Thất vọng với chính sách địa kinh tế mập mờ của Trung Quốc

Vào những ngày này, khi kinh tế đang gặp khủng hoảng, tăng trưởng chậm lại, Trung Quốc liền tạo bất ổn an ninh trên Biển Đông, không giấu được tham vọng khống chế từng bước đại dương toàn cầu.

 Các thị trường xuất nhập khẩu lớn 5 tháng đầu năm 2019. Đơn vị: tỉ đô la

Các thị trường xuất nhập khẩu lớn 5 tháng đầu năm 2019. Đơn vị: tỉ đô la

Nếu tham vọng lớn của Trung Quốc trong vài thập kỷ qua là tăng trưởng GDP, xuất khẩu và đầu tư, thì tham vọng của thập kỷ tiếp theo sẽ là: tạo ra một trật tự thế giới mới về kinh tế và chính trị, dẫn tới giấc mộng “bá chủ số 1 thế giới”(i).

Chúng ta cần nhớ rằng trật tự kinh tế và chính trị hiện nay là các thể chế đa phương (ii), được củng cố bởi các điều ước, và luật pháp quốc tế mà cốt lõi là tôn trọng chủ quyền của tất cả các quốc gia.

Còn chiến lược của Bắc Kinh là tạo ra một loạt các mối quan hệ song phương, liên kết nó với các thủ đô khác nhau, đôi khi được tổ chức xung quanh các hội nghị thượng đỉnh khu vực.

Các dự án địa kinh tế này là sự hồi sinh thực sự của giấc mơ Trung Hoa. Giống như tất cả các con đường dẫn đến La Mã, Bắc Kinh đang xây dựng một loạt các đường ống, cầu, đường sắt, tuyến đường vận chuyển và cáp dẫn đến Trung Quốc.

Bằng cách biến mình thành trung tâm của mọi khu vực, Trung Quốc sẽ có được động lực và sức hấp dẫn. Mục tiêu của Trung Quốc bao gồm thúc đẩy thương mại và đầu tư, tăng năng suất và tìm cách xuất khẩu công suất dư thừa. Nhưng hiệu quả là làm cho Trung Quốc trở thành cốt lõi của hệ thống địa kinh tế và địa chính trị rộng lớn hơn, loại bỏ các quốc gia không tham gia vào hệ thống đó.

5 công cụ kinh tế

Bộ công cụ địa kinh tế của Trung Quốc bao gồm năm công cụ chính mà các tác giả như Wu Xinbo và Parag Khanna (iii) nhấn mạnh: thương mại, đầu tư, tài chính, quốc tế hóa đồng nhân dân tệ và xây dựng cơ sở hạ tầng liên lục địa, trong đó nổi bật nhất là sáng kiến “Vành đai, con đường” (BRIC: Belt and road initiative).

Hiện nay, Trung Quốc là nhà xuất khẩu lớn nhất thế giới, với hàng hóa xuất khẩu trị giá 2.300 tỉ đô la trong năm 2014 (iv). Trung Quốc cũng thị trường tiêu dùng tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Trung Quốc đã đi từ một nước chuyên xuất khẩu giá rẻ thành một nước đầu tư lớn với vốn đầu tư ra nước ngoài hơn 160 tỉ đô la từ tháng 1 năm 2009 đến tháng 12 năm 2013. Bắc Kinh tuyên bố sáng kiến “vành đai, con đường” của họ sẽ tạo ra 2.500 tỉ đô la, hỗ trợ nguồn vốn đầu tư cho 65 quốc gia. Ngân sách của ngân hàng AIIB tương đương quy mô của kế hoạch Marshall sau Thế chiến thứ hai dành cho châu Âu.

 Sáng kiến “Vành đai, Con đường” của Trung Quốc

Sáng kiến “Vành đai, Con đường” của Trung Quốc

Phản ứng của thế giới

Nhìn chung, các quốc gia trên thế giới chia làm 2 nhóm với 2 cách tiếp cận khác nhau đối với các chính sách lôi cuốn của Trung Quốc:

Cách thứ nhất: hoan nghênh và hợp tác nhiệt tình với các dự án địa kinh tế của Trung Quốc.

Một số quốc gia liên kết chặt chẽ với Trung Quốc nhất có thể - như các nước ở Châu Phi, Châu Mỹ La-tinh, Nam Á và Trung Đông.

Pakistan là đồng minh Trung Quốc gần nhất và lâu đời nhất. Mối quan hệ đó phát triển thành một loại quan hệ đối tác mới, giúp Trung Quốc chuyển từ một “cường quốc khu vực” thành một “cường quốc toàn cầu”.

Châu Phi và Châu Mỹ La-tinh hoan nghênh đầu tư của Trung Quốc vì nó dường như đến từ một quốc gia thân thiện, không có sự ràng buộc nào. Tuy nhiên, sự nhiệt tình ban đầu này đang trở nên xấu đi do Trung quốc trì hoãn nhập hàng từ Phi Châu, trong khi đó ngày càng nhiều người lao động Trung quốc được “nhập khẩu” vào Phi Châu và nạn tham nhũng tràn lan do các công ty Trung Quốc hối lộ quan chức địa phương - những vấn đề đang gây ra phản ứng dữ dội và phản đối các dự án của Trung Quốc.

