'Thắt lưng buộc bụng' khi giá cả leo thang
Cùng với khó khăn do dịch bệnh, việc giá xăng tăng cao, chạm ngưỡng gần 30.000 đồng/lít đã kéo theo giá cả các mặt hàng không ngừng “leo thang” khiến người dân, doanh nghiệp phải thắt lưng buộc bụng, tiết kiệm chi tiêu.
Khu thực phẩm tại chợ Vĩnh Yên (thành phố Vĩnh Yên), cảnh mua sắm không còn tấp nập như trước. Giá cả các loại hàng hóa tăng cao khiến nhiều người phải “thắt lưng buộc bụng” trong chi tiêu. Lương thực, thực phẩm là mặt hàng chịu nhiều tác động của giá xăng, khi xăng tăng giá, mặt hàng này cũng tăng đáng kể. Có những mặt hàng tăng 6-7%, có mặt hàng tăng hơn 10% so với trước đây.
Chị Nguyễn Thị Hương cho biết: "Tôi bán thịt tại chợ hơn 20 năm nay, nhưng chưa khi nào thấy buôn bán khó khăn như hiện nay. Sức mua giảm mạnh khiến hàng ế ẩm, trong khi các loại thuế, cước phí thuê ki-ốt, phí môi trường… đều tăng. Nhiều hôm phải bù lỗ, nhưng tôi vẫn gắng gượng để giữ chân khách quen và cũng chưa biết làm nghề nào khác".
Đối với doanh nghiệp vận tải, sau 2 năm ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh, nhiều doanh nghiệp rơi vào cảnh lao đao, doanh thu sụt giảm hơn nửa, có doanh nghiệp phải bù lỗ. Nay giá xăng dầu tăng khiến nhiều doanh nghiệp điêu đứng, bởi chi phí cho nguồn nhiên liệu chiếm gần 40% giá thành vận tải.
Kinh doanh trong lĩnh vực vận tải gần 20 năm nhưng chưa khi nào ông Nguyễn Hữu Đỗi, Giám đốc HTX Vận tải Yên Lạc, xã Trung Nguyên lại thấy khó khăn như lúc này. HTX có 5 xe chạy hợp đồng, 3 xe chạy tuyến cố định từ Vĩnh Phúc đi các tỉnh miền núi phía Bắc và Sài Gòn, nhưng 2 năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các tuyến cố định gần như nằm yên, các xe chạy hợp đồng chỉ lác đác khách đi.
Để duy trì nguồn thu, doanh nghiệp phải thay đổi phương thức hoạt động, cắt giảm nhân công, lái xe. Các xe chạy hợp đồng được chuyển sang vận chuyển hàng hóa thiết yếu. Tuy nhiên, hiện nay, ngoài các chi phí như xét nghiệm Covid-19 cho các lái xe, khử khuẩn xe thường xuyên, chi phí cầu đường, khấu hao, doanh nghiệp lại phải gánh thêm chi phí do giá xăng tăng. Trong khi giá cước xe không tăng hoặc tăng không đáng kể, bởi vậy, doanh nghiệp không có lãi, thậm chí phải bù lỗ.
Xăng tăng giá kéo theo giá thức ăn chăn nuôi cũng “đội lên”, khiến nhiều hộ chăn nuôi gặp khó. Từ năm 2020 đến nay, thức ăn chăn nuôi đã tăng lần thứ 10, khiến người chăn nuôi đứng ngồi không yên.
Hiện, trang trại của anh Nguyễn Văn Học, xã Hoàng Hoa, huyện Tam Dương có gần 500 gà thương phẩm. Do giá xăng tăng, khiến giá các loại cám tăng từ 10 - 15.000 nghìn đồng/bao, chưa kể giá các loại thuốc, vắc xin, nhân công cũng tăng.
Để tiết kiệm chi phí trong chăn nuôi, thay vì sử dụng cám công nghiệp 100%, anh Học đầu tư mua máy nghiền, trộn thức ăn để thay thế 50% cám công nghiệp. Tuy vất nhưng chi phí cũng giảm được 15%.
Anh Học cho biết: Giá cả các mặt hàng tăng vù vù, trong khi giá gà chỉ nhích lên chút ít, nếu tính toán khéo thì chỉ hòa vốn, không thì lỗ. Anh băn khoăn, nếu các loại mặt hàng cứ tăng giá như hiện nay, người chăn nuôi như anh có thể cầm cự được đến bao giờ?
Anh Trần Văn Hiếu, quê ở xã Đồng Thịnh, huyện Sông Lô, làm công nhân tại Công ty TNHH Vina Korea (KCN Khai Quang, thành phố Vĩnh Yên), trước đây, anh thường thuê xe hợp đồng để đi làm. Tuy nhiên, khi giá cước xe tăng gần 200 nghìn đồng/tháng từ đầu tháng 3, anh Hiếu chuyển sang đi xe buýt bởi nếu đi bằng xe máy, mỗi tháng cũng mất hơn 1 triệu tiền xăng xe. Tuy rất lo ngại về nguy cơ lây lan dịch bệnh từ phương tiện công cộng, thời gian di chuyển lâu hơn, nhưng anh đành phải chọn cách này vì tiết kiệm chi phí.
Việc giá xăng dầu tăng cao không chỉ tác động đến đời sống, sản xuất của người dân, doanh nghiệp, mà còn kéo theo nhiều hành vi lợi dụng tăng giá của các loại hàng hóa để buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, găm hàng trục lợi.
Bởi vậy, bên cạnh sự vào cuộc của cơ quan chức năng, mỗi doanh nghiệp phải chủ động trong việc quản lý, giám sát, thay đổi phương thức hoạt động, sản xuất, giảm tối đa chi phí đầu vào. Mỗi người dân cần tiết kiệm chi tiêu, nâng cao kiến thức, kiên quyết đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng.