'Thật đau xót khi trong giấc mơ của công nhân may chỉ thấy đôi giày!'
Điểm mới của dự thảo Bộ Luật lao động là quy định mở rộng khung thỏa thuận làm thêm giờ trong các trường hợp đặc biệt: tăng thêm 100 giờ/năm so với hiện hành (từ tối đa 300 giờ/năm lên 400 giờ/năm).
Việc mở rộng khung thỏa thuận làm thêm giờ, theo giải trình của Chính phủ, nhằm đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp và nhu cầu của một bộ phận người lao động. Từ thực tiễn hoạt động công đoàn, ĐBQH Trương Thị Bích Hạnh (Bình Dương) cho biết nhu cầu làm thêm giờ của người lao động (NLĐ) và người sử dụng lao động là có thực.
“NLĐ sẽ có thêm thu nhập để cải thiện cuộc sống khi làm thêm; còn chủ doanh nghiệp giải quyết được tiến độ đơn hàng, bớt phải tuyển dụng lao động và thu được lợi nhuận” – bà Hạnh phản ánh.
Nêu thực tế NLĐ phải làm thêm giờ quá quy định rất phổ biến, thậm chí làm nhiều gấp 2 - 3 lần khi có DN tăng thời giờ làm thêm đến 1000 giờ/năm trong khi luật hiện hành chỉ cho tối đa 300 giờ/năm, bà Hạnh chia sẻ: “Nếu nói chúng tôi đồng thuận với việc tăng giờ làm thêm là rất đau lòng, bởi việc làm thêm nó vắt kiệt sức của NLĐ. Nhưng nếu công đoàn không đồng thuận thì NLĐ sẽ phản ứng. Vì sao phản ứng? bởi vì tiền lương không đảm bảo cuộc sống tối thiểu cho họ và gia đình, vì vậy họ muốn làm thêm giờ”.
Lấy ví dụ có công nhân may phải làm thêm đến 103 giờ/tháng; thậm chí có công nhân ngành gỗ phải tăng ca 141,5 giờ/tháng, bà Hạnh chỉ ra, như vậy là họ phải làm tất cả các ngày trong tháng, không nghỉ ngày nào. Do đó, đại biểu này yêu cầu, nếu tăng giờ làm thêm như dự thảo lên 400 giờ/tháng (tăng 100 giờ so với quy định hiện hành) thì phải cân nhắc mối quan hệ giữa làm thêm giờ và tiền công làm thêm; giữa mối quan hệ giữa làm thêm giờ với việc nghỉ ngơi để tái tạo sức lao động của NLĐ.
“Thật đau xót khi trong giấc mơ của công nhân may chỉ thấy những đôi giày” – bà Hạnh than và đề nghị nếu tăng giờ làm thêm thì phải giảm thời gian làm việc chính thức từ 48 giờ/tuần hiện nay xuống 44 giờ/tuần.
Cũng theo đại biểu này, vấn đề tiền lương của NLĐ khi làm thêm phải là điều tiện tiên quyết để xem xét cho phép tăng giờ làm thêm. Việc tính tiền lương làm thêm giờ phải tăng lũy tiến.
“Có ý kiến cho rằng tính như vậy khó. Tôi cho rằng không có gì khó cả. Tiền điện ta còn tính theo bậc thang được, không lý gì tiền lương làm thêm giờ lại không tính lũy tiến được” – bà Hạnh kiên quyết.
Ở góc độ khác, đại biểu Hoàng Văn Hùng (Thái Nguyên) không đồng tình với đề xuất tang giờ làm thêm. Ông Hùng phàn nàn trong khi thế giới đang giảm giờ xuống thì chúng ta lại tăng giờ lên.
“Đi các khu công nghiệp sẽ thấy điều kiện sinh hoạt khó khăn, nhà cửa không có, nóng bức, nên người lao động sẵn sàng làm thêm vài giờ đồng hồ, nhưng như vậy là làm kiệt sức lao động. Họ cần thời gian nghỉ ngơi tái tạo sức lao động” – ông Hùng nêu quan điểm.
Diễn giải kỹ hơn, đại biểu Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) thông tin, khi tiếp xúc cử tri thấy cử tri rất băn khoăn việc làm thêm giờ. Theo họ, việc này chỉ phù hợp ở một bộ phận nhỏ, còn tiếp xúc với người lao động, công chức, viên chức, kể cả giáo viên gần như đều không muốn làm thêm giờ.
Đại biểu Thắng cũng cho rằng, việc tăng giờ làm thêm sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy như giảm thời gian chăm lo cho gia đình, sức khỏe…, trong khi đó việc làm thêm giờ lợi ích thuộc lại thuộc về chủ lao động chứ không phải là người lao động.
“Nếu có tăng thì người lao động chỉ được một phần rất nhỏ” – đại biểu Thắng nhận định.
Lập luận trên không nhận được sự đồng tình của đại biểu Phạm Thị Thu Trang (Quảng Ngãi). Đại biểu này thống nhất mở rộng khung thời gian làm thêm giờ nhưng yêu cầu “tiền lương phải được tính lũy tiến để bảo đảm quyền lợi cho người lao động”. Đồng thời, theo đại biểu Trang, các tổ chức liên quan cần có biện pháp giám sát để ngăn chặn việc doanh nghiệp cố tình không tuyển dụng đủ lao động, tận dụng vắt kiệt sức lao động trẻ…