Thất nghiệp do dịch bệnh, cha bất lực không lo được thuốc cho con gái suy thận
Buổi sáng, trong phòng bệnh ồn ã, Như Ý vẫn ngủ li bì. Suốt thời gian dài, đêm nào con cũng khó ngủ, hễ cứ nằm xuống lại bị khó thở khiến cô bé có trí tuệ chỉ như đứa trẻ 3-4 tuổi sợ hãi, đành thức trắng xuyên đêm.
Khi mới sinh ra, Lê Như Ý cũng trắng trẻo, nhanh nhẹn như những đứa trẻ bình thường khác. Thế nhưng, con càng lớn, vợ chồng chị Thu càng nhận thấy điểm khác thường. Lên 4 tuổi con mới tập đi, chỉ có thể bập bẹ từng từ đơn giản. Đưa đi khám, bác sĩ chẩn đoán Như Ý bị chậm phát triển trí tuệ bẩm sinh. Dù buồn nhưng vợ chồng chị Thu vẫn động viên nhau, chỉ cần con khỏe mạnh là mừng.
Chẳng thể ngờ, năm lên 8 tuổi, cơ thể cô bé ngày càng sưng phù. Bụng con rạn nứt như người mang thai, vợ chồng chị Thu tá hỏa đưa đi khám khắp nơi, từ bệnh viện huyện lên thành phố Cần Thơ, rồi chuyển lên Bệnh viện Nhi đồng 1 mới phát hiện con bị suy thận mãn giai đoạn cuối.
Đầu năm 2019, bé Như Ý được chuyển sang Bệnh viện Nhi đồng 2 để điều trị. Sau 3 tháng thẩm phân phúc mạc ổ bụng nhưng không thành công, con phải chuyển qua chạy thận nhân tạo, mỗi tuần 3-4 lần. Đến nay đã ròng rã suốt 3 năm.
Như Ý không nhận thức được như đứa trẻ bình thường, mỗi khi dặn dò con điều gì, chị Thu phải nói thật chậm, nói nhiều lần, nhưng cô bé vẫn nghe trước quên sau, hoặc chẳng thể kìm chế. Đã có 3 năm “kinh nghiệm” chạy thận nhưng con vẫn thường bất chợt vùng vẫy, không hợp tác với bác sĩ, điều dưỡng, bởi vậy lúc nào chị Thu cũng phải theo con.
Cũng bởi bé hay bộc phát cảm xúc nên mũi kim truyền máu hay bị lệch, vỡ ven, bác sĩ yêu cầu gia đình phải mua kim riêng cho con để tránh ảnh hưởng đến quá trình chạy thận, mỗi cây kim có giá 150 nghìn đồng, chỉ được sử dụng 1 lần. Đối với gia đình chị Thu, đây là số tiền không hề nhỏ.
Cô bé 11 tuổi nhưng vẫn chỉ nói được vài từ, không biết làm thế nào để bày tỏ nỗi đau đớn giày vò trên cơ thể mong manh. Những đêm không ngủ được, con lủi thủi chơi một mình trên giường bệnh. “Đêm qua bé đổ hết muối trắng lên giường, tung tóe khắp nơi. Tôi vừa bực mà lại thương con cô ạ. Đã 2 tháng nay bé khó ngủ vì mệt”, chị Thu xót xa.
Cha thất nghiệp giữa đại dịch, gia đình nghèo kiệt quệ
Từ ngày Như Ý phát hiện suy thận mãn giai đoạn cuối, mỗi tháng, riêng tiền thuốc ngoài, tiền kim chạy thận của con đã khoảng 4 triệu đồng. Số tiền ấy bằng hơn một nửa thu nhập của cha con. Thế nhưng, dịch Covid-19 bất ngờ ập đến, trở thành "gông xiềng" cột chân người cha. Anh Lê Văn Đức không thể đi làm, gia đình không còn bất cứ thu nhập nào khác.
Khó khăn lại thêm bủa vây khi 2 mẹ con Như Ý phải làm thêm xét nghiệm Covid-19 mới được vào chạy thận. “Có thời điểm tiền xét nghiệm hơn 700 nghìn đồng, phòng công tác xã hội cũng tìm cách hỗ trợ nhưng lúc có lúc không, ba bé lại không đi làm được nên chật vật lắm cô ạ”, chị Thu tâm sự.
Ở dưới Cần Thơ, gia đình chị chỉ có căn nhà cấp 4 nho nhỏ, không có đất đai canh tác hay vườn tược. Cách đây gần 10 năm, vợ chồng Thu dắt díu nhau lên TP.HCM mướn nhà trọ để đi làm thợ hồ.
Từ khi Như Ý phát bệnh, chị phải nghỉ làm để đưa con đi chạy thận, mỗi tuần 3-4 lần. Cuộc sống càng kham khổ, họ đành gửi 2 con nhỏ về quê nhờ mẹ già chăm sóc. Mùa hè này, 2 đứa trẻ lên chơi với cha mẹ và chị, không ngờ dịch bệnh kéo dài, chẳng thể về quê, mà Như Ý cũng đã phải nhập viện 2 tháng để theo dõi.
“Hai mẹ con ở bệnh viện thì lo tiền cho bé điều trị bệnh, mà ở nhà trọ, mấy cha con còn chẳng có gì ăn. Nhưng giờ chúng tôi cũng chỉ mong có tiền để cho bé Ý tiếp tục điều trị tiếp, còn ăn uống thì mình nhín nhín chút cũng được”, chị Thu giãi bày.