Bộ GD&ĐT đã tổ chức rà soát, đánh giá năng lực của đội ngũ giáo viên ngoại ngữ các cấp. Hoạt động đánh giá, khảo sát năng lực giáo viên ngoại ngữ được tiến hành từ năm học 2011-2012. Kết quả, năm học 2016-2017, tỉ lệ giáo viên đạt chuẩn về năng lực ngoại ngữ đạt 53%, năm học 2017-2018 tăng lên 69%.

Với kết quả này, ông Minh khẳng định, Bộ GD&ĐT đang phối hợp với các Sở GD&ĐT tiếp tục thực hiện việc bồi dưỡng giáo viên ngoại ngữ để đảm bảo giáo viên đạt yêu cầu về năng lực ngoại ngữ thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới.

Tuy nhiên, một chuyên gia ngoại ngữ cho rằng, từ nay đến khi thực hiện chương trình GDPT mới, để đảm bảo 100% giáo viên ngoại ngữ đạt chuẩn là rất nan giải. Với cơ chế, chính sách đãi ngộ như hiện nay, những học sinh có năng lực ngoại ngữ tốt không muốn thi vào sư phạm. Trong khi tại các địa phương, giáo viên tiếng Anh tiểu học thiếu rất nhiều. Từ nay đến khi thực hiện, việc tuyển dụng và đào tạo đội ngũ đã khó, việc đào tạo bồi dưỡng đội ngũ của từng địa phương lại càng khó khăn. Vì học ngoại ngữ, không phải độ tuổi nào cũng hấp thụ tốt.

Hoạt động đánh giá, khảo sát năng lực giáo viên ngoại ngữ được tiến hành từ năm học 2011-2012. Năm học 2016-2017, tỉ lệ giáo viên đạt chuẩn về năng lực ngoại ngữ đạt 53%, năm học 2017-2018 tăng lên 69%.

Nguyễn Hà

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/giao-duc/that-bai-tieng-anh-trong-truong-pho-thong-chi-69-giao-vien-dat-chuan-1387361.tpo