Thất nghiệp do bệnh dịch tả lợn châu Phi

Bệnh dịch tả lợn châu Phi không những gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế mà còn khiến nhiều người chăn nuôi thất nghiệp

Toàn bộ lợn trong trang trại bị tiêu hủy nên vợ chồng ông Trần Thanh Thao ở thôn Đồng Mỹ, xã Kim Anh rơi vào cảnh thất nghiệp

Toàn bộ lợn trong trang trại bị tiêu hủy nên vợ chồng ông Trần Thanh Thao ở thôn Đồng Mỹ, xã Kim Anh rơi vào cảnh thất nghiệp

Bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) không chỉ gây thiệt hại lớn về kinh tế mà còn đang ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của nhiều hộ dân. Lợn bị tiêu hủy, không có vốn sản xuất, nhiều hộ chăn nuôi gặp khó khăn.

Bất đắc dĩ phải chuyển việc

Đã gần 10 năm làm thuê cho trang trại lợn, giờ đây anh Nguyễn Văn Tưởng ở thôn Thượng Đáp, xã Nam Hồng (Nam Sách) phải tạm chuyển sang làm phụ hồ để trang trải cuộc sống. Từng làm thuê cho nhiều trang trại lợn, chứng kiến nhiều bệnh nguy hiểm nhưng anh chưa thấy loại nào dịch nào có sức tàn phá khủng khiếp như bệnh DTLCP. "Trước đây, tôi làm thuê cho trang trại nuôi lợn gần nhà. Mỗi tháng, tôi được trả 7 triệu đồng tiền lương, trang trại lại bao ăn, ở nên hầu như tôi không phải mất thêm chi phí gì. Giờ lợn bị tiêu hủy hết, chúng tôi buộc phải nghỉ làm. Tôi đã nộp đơn vào mấy công ty gần nhà nhưng vẫn chưa thấy gọi. Để bảo đảm thu nhập, tôi đành phải đi làm phụ hồ, mỗi ngày công chỉ khoảng 200.000 đồng, vất vả hơn so với làm việc ở các trang trại nhiều", anh Tưởng phàn nàn.

24 năm nuôi lợn, vợ chồng ông Trần Thanh Thao ở thôn Đồng Mỹ, xã Kim Anh (Kim Thành) chưa bao giờ nghĩ mình rơi vào cảnh thất nghiệp như hiện nay. Bệnh DTLCP bùng phát khắp nơi, dù phòng bệnh rất kỹ nhưng trang trại của ông cũng không tránh được. Toàn bộ hơn 300 con lợn gồm cả lợn nái, lợn thịt và lợn con đều bị tiêu hủy chỉ trong 1 ngày. Gia đình ông mới được Nhà nước hỗ trợ 800 triệu đồng. Dịch bệnh đã quét sạch tài sản tích cóp nhiều năm của vợ chồng ông. Không có việc làm nên ông tranh thủ trông vật liệu cho con trai đang xây nhà ở thị trấn, vợ ông trông mấy đứa cháu đang nghỉ hè. Lợn của trang trại bị tiêu hủy, đồng nghĩa với việc ông bà không có thêm nguồn thu nhập nào khác, mọi chi phí sinh hoạt đều do các con hỗ trợ.

Chờ ngày tái đàn

Hằng ngày, ông Trần Thanh Thao vẫn vệ sinh, tiêu độc khử trùng chuồng trại để chờ ngày tái đàn. Khác với những đợt dịch trước, sau đợt này ông nhận thấy phải thay đổi thói quen chăn nuôi. Trước đây, các loại bệnh trên lợn đều có thuốc phòng và điều trị nhưng bệnh DTLCP chưa có nên người dân phải chú ý đến việc chăn nuôi an toàn sinh học. Ông dự kiến phải từ 6 tháng đến 1 năm nữa mới dám tái đàn. Trong thời gian ấy, ông phải tìm cách để xoay vốn. Bởi nếu chỉ trông chờ vào tiền hỗ trợ từ Nhà nước thì không thể đủ tiền để mua con giống, thức ăn...

Theo bà Trần Thị Huệ, Trưởng Ban Thú y xã Kim Anh, xã đã đủ điều kiện để công bố hết dịch. Nhưng các hộ chăn nuôi vẫn chưa được phép tái đàn do vẫn đang nằm trong vùng uy hiếp của bệnh DTLCP. Xã đang tiến hành niêm yết công khai mức hỗ trợ của các hộ bị thiệt hại do bệnh dịch, theo đó dự kiến phải đến đầu tháng 7 các hộ mới được nhận tiền hỗ trợ. "Rất nhiều hộ trong xã có nguồn thu nhập chính từ chăn nuôi. Bệnh DTLCP đến đã làm đảo lộn cuộc sống của nhiều gia đình. Chúng tôi mong các hộ sớm nhận được tiền hỗ trợ để ổn định cuộc sống", bà Huệ nói.

Theo Chi cục Thú y, đến hết ngày 11.6, toàn tỉnh đã có 24.787 hộ chăn nuôi ở 1.128 thôn bị thiệt hại do bệnh DTCLP. Số lượng lợn bị tiêu hủy lên đến hơn 326.000 con với tổng trọng lượng hơn 19.000 tấn. Bệnh DTLCP không những gây thiệt hại nghiêm trọng cho nền kinh tế mà còn ảnh hưởng đến đời sống của rất nhiều hộ dân. Hiện nay, nhiều người đang rơi vào tình cảnh thất nghiệp, thu nhập bấp bênh. Những hộ này vẫn đang từng ngày mong ngóng được nhận tiền hỗ trợ từ Nhà nước để có thể tái đầu tư hoặc chuyển đổi sang hình thức sản xuất khác.

TRẦN HIỀN

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/kinh-te---tieu-dung/that-nghiep-do-benh-dich-ta-lon-chau-phi-111035