Ở Trung Đông, nhiều người muốn Trung Quốc đảm nhận vai trò chính trị tích cực hơn để đối trọng với Mỹ, điều mà Bắc Kinh lại muốn né tránh vì Trung Quốc không muốn lặp lại “bài học Afganistan” của Mỹ.

Cách thứ hai: vừa chống lại, vừa hợp tác - được Mỹ, châu Á-Thái Bình Dương và châu Âu áp dụng – đó là: cố gắng chống lại sức mạnh chiến lược của Trung Quốc, trong khi vẫn cố gắng tận dụng các cơ hội kinh tế.

Mặc dù Tổng thống Mỹ Donald Trump đang tạo áp lực lên hàng hóa xuất khẩu Trung Quốc bằng một chiến tranh thương mại quyết liệt, nhưng thực ra Mỹ và Trung Quốc vẫn duy trì quan hệ thương mại. Mỹ không bao giờ muốn mất đi thị trường 1,4 tỉ dân với giới trung lưu mới đang tăng nhanh chưa từng thấy.

Đã có sự đồng thuận về chính sách trong nhiều năm ở châu Á và phương Tây, trong đó pha trộn giữa cân bằng, thu hút và định hình. Nhìn chung, có một sự phân chia rõ ràng giữa lĩnh vực kinh tế, chính trị và an ninh. Cân bằng đã diễn ra trong lĩnh vực quân sự và thu hút - định hình diễn ra trong lĩnh vực kinh tế và trong các tổ chức quốc tế. Đây vẫn là cách tiếp cận của châu Âu, những người đang cố gắng tăng cường cam kết kinh tế với Trung Quốc thông qua tư cách thành viên của Ngân hàng Đầu tư và phát triển hạ tầng châu Á (AIIB) và cố gắng thu hút đầu tư của Trung Quốc - bao gồm cả sự chào đón chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 21-10-2015 của Vương quốc Anh (v).

Ai thua, ai thắng?

Vậy chiến lược địa kinh tế của Trung Quốc có ý nghĩa gì đối với trật tự toàn cầu? Ai sẽ là người thắng cuộc? Ai là người thua cuộc?

Hưởng lợi chính của một thế giới mà trung tâm là Trung Quốc, sẽ là những nước nhận được đầu tư của Trung Quốc để xây dựng cơ sở hạ tầng và những nước bán hàng vào thị trường 1,4 tỉ dân này.

Theo đó, các nước châu Âu sẽ đạt được nhiều lợi ích từ các tuyến đường bộ và hàng hải mới dẫn đến các thị trường châu Á, mặc dù phần lớn sẽ phụ thuộc vào khả năng hợp nhất của các quốc gia châu Âu để họ có thể đàm phán với Trung Quốc từ vị thế mạnh hơn là bị chia rẽ. Brexit hiện nay là một nguy cơ khiến châu Âu không còn lợi thế khi đàm phán với Trung Quốc.

Nhiều học giả (vi) cho rằng đứng đầu danh sách những nền kinh tế thua cuộc - hoặc ít nhất là những nền kinh tế có mức tăng trưởng tương đối nhỏ hơn - sẽ là Nhật Bản.

Nhật Bản sẽ mất dần vị trí ở Đông Nam Á trước Bắc Kinh, mặc dù theo số liệu ngày 18-6-2019 của Fitch Solutions được trích bởi Bloomberg thì Nhật Bản vẫn vượt Trung Quốc trong cuộc đua cơ sở hạ tầng tại Đông Nam Á với tổng vốn lên đến 367 tỉ đô la so với 255 tỉ đô la của Trung Quốc.

Trong số đó Nhật đã dành 208,675 tỉ đô la đầu tư xây dựng hệ thống giao thông huyết mạch tại Việt Nam, trong khi đó Trung Quốc chỉ có 69,801 tỉ đô la đầu tư tại Việt Nam. Có thể trong các nền kinh tế mà Nhật tập trung nhất ở khu vực thì Việt Nam đứng vị trí số 1 với 74 dự án, trong khi Trung Quốc chỉ có 25 dự án cơ sở hạ tầng.

Ngân hàng ADB cũng cho biết rằng các nước khu vực Đông Nam Á cần tới 210 tỉ đô la mỗi năm từ 2016 đến 2030 để xây dựng cơ sở hạ tầng mới đáp ứng tốc độ tằng trưởng kinh tế của khu vực.

Nhật Bản vẫn vượt Trung Quốc trong cuộc chạy đua xây dựng cơ sở hạ tầng tại Đông Nam Á. Các dự án do Nhật Bản viện trợ tại 6 nền kinh tế lớn nhất khu vực gồm:

Indonesia, Malaysia, Singapore, Philippines, Thái Lan và Việt Nam – lên đến 367 tỉ đô la, so với con số 255 tỉ đô la từ Trung Quốc.

Tuy vậy, Nhật Bản sẽ luôn là một hòn đảo và về mặt địa lý khó kết nối hơn so với Trung Quốc. Đây là vấn đề chiến lược địa kinh tế mà các nhà hoạch định chính sách Nhật Bản phải tính đến trong những thập niên tới của thế kỷ 21.

Nga cũng sẽ mất vị thế ở các nước Trung Á trong trung hạn. Còn trong ngắn hạn, Nga vẫn là nhà cung cấp “ẩn mình” chính cho các dự án địa kinh tế của Trung Quốc.

Ấn Độ cũng có thể mất ảnh hưởng ở các nước láng giềng như Pakistan, Bangladesh và Sri Lanka. Các quốc gia này, cuối cùng, có thể tìm cách đàm phán lại các điều khoản với Trung Quốc, để làm giảm sự bất bình đẳng đang gia tăng trong mối quan hệ của họ với Trung Quốc. Chính sách “Ấn độ -Thái Bình dương tự do và mở” là cách tốt để Ấn Độ củng cố vị trí địa kinh tế và địa chính trị của mình, làm giảm tham vọng kiểm soát đại dương, thông qua “Con đường tơ lụa trên biển”, của Bắc Kinh.

Nhân tố gây căng thẳng

Chắc chắn, khi Trung Quốc theo đuổi chiến lược trở thành số 1 thế giới, thì khả năng làm cho sự cạnh tranh giữa các quốc gia trở nên khốc liệt hơn và làm tăng sự lo lắng giữa các quốc gia nhỏ hơn, trong đó Việt Nam chúng ta có thể là quốc gia bị đe dọa trực tiếp nhất.

Cho đến nay các tàu thăm dò Hải Dương của Trung Quốc vẫn đang xâm lấn vùng đặc quyền kinh tế trên Biển Đông của Việt Nam. Thật ra, dã tâm của Trung Quốc là muốn khống chế đại dương thế giới, vì “ai khống chế các đại dương thì sẽ làm chủ được thế giới”. Hiện nay, Mỹ vẫn đang giữ vai trò này.

Một trong những điểm căng thẳng lớn là mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương khi người châu Âu và người Mỹ đang ngày càng bị giằng xé theo các hướng khác nhau – ví dụ sự vươn lên của Ngân hàng Đầu tư và Hạ tầng Châu Á (AIIB) do Trung Quốc chủ trì. Ở Washington, các nhà hoạch định chính sách cho rằng tính hiệu quả của Mỹ có thể thay thế các hiệp định thương mại tự do, nhưng người châu Âu không đồng ý quan điểm đó.

Tuy vậy, Mỹ đang thay đổi cách tiếp cận và phát triển lập trường quyết đoán hơn. Thông qua các chính sách không gian mạng của mình, Mỹ đang tìm cách cân bằng vững chắc với Trung Quốc trong lĩnh vực kinh tế cũng như chính trị và quân sự. Trong chuyến thăm Mỹ năm 2015 của Chủ tịch Tập Cận Bình, cựu Phó tổng thống John Biden đã sử dụng thuật ngữ “cạnh tranh có trách nhiệm”, để thay cho ý tưởng “đối tác có trách nhiệm”.

“Con tin toàn cầu”của Trung Quốc

Một mối quan tâm ít được chú ý là làm thế nào để các tập đoàn và công ty tư nhân thay đổi kế hoạch theo một trật tự mới, lấy Trung Quốc làm trung tâm. Có lẽ, hầu hết các công ty phải trở nên thích nghi hơn nếu muốn có lợi trong chính sách địa kinh tế của Trung quốc.

Đã có hàng ngàn công ty đa quốc gia đang chơi theo luật của Trung Quốc để có được quyền xâm nhập vào thị trường to lớn này. Hầu hết các chuỗi cung ứng công nghiệp đều có nguồn vật liệu hoặc các bộ phận từ Trung Quốc. Dù muốn hay không muốn, Việt Nam vẫn phải nhập siêu từ Trung Quốc, chủ yếu là nguyên vật liệu “đa dạng, thích nghi và giá cả phải chăng”.

Việt Nam cũng phụ thuộc Trung Quốc khi Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn nhất của nông, lâm sản Việt Nam (vii). Đây có thể là vấn nạn tương lai trong nền ngoại thương của Việt Nam khi mà thị trường xuất siêu lớn nhất là Mỹ và nhập siêu lớn nhất là Trung Quốc. Và trong thế lỷ 21, như nhiều tác giả nhận định, cuộc đối đầu chính là giữa Mỹ và Trung Quốc.

Một số ngành công nghiệp phụ thuộc rất nhiều vào nhu cầu của Trung Quốc, biến các công ty trở thành những “con tin nhiệt thành” của Trung Quốc. Tuy vậy các công ty cũng tính đường rút lui bằng