Thất vọng với cách cư xử của Dương 'Chúng ta của 8 năm sau' với bố
Từ chỗ vô cùng có cảm tình với Dương trong 'Chúng ta của 8 năm sau', cách hành xử của nhân vật này với bố đẻ của mình khiến tôi vô cùng thất vọng.
Phải thừa nhận Chúng ta của 8 năm sau là bộ phim hấp dẫn làm về giới trẻ. Cả 4 nhân vật trong phim đều cuốn hút nhờ kịch bản hay và diễn xuất tự nhiên của 4 diễn viên. Đặc biệt những cảnh tình cảmcủa hai nhân vật chính Dương và Lâm ở các tập gần đây lãng mạn giống như ta đang xem phim của Hàn Quốc. Tôi cũng rất yêu thích nhân vật Dương với năng lượng sống tích cực và nụ cười tỏa nắng qua diễn xuất tự nhiên của Hoàng Hà.
Nhưng phải nói rằng sau khi xem tập 12, tôi rất thất vọng về Dương vì cách nói chuyện hỗn láo với bố ruột của mình. Đành rằng Dương có lý do để làm như thế. Tôi hiểu Dương từng bị tổn thương khi nghe được cuộc nói chuyện giữa ông Quảng và mẹ mình, khi ông đưa tiền cho mẹ cô để phá thai. Và cô gái ấy cũng tổn thương khi nghĩ rằng nếu vợ và con của ông Quảng không mất trong vụ tai nạn thì chưa chắc bố đẻ đã quay về nhận cô.
Dù ông Quảng luôn cư xử tốt với Dương khi cô đã trưởng thành, tìm mọi cách bù đắp cho con gái nhưng Dương dứt khoát từ chối tình cảm này và vẫn gọi ông là "bác" thay vì gọi tiếng "bố". Tôi đã rất thông cảm cho Dương sau cuộc nói chuyện nghiêm túc đầu tiên với bố đẻ của mình sau nhiều năm. Khi ấy cô đã khóc nấc và nói: "Anh ấy không xứng đáng làm bạn cháu. Cũng giống như bác không xứng làm bố cháu". Lời nói ấy chắc chắn là lưỡi dao sắc nhọn cứa vào lòng đấng sinh thành. Dù không nói ra nhưng tôi cảm nhận nỗi đau của ông Quảng sau giọt nước mắt lăn trên má.
Nhưng sau khi xem cuộc đối thoại của Dương với người đã sinh ra mình trong Chúng ta của 8 năm sau tập 12 thì tôi thật sự thất vọng với nhân vật này. Dương từ đầu được xây dựng như một cô gái thông minh, hiểu chuyện. Dù cô ấy có bị bố mình bỏ rơi, từng không muốn Dương tồn tại trên đời thì không thể vì thế mà Dương cho mình cái quyền xúc phạm ông Quảng như vậy.
Ông Quảng tìm đến nhà Dương để cảnh báo bố nuôi và mẹ ruột cô về những mối quan hệ đang gây hại cho con gái. Nhưng Dương không muốn nghe và ném về phía người sinh ra mình những lời khó nghe, thậm chí vô cùng hỗn láo và vô cảm bất chấp lời can ngăn của người bố nuôi. Dương đứng trước mặt đấng sinh thành và dõng dạc nói: "Chúng ta sẽ cùng đàm phán về những thứ gọi là làm bố, gọi là chăm sóc".
Trước thái độ nhún nhường của ông Quảng và sự ái ngại của bố mẹ đẻ, Dương liên tục đưa ra những lời sát thương: "Tại sao con lại không được quyền từ chối ông ấy. Nếu chữ máu mủ mà cứ phải liên quan thì hãy cho con biết con cần phải làm gì, có nghĩa vụ gì với người cấp bộ gen cho con đi ạ?... Bác có biết vì sao mà cháu thấy rất phản cảm vì bác không ạ?... Tình yêu thương của bác luôn đi kèm điều kiện và áp đặt người khác hết lần này đến lần khác... Không có bác vung ra ít tiền thì đời cháu coi như bỏ đi hả bác? Bác nghĩ bác là ai ạ?".
Dương có thể đang bức xúc vì nghĩ ông Quảng can thiệp quá sâu và cuộc sống và các mối quan hệ của mình nhưng không thể vì từng chịu tổn thương mà nói chuyện vô lễ và xúc phạm người đã sinh ra mình như thế. Có thể cô ấy còn trẻ, còn nông nổi, mọi sai lầm có thể tha thứ nhưng với tôi - một người có tư duy truyền thống - tôi không chấp nhận một người con cư xử vô phép như thế với bố mình. Vì điều này, hình ảnh của nhân vật Dương trong tôi đã bị sứt mẻ. Tự nhiên tôi thấy mất cảm tình với Dương và thương cho ông Quảng.
Dù vậy tôi muốn dành lời khen cho diễn xuất ấn tượng của Hoàng Hà trong vai Dương nhiều màu sắc ở lần đầu đóng phim truyền hình. Còn NSND Trung Anh lại chinh phục tôi với vai người cha đầy tâm trạng sau Về nhà đi con.
Trích đoạn phim Dương đáp trả ông Quảng trong 'Chúng ta của 8 năm sau' (Nguồn: VTV)
Độc giả Phương Liễu (Hải Phòng)
Độc giả có thể gửi ý kiến về địa chỉ: banvanhoa@vietnamnet.vn. Ý kiến của bạn không nhất thiết phải trùng quan điểm với bài đã đăng trên VietNamNet. Xin trân trọng cảm ơn!