Thắt chặt tình hữu nghị giữa Việt Nam và Nhật Bản

Những năm qua, quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam-Nhật Bản đã đạt được nhiều bước phát triển mạnh mẽ và toàn diện, đặc biệt, hai nước đang cùng hướng tới mốc kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1973-2023). Các chuyến thăm cấp cao của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đến Nhật Bản tháng 11/2021 và Thủ tướng Kishida Fumio (Ki-si-đa Phư-mi-ô) đến Việt Nam tháng 5/2022 là nền tảng góp phần củng cố niềm tin, thắt chặt tình hữu nghị giữa hai nước, hai dân tộc.

Hợp tác thương mại Việt Nam-Nhật Bản ngày càng sâu rộng. (Ảnh BỘ NGOẠI GIAO)

Hợp tác thương mại Việt Nam-Nhật Bản ngày càng sâu rộng. (Ảnh BỘ NGOẠI GIAO)

Nhật Bản là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu và lâu dài của Việt Nam, chia sẻ nhiều lợi ích chiến lược chung trong khu vực và quốc tế. Trên chặng đường hơn 30 năm đổi mới và gần 50 năm kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao, Nhật Bản đã luôn tích cực tham gia hỗ trợ và đồng hành cùng Việt Nam trong tiến trình hội nhập quốc tế và phát triển kinh tế-xã hội.

Nhật Bản hiện là đối tác số 1 về cung cấp viện trợ phát triển chính thức (ODA), đối tác hợp tác lao động thứ 2, nhà đầu tư thứ 3 và đối tác thương mại thứ 4 của Việt Nam, đồng thời, cũng là nơi có cộng đồng hơn 430.000 người Việt Nam đang sinh sống, làm việc và học tập. Thời gian qua, lãnh đạo cấp cao hai nước duy trì thường xuyên các chuyến thăm và tiếp xúc, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả tại các diễn đàn quốc tế và khu vực. Việt Nam luôn ủng hộ Nhật Bản đóng góp tích cực cho hòa bình và phát triển của khu vực và thế giới.

Trong bối cảnh bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, hai bên đang đẩy mạnh hợp tác phục hồi kinh tế, tăng cường hợp tác kinh tế-thương mại, chuyển giao công nghệ. Trong năm 2022, Nhật Bản có gần 100 dự án cấp mới và 120 lượt góp vốn mua cổ phần, đứng thứ năm với tổng vốn đăng ký hơn 1,2 tỷ USD tại Việt Nam. Lũy kế đến tháng 7/2022, Nhật Bản có gần 5.000 dự án FDI còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 65 tỷ USD, đứng thứ ba trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.

Lần đầu sau hơn 50 năm, Chính phủ Nhật Bản tổ chức Lễ Quốc tang cho một lãnh đạo đất nước. Cùng 6.000 quan khách quốc tế, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam tới dự Lễ Quốc tang của cố Thủ tướng Abe Shinzo (A-bê Sin-dô) ở thủ đô Tokyo vào tuần tới, thể hiện tình cảm và sự ghi nhận của lãnh đạo và nhân dân Việt Nam đối với những tình cảm và đóng góp của cá nhân cố Thủ tướng Abe Shinzo trong thúc đẩy, củng cố quan hệ hai nước.

Là Thủ tướng cầm quyền dài nhất trong lịch sử Nhật Bản với hai nhiệm kỳ (2006-2007 và 2012-2020), Thủ tướng Abe Shinzo cũng chính là người đặt mốc đầu tiên cho khuôn khổ quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-Nhật Bản và ký Tuyên bố chung nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược sâu rộng. Thủ tướng Abe Shinzo cũng từng nhiều lần mời lãnh đạo Việt Nam tham dự các sự kiện, hội nghị đa phương quan trọng như Hội nghị cấp cao Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) mở rộng tại tỉnh Mie, Nhật Bản (2016) hay Hội nghị cấp cao Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại Osaka (2019). Cố Thủ tướng Abe là lãnh đạo Nhật Bản có tình cảm đặc biệt với Việt Nam, luôn coi trọng và quan tâm thúc đẩy quan hệ hai nước trong thời gian cầm quyền và từng đại diện Nhật Bản đến thăm Việt Nam nhiều lần trong các năm 2006, 2010, 2013 và 2017.

Nhân dân hai nước Việt Nam-Nhật Bản dành nhiều sự tin cậy và tình cảm quý mến cho nhau. Chuyến thăm của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đến Nhật Bản lần này không chỉ thể hiện sự trân trọng, tình nghĩa với một người bạn của nhân dân Việt Nam, mà còn là minh chứng cho quan hệ tốt đẹp, sâu rộng Việt Nam-Nhật Bản ngày một bền chặt hơn. Với đó, sự tin cậy chính trị ngày càng sâu sắc giữa hai quốc gia sẽ đem lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước.

ĐOÀN HIẾU

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/that-chat-tinh-huu-nghi-giua-viet-nam-va-nhat-ban-post716701.html