Thắt chặt quy định kiểm tra, xử lý về chất lượng mũ bảo hiểm

Thực tế cho thấy, vẫn có nhiều người vẫn vi phạm quy định đội mũ bảo hiểm và dùng mũ bảo hiểm không đạt chuẩn khi tham gia giao thông. Điều này gây ra nhiều hệ lụy khi xảy ra tai nạn.

Xem thường sức khỏe, tính mạng

Thông tin từ Văn phòng Bộ Công an, 6 tháng đầu năm nay, tai nạn giao thông đường bộ bởi phương tiện mô tô, xe máy chiếm đến 59,92%. Kết quả xử lý vi phạm cho thấy có 233.952 trường hợp vi phạm quy định về đội mũ bảo hiểm.

Theo PGS.TS Phạm Việt Cường – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chính sách và phòng chống tai nạn thương tích, nước ta đã có 17 năm thực hiện quy định đội mũ bảo hiểm bắt buộc trên các tuyến đường (bắt đầu từ ngày 15/12/2007).

Người dân tham gia giao thông bằng xe máy đã thực hiện tốt quy định nhưng khi quan sát trên đường không phải 100% người lái mô tô, xe máy đều đội mũ bảo hiểm, bởi vẫn có một tỉ lệ nhất định không thực hiện nghiêm túc.

Đáng chú ý, các nghiên cứu mà Trung tâm nghiên cứu chính sách và phòng chống tai nạn thương tích theo dõi cho thấy, khoảng hơn 90% người tham gia giao thông có đội mũ bảo hiểm, nhưng tỉ lệ đội mũ bảo hiểm không đạt chuẩn khi tham gia giao thông vẫn chiếm khoảng 10 – 20%.

Các trường hợp đội mũ thời trang, mũ lưỡi trai nhựa, mũ một lớp nhựa khi tham gia giao thông trên đường như một hình thức đối phó với sự kiểm tra của CSGT .

Phần lớn người không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông chủ quan cho rằng chỉ di chuyển ở khu vực ngoại thành hoặc quãng đường ngắn nên không đội mũ.

Bên cạnh việc vi phạm quy định về đội mũ bảo hiểm nhiều người còn coi thường pháp luật, chở ba, chở bốn, chạy quá tốc độ, thậm chí còn lạng lách, đánh võng...

Thực tế này là điều rất đáng lo ngại, bởi việc không đội mũ bảo hiểm hoặc đội mũ bảo hiểm không đạt chuẩn sẽ gây nguy hiểm cho bản thân người tham gia giao thông và ảnh hưởng đến những người khác trên đường.

Nhiều thanh niên sử dụng mũ bảo hiểm không đạt chuẩn lưu thông trên đường và điều khiển xe vi phạm luật lệ giao thông

Nhiều thanh niên sử dụng mũ bảo hiểm không đạt chuẩn lưu thông trên đường và điều khiển xe vi phạm luật lệ giao thông

Đã có nhiều vụ tai nạn giao thông xảy ra mà nếu người tham gia giao thông đội mũ bảo hiểm, hoặc đội mũ bảo hiểm đạt chuẩn chắc chắn sẽ giảm bớt được thiệt hại.

Theo một nghiên cứu, khi xảy ra va chạm người đội mũ bảo hiểm đạt chuẩn có thể giảm tới 42% nguy cơ tử vong và 69% nguy cơ chấn thương sọ não.

Hiện hành đã có QCVN 2:2008/BKHCN về chất lượng mũ bảo hiểm. Mới nhất QCVN 2:2021/BKHCN có hiệu lực từ 1/1/2024 thay cho quy chuẩn năm 2008 cũng đã bổ sung các quy định về chất lượng của mũ bảo hiểm đạt chuẩn.

Kể từ ngày 1/1/2024, mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy sản xuất trong nước, nhập khẩu phải đáp ứng các quy định tại QCVN 2:2021/BKHCN trước khi lưu thông trên thị trường; Mũ bảo hiểm đã chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy theo QCVN 2:2008/BKHCN trước ngày 01/01/2024 được tiếp tục lưu thông trên thị trường đến hết ngày 31/12/2024.

Thắt chặt kiểm tra, xử lý

So với QCVN 02:2008/BKHCN thì QCVN 02:2021/BKHCN có một số điểm mới. Về phạm vi điều chỉnh, quy chuẩn mới quy định đội mũ bảo hiểm đạt chuẩn khi đi xe mô tô, xe gắn máy, xe đạp máy, xe máy điện, xe đạp điện và các loại tương tự. Trong khi đó, quy chuẩn cũ 2008 chỉ quy định khi đi mô tô và xe máy.

QCVN 2:2008/BKHCN cũng chỉ quy định có 3 loại mũ là mũ che nửa đầu; mũ che cả đầu và tai; mũ che cả đầu, tai và hàm, còn quy chuẩn mới QCVN 2:2021/BKHCN chia thành 04 loại, có thêm loại mũ che ba phần tư đầu (gần giống như mũ che nửa đầu và có thêm phần che phủ sau ót).

Về kích cỡ, thông số và kích thước cơ bản, theo chu vi vòng đầu, phiên bản quy chuẩn cũ 2008 chia thành 03 nhóm cỡ mũ: nhỏ (dưới 500mm); cỡ trung (500mm – dưới 520mm) và cỡ lớn (từ 520mm trở lên).

Đối với QCVN 2:2021/BKHCN gồm 09 cỡ mũ có chu vi vòng đầu từ 460mm đến 620mm (phù hợp từ trẻ em cho đến người lớn). Đặc biệt có cỡ mũ 620mm (cỡ số 9) là cỡ lớn nhất mới đưa vào quy định.

Trong quy chuẩn mới cũng có quy định về kích thước lưỡi trai, không được quá 70mm cho lưỡi trai rời tháo lắp được và không quá 50mm cho lưỡi trai liền khối với vỏ mũ.

QCVN 2:2021/BKHCN chỉ quy định khối lượng của mũ (gồm phụ kiện) cho các loại mũ che nửa đầu, che ba phần tư đầu không được lớn hơn 0,8kg với cỡ mũ 460, 480 và 500mm; 1,0kg với cỡ mũ 520, 540, 560, 580, 600 và 620mm.

Còn các cỡ mũ của loại mũ che cả đầu và tai, che cả đầu, tai và hàm đều không quy định về yêu cầu khối lượng của mũ. Trong khi đó quy chuẩn năm 2008 có quy định về khối lượng cho tất cả các cỡ mũ và các loại mũ bảo hiểm.

Đối với kính bảo vệ, quy chuẩn năm 2008 quy định về hệ số truyền sáng không được nhỏ hơn 85 %. Với QCVN 2:2021/BKHCN hệ số truyền sáng cho kính màu nhạt, trong suốt là không nhỏ hơn 50 % với yêu cầu trên kính có ghi chú “chỉ dùng cho ánh sáng ban ngày”.

Trong QCVN 2:2021/BKHCN ngoài các thông tin ghi nhãn theo quy chuẩn năm 2008, yêu cầu trên mũ và trên bao bì phải có ghi nhãn thêm các thông tin về: Xuất xứ hàng hóa; Kiểu mũ; Hướng dẫn sử dụng; Thông tin cảnh báo; khối lượng mũ cùng với dung sai khối lượng.

Mũ bảo hiểm sản xuất trong nước phải công bố hợp quy theo các quy định mới như Thông tư 06/2020/TT-BKHCN ngày 10/12/2020 và các văn bản pháp quy liên quan trước khi đưa ra lưu thông trên thị trường. Mũ nhập khẩu phải được kiểm tra nhà nước về chất lượng, được gắn dấu CR trước khi đưa ra lưu thông trên thị trường. Còn đối với quy chuẩn năm 2008, các mũ nhập khẩu này phải được chứng nhận hợp quy.

Theo một số chuyên gia, “Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật” ban hành ngày 29/06/2006 quy định “… việc tổ chức rà soát quy chuẩn kỹ thuật định kỳ năm năm một lần hoặc sớm hơn khi cần thiết, kể từ ngày ban hành".

Quy chuẩn mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy đến hơn 10 năm mới được soát xét và ban hành lại, vì vậy việc tuyên truyền áp dụng vào thực tiễn là rất cần thiết để phù hợp với tình hình giao thông trong giai đoạn mới với sự phát triển nhanh, mạnh về hạ tầng giao thông, phương tiện.

Nhất là việc đối tượng không sử dụng mũ bảo hiểm hoặc sử dụng mũ bảo hiểm không đạt chuẩn khi tham gia giao thông ngày càng nhiều trong tầng lớp thanh thiếu niên.

Theo PGS.TS Phạm Việt Cường, luật pháp không cấm sản xuất và lưu hành các dạng mũ nhựa, nhưng ở nước ngoài có đính kèm nhãn mác để người tiêu dùng phân biệt. Các mũ lưu hành ở Việt Nam cũng nên có các nhãn mác để người tiêu dùng nhận biết và sử dụng phù hợp, tránh nhầm lẫn các loại mũ nhựa này với mũ bảo hiểm dùng khi tham gia giao thông.

Bên cạnh việc tuyên truyền về việc đội mũ bảo hiểm đạt chuẩn nhất là đối với các đối tượng thanh thiếu niên và phụ huynh, việc cần làm hiện nay là thắt chặt kiểm tra và xử lý vi phạm.

Đồng thời giám sát chặt chẽ đối với việc sản xuất, kinh doanh các loại mũ dạng giống như mũ bảo hiểm, giúp người dân có ý thức hơn trong việc đội mũ bảo hiểm chất lượng nhằm đảm bảo an toàn sức khỏe, tính mạng khi tham gia giao thông.

Huyền Sâm

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/that-chat-quy-dinh-kiem-tra-xu-ly-ve-chat-luong-mu-bao-hiem.html