Thắt chặt quy định an toàn sau thảm họa tàu ngầm Titan: Không dễ
Vụ cả 5 hành khách trên tàu ngầm Titan thiệt mạng trong chuyến tham quan xác Titanic đã làm dấy lên lời kêu gọi về các quy định an toàn cho hoạt động du lịch mạo hiểm, tuy nhiên các chuyên gia cho rằng việc này không dễ thực hiện.
Vụ cả 5 hành khách trên tàu ngầm Titan thiệt mạng trong chuyến tham quan xác Titanic ở Bắc Đại Tây Dương vừa qua đã làm dấy lên lời kêu gọi về các quy định an toàn cho hoạt động du lịch mạo hiểm, tuy nhiên các chuyên gia cho rằng việc này không dễ thực hiện, theo hãng tin Reuters.
Nguyên nhân đầu tiên là do khu vực hoạt động của tàu ngầm Titan, hay nhiều tàu ngầm khác nằm trong vùng biển quốc tế, thế nên không có quy định nào đặt ra ở đây và cũng không có chính phủ nào kiểm soát.
Ngoài ra, công ty OceanGate - công ty sở hữu tàu ngầm Titan không đăng ký Titan là tàu Mỹ với các cơ quan quản lý an toàn quốc tế. Công ty cũng không có giấy chứng nhận kiểm định an toàn cho Titan. Đây là điều trái với quy định.
Ông Stockton Rush - Giám đốc điều hành OceanGate, người đã chết trên tàu Titan, từng nói rằng ông không muốn bị những tiêu chuẩn như vậy trói buộc.
Chủ tịch Ủy ban Thiết bị lặn có người lái thuộc Hiệp hội Công nghệ Đại dương (MTS) - ông Will Kohnen nói rằng trong số khoảng 10 tàu lặn trên thế giới có khả năng lặn tới độ sâu của tàu Titanic, chỉ Titan là chưa đăng ký chứng nhận.
Nguyên nhân kế đến khiến việc đưa ra các quy định an toàn gặp khó là vì ngành du lịch đáy đại dương bằng tàu ngầm còn khá mới, chưa có nhiều tình huống thực tế để tham khảo.
Giáo sư lịch sử Salvatore Mercogliano tại ĐH Campbell (bang North Carolina, Mỹ) so sánh ngành du lịch mạo hiểm ngày nay giống như ngành hàng không vào đầu thế kỷ 20. “Ngành hàng không khi đó còn sơ khai và cần phải có các sự cố để có thể đưa ra luật” - ông nói.
Vị chuyên gia cũng đề cập một thách thức khác khi kiểm tra các tàu ngầm tương tự Titan. Titan là một con tàu nhỏ được hạ thủy từ một con tàu khác, theo ông Mercogliano thì việc này giống như đặt tàu ngầm lên một chiếc xe đầu kéo, cảnh sát giao thông có thẩm quyền với chiếc xe kéo nhưng không có thầm quyền với tàu ngầm.
Việc gia đình nạn nhân kiện Titan ra tòa cũng đối mặt một số thách thức pháp lý, cụ thể là giấy miễn trừ trách nhiệm mà các hành khách đã ký trước khi lên tàu.
Ông Thomas Schoenbaum - giáo sư luật tại ĐH Washington (Mỹ) và là tác giả của cuốn sách “Luật Hải quân và Hàng hải” cho biết những tài liệu như vậy có thể được giữ nguyên trước tòa nếu “được diễn giải hợp lý”.
Đề cập Đạo luật An toàn tàu chở khách năm 1993 của Mỹ, luật sư Schoenbaum cho rằng đạo luật này có thể không được áp dụng với Titan. Bởi vì dù OceanGate được đăng ký ở Mỹ nhưng tàu Titan thì không và OceanGate Expeditions - công ty chịu trách nhiệm các chuyến thám hiểm Titanic có trụ sở tại Bahamas nên có khả năng lách luật Mỹ.
Câu chuyện tiếp theo là gia đình nạn nhân sẽ kiện ai và kiện ở đâu khi công ty đã đóng cửa văn phòng tại thủ đô Washington D.C (Mỹ) sau thảm kịch và cũng có thể không có khả năng bồi thường thiệt hại.
Trong khi chờ đợi vụ kiện từ gia đình nạn nhân, ông Richard Daynard - giáo sư tại Trường Luật ĐH Northeastern (bang Massachusetts, Mỹ) hy vọng chính phủ Mỹ sẽ đưa ra các quy định chặt chẽ hơn sau hoạt động tìm kiếm khiến Cảnh sát biển nước này phải tốn hàng triệu USD.
Ông đề xuất Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO) và chính phủ các nước thông qua luật, cấm các tàu thám hiểm như vậy cập cảng nước mình. Tuy nhiên, việc này cũng không dễ dàng vì IMO không có thẩm quyền đưa ra luật và một số quốc gia muốn khai thác mỏ dưới biển sâu có thể sẽ phản đối luật này.