Thắt chặt liên kết giữa hợp tác xã và thành viên bằng hợp đồng

Từ năm 2013, HTX được định hình là mô hình kinh tế phục vụ thành viên. Từ đây mối quan hệ giữa HTX và thành viên HTX trở thành quan hệ đối tác hợp tác. Chính điều này đã thúc đẩy HTX thay đổi theo hướng phù hợp với nhu cầu thị trường.

Hợp đồng với thành viên, HTX có vùng nguyên liệu ổn định phục vụ chế biến. Trong ảnh: Chế biến hạt sen tại HTX Nông nghiệp kinh doanh dịch vụ Hòa Đồng. Ảnh: MINH DUYÊN

Hợp đồng với thành viên, HTX có vùng nguyên liệu ổn định phục vụ chế biến. Trong ảnh: Chế biến hạt sen tại HTX Nông nghiệp kinh doanh dịch vụ Hòa Đồng. Ảnh: MINH DUYÊN

Hợp đồng hợp tác

Lần đầu tiên, HTX và thành viên HTX xác lập mối quan hệ bằng các hợp đồng gồm hợp đồng sử dụng dịch vụ, hợp đồng bao tiêu nông sản… Ông Nguyễn Văn Chín, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Hòa Thắng 2 (huyện Phú Hòa) nhớ lại: Năm 2013, khi Luật HTX năm 2012 có hiệu lực, HTX khá bỡ ngỡ với việc ký hợp đồng với thành viên. Bởi vì, thành viên HTX kế thừa từ xã viên ngày trước nên mối quan hệ có tính truyền thống không ràng buộc bằng giấy tờ hành chính. Việc phải ký hợp đồng dịch vụ với thành viên thật sự là một sự thay đổi mới có tính bước ngoặt.

Để quen với sự thay đổi này, HTX mất một thời gian củng cố lại nhân sự và hoạt động. Cho đến khi bắt nhịp được, HTX nhận thấy chính những hợp đồng giúp hợp tác giữa thành viên và HTX thêm rõ ràng, minh bạch. Từ đây, các vấn đề tài chính, công nợ, vốn vay… của HTX cũng được thực hiện một cách khoa học và bài bản hơn. Hiện HTX duy trì một số hợp đồng cơ bản với thành viên như hợp đồng vay vốn từ nguồn vốn tín dụng nội bộ, hợp đồng sử dụng các dịch vụ như cày đất, thu hoạch, vệ sinh môi trường…

HTX Sản xuất kinh doanh dịch vụ Xuân Phước (huyện Đồng Xuân) vận hành dịch vụ quản lý chợ bằng cách cho các tiểu thương kinh doanh tại chợ đăng ký diện tích chỗ ngồi và ký hợp đồng sử dụng, thuê điểm kinh doanh. Ông Nguyễn Dư, Giám đốc HTX này cho biết: Hợp đồng là để HTX quản lý số hộ kinh doanh cố định, từ đó làm cơ sở sắp xếp vị trí sao cho phù hợp với diện tích chợ và bố trí từng ngành hàng nhằm thực hiện các quy định về chống hàng giả, hàng kém chất lượng cũng như bảo đảm an toàn phòng chống cháy nổ, trộm cắp trong chợ… Đồng thời, căn cứ hợp đồng, HTX tiến hành thu phí chợ đúng theo Nghị quyết 39/NQ-HĐND, ngày 16/12/2011 của HĐND tỉnh.

Còn theo ông Trần Tấn Khoa, Giám đốc HTX Nông nghiệp An Nghiệp (huyện Tuy An), từ trước tới nay, HTX vẫn mua lúa giống, lúa thịt của thành viên làm nguyên liệu chế biến rồi đóng gói thành sản phẩm lúa giống An Nghiệp và gạo chất lượng cao Hoa Vàng để tiêu thụ trên thị trường. Trước đây, thành viên nào làm cùng thì tới đăng ký với HTX. Sau thu hoạch, HTX thu mua toàn bộ. Mọi giao dịch được thực hiện bằng miệng hoặc chỉ ghi sổ công tác hằng ngày. Sau này, thực hiện theo quy định của Luật HTX, đơn vị đã ký hợp đồng bao tiêu với thành viên ngay từ đầu vụ. Cuối vụ, hai bên căn cứ theo hợp đồng đã ký để thực hiện. Trong trường hợp có những điều chỉnh về giá, sản lượng…, HTX và thành viên cùng đàm phán lại và bổ sung nội dung vào hợp đồng. Thiết lập các giao dịch bằng hợp đồng là điều mới với HTX cũng như các đơn vị thuộc thành phần kinh tế tập thể và là điều cần thiết để cả thành viên và HTX được đảm bảo quyền lợi.

Bảo vệ lợi ích cho các bên

Thực hiện hợp đồng liên kết, thành viên HTX có thêm kênh tiêu thụ nông sản, hằng năm được chia lợi nhuận sử dụng dịch vụ, HTX có vùng nguyên liệu ổn định phục vụ chế biến, có khách hàng gắn bó… Theo ông Nguyễn Thanh Minh, Giám đốc HTX Nông nghiệp kinh doanh dịch vụ Hòa Đồng (huyện Tây Hòa), không chỉ hợp đồng tiêu thụ sen cho thành viên và bà con trong xã, HTX còn hợp đồng với các HTX khác để thu mua sen. Có như vậy, HTX mới đủ nguyên liệu phục vụ chế biến và cung cấp cho doanh nghiệp mà HTX đã ký hợp đồng cung ứng. Liên doanh liên kết bằng hợp đồng khẳng định uy tín của các đơn vị hợp tác, hơn hết nó là cơ sở pháp lý để quyền lợi của các bên được bảo vệ.

Bà Phạm Thị Mơ, thành viên HTX Nông nghiệp kinh doanh dịch vụ Hòa Đồng chia sẻ: Ký hợp đồng với HTX, thành viên được hướng dẫn sản xuất theo đúng quy trình kỹ thuật. Sau thu hoạch được HTX thu mua bằng hoặc cao hơn giá trị trường…

Theo Liên minh HTX tỉnh, thời gian đầu các HTX làm hợp đồng dịch vụ với thành viên chủ yếu để đáp ứng yêu cầu về mặt thủ tục hành chính theo quy định của luật. Đến hiện tại, nhiều HTX thấy được các lợi ích thực tế như hỗ trợ công tác tài chính kế toán, minh bạch các khoản thu chi hay cụ thể hóa được các khoản nợ, giúp giảm dần tình trạng nợ tồn đọng nhiều năm nay tại HTX. Hơn hết, hợp đồng giúp thắt chặt thêm mối quan hệ gắn bó có tính truyền thống giữa thành viên và HTX vì nó giúp tăng trách nhiệm đồng hành, hỗ trợ từ cả hai phía.

Theo Liên minh HTX tỉnh, kế thừa Luật HTX năm 2012, Luật HTX năm 2023 vẫn duy trì mô hình HTX phục vụ thành viên, trong đó khuyến khích HTX và thành viên liên kết hợp tác bằng hợp đồng. Trong đó, các hợp đồng sử dụng dịch vụ như xăng dầu, cày đất, thu hoạch, mua bán vật tư nông nghiệp… là cơ sở để thành viên được hưởng lợi nhuận theo mức độ sử dụng dịch vụ. Hợp đồng vay vốn, hợp đồng thu mua nông sản… là cơ sở để các bên có trách nhiệm thanh toán nợ, trách nhiệm đồng hành... Những điều này đang giúp HTX và thành viên nâng cao năng lực hòa nhập thị trường.

MINH DUYÊN

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/82/322802/that-chat-lien-ket-giua-hop-tac-xa-va-thanh-vien-bang-hop-dong.html