Thất nghiệp cả năm, Tết 2021 chồng đòi đụng con lợn gần 80kg
Anh bảo, dù nghèo khó đến đâu ngày Tết cũng phải sắm sửa cho đoàng hoàng. Tôi không đồng ý thì anh nổi đóa, mắng vợ thậm tệ.
Không biết mọi người thế nào chứ gia đình tôi năm nay khó khăn vô cùng. Kinh tế thiếu trước hụt sau. Còn gần một tháng nữa là đến Tết Nguyên đán mà tôi vẫn chưa biết xoay đâu để lấy tiền chi tiêu.
Hôm qua, sau khi về quê lên, chồng tôi bảo, anh đã hẹn mua của ông chú họ con lợn gần 80kg. Ngày 27 tháng 12 âm lịch, cả nhà sẽ về quê để đụng lợn, gói bánh chưng, bó giò…, lo Tết cho ông bà nội.
Con lợn gần 80kg sẽ chia làm 4 phần, nhà tôi lấy 3 phần, chú họ 1 phần.
Tôi kêu trời kêu đất vì thịt lợn đang đắt đỏ. Gần 60kg thịt lợn sẽ tốn một mớ tiền to. Hơn nữa, bố mẹ chồng tôi đã già, ngày Tết cũng chỉ có vợ chồng tôi và 2 con ở cạnh. Các anh chị em còn lại chỉ đáo qua, tập trung ăn 1 hoặc 2 bữa rồi lại về lo Tết nhà mình.
Đồ ăn thức uống năm nào cũng thừa mứa, lãng phí. Mùng 5 Tết, chúng tôi trở lại Hà Nội, trong tủ của ông bà vẫn chất đầy giò, thịt…
Mẹ chồng tôi lại gói gói, ghém ghém bắt tôi mang đi cho các cháu ăn. Khổ nỗi, đồ ăn để lâu không còn ngon, chúng không chịu đụng đũa. Vợ chồng tôi phải bảo nhau ăn suốt tháng Giêng, thậm chí sang tận tháng Hai mới hết.
Thêm vào đó, năm nay do ảnh hưởng của dịch Covid-19, chồng tôi làm du lịch nên gần như thất nghiệp cả năm, suốt ngày ở nhà. Khi buồn chán, anh lại nhậu nhẹt với bạn bè. Tôi làm ở công ty xuất nhập khẩu, bình thường lương thưởng khá nhưng năm nay thì kém toàn tập. Các khoản thưởng đều bị cắt. Thậm chí có tháng tôi chỉ được nhận nửa lương.
Tôi khuyên chồng nên tính toán lại việc chi tiêu Tết.
Theo tôi, đồ ăn thức uống chỉ nên mua vừa đủ cho 1, 2 ngày. Vì dù ở quê nhưng mùng 2 Tết, chợ đã mở. Lúc đó, gia đình muốn ăn gì, tôi sẽ đi chợ để mua. Như vậy, vừa tránh lãng phí, đồ ăn lại tươi ngon.
Thế nhưng chồng tôi gạt đi. Anh còn nổi nóng nói rằng, những năm trước thế nào thì năm nay cứ thế, không bàn cãi nhiều. Cả năm có ngày Tết, mua sắm, ăn uống và biếu xén họ hàng, làng xóm cho đàng hoàng, vui vẻ. Đồ ăn dù có thừa đổ đi cũng phải nghĩ là điều may mắn. Mua sắm nhỏ giọt thì cả năm eo hẹp.
“Đó là tư tưởng bảo thủ của anh. Nhưng năm nay chúng ta không có tiền. Gần Tết rồi mà trong túi không có nổi vài triệu. Anh định mua sắm bằng gì?”, tôi cãi lại bằng giọng bức xúc.
Chồng tôi bất ngờ nổi điên, anh mắng tôi thậm tệ rồi yêu cầu tôi phải đi xoay tiền.
Anh bảo, ở quê, bố mẹ anh vẫn luôn tự hào vì con cái giỏi giang, đàng hoàng. Anh lại là con cả nên không thể vì một năm khó khăn mà thắt chặt chi tiêu để bố mẹ phải lo nghĩ…
Tôi rất bức xúc nhưng không biết làm thế nào để thay đổi tư tưởng của chồng.
Có ai gặp phải tình trạng giống gia đình tôi không? Xin hãy cho tôi lời khuyên trong tình huống này. Tôi xin cảm ơn.
Ngọc Linh (Hà Nội)