Thật, giả... tiến sĩ

Với quan niệm 'học để làm người' nên nhân dân ta rất coi trọng việc học. Giá trị của sự học cao hơn mọi vật chất: 'Chẳng tham ruộng cả ao liền/ Chỉ tham cái bút cái nghiên anh đồ'.

Học cao, học giỏi để trở thành hiền tài. Mà “hiền tài là nguyên khí quốc gia” (Thân Nhân Trung). Câu nói của thầy Chu Văn An được coi là một tư tưởng lớn về sự suy vong hay hưng thịnh phụ thuộc vào giáo dục: “Ta chưa từng nghe nước nào coi nhẹ sự học mà khá lên được”. Đấy là những chân lý hiện lên qua con chữ.

Từ góc nhìn mã văn hóa vấn đề có lẽ còn sâu sắc hơn. Văn Miếu-Quốc Tử Giám (Hà Nội) là biểu tượng cho truyền thống hiếu học của dân tộc ta. Hai bên cổng (tam quan) Văn Miếu là hai bức phù điêu đắp nổi, một là cảnh cá rồng ẩn hiện trong mây. Đó là ẩn ý cá sẽ hóa rồng, tức con đường công danh sẽ rộng mở (thanh vân đắc lộ). Một bức là cảnh núi sông mây nước và hình ảnh con hổ khoan thai đĩnh đạc trên cao bước xuống. Đó là “mãnh hổ hạ sơn” chỉ những kẻ sĩ học rèn sẽ trở thành những bậc đại sĩ phu “trị quốc bình thiên hạ”. Vào trong sẽ gặp nhiều câu đối lời hay ý đẹp, như câu: “Cương thường đống cán tồn thiên địa/ Đạo đức cung tường tự cổ kim” (Rường cột cương thường ở trong trời đất/ Nền đạo đức sáng tỏ tự xưa nay). Nghĩa là đề cao tột bậc những người đỗ đạt cao là “rường cột” quốc gia. Và những hàng bia đá khắc ghi tên tuổi những bậc trí giả. Tại sao là rùa “đội bia”? Ngày trước, bia thường làm bằng đá (bia đá bảng vàng) khắc ghi những công trạng, thần tích, gia phả... lưu lại cho con cháu lấy đó làm gương mà học tập, phấn đấu. Rùa là loài vật linh, sống thọ nên đặt bia trên lưng rùa là mang nghĩa mong muốn điều khắc trên bia đá lưu truyền bất tử...

Tuy nhiên trong thực tế thì không hẳn như vậy. Đến thời thực dân nửa phong kiến thì sự học trở nên... bát nháo. Nhà thơ Nguyễn Khuyến liền làm hai bài thơ “Vịnh tiến sĩ giấy”. Bài được dạy ở trường phổ thông ngày nay là bài II quen thuộc: “Cũng cờ, cũng biển, cũng cân đai/ Cũng gọi ông nghè có kém ai”. Là ông nghè nhưng là “ông nghè giấy”. Mỹ học châm biếm Nho gia Nguyễn Khuyến mượn cái giả để mỉa cái thật, mượn hình ảnh “tiến sĩ giấy” để nói đến sự thật chua chát: Có người bằng xương thịt thật “đỗ” tiến sĩ nhưng là tiến sĩ “mua”. Bài thơ đưa ra lời cảnh tỉnh sâu sắc và phổ quát hơn chúng ta tưởng: Cái giả là “đồ chơi” nhưng vì vẫn có người nghĩ rằng “đồ thật” nên rất nguy hại!

Câu chuyện về “tiến sĩ giấy” hay “tiến sĩ thật” thường có ở mọi thời. Ngay như chuyện thật về Cao Bá Quát chấm thi (trường thi Thừa Thiên năm 1841), thấy có bài tốt nhưng phạm quy, ông bèn sửa lại. Ý rất tốt của ông là muốn cho nước nhà có thêm một tài năng. Nhưng thế là phạm trọng tội. Ông bị tù. Bổ sung cho chuyện ấy thì tác phẩm “Lều chõng” của Ngô Tất Tố miêu tả sinh động những trò gian lận trong trường thi của học trò “nhất quỷ, nhì ma...”. Thì ra việc thi cử thời trước tuy nghiêm ngặt nhưng vẫn có lỗ hổng tiêu cực, nên vẫn có chuyện “tiến sĩ giấy” là thế!

Đến thời đại văn minh trí tuệ “4.0” hôm nay, dù không phổ biến nhưng vẫn chưa chấm dứt những “tiến sĩ giấy”. Câu chuyện về một trường đại học "bán" bằng cử nhân, cao học cho hàng chục người (trong đó có cả quan chức) khiến dư luận xôn xao, là một ví dụ. Dưới góc độ pháp luật thì cả người bán và người mua đều phạm pháp. Dưới góc độ đạo đức thì người mua tự mình biến thành một “tiến sĩ giấy” không hơn không kém...

NGUYỄN THANH TÚ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/van-hoc-nghe-thuat/that-gia-tien-si-646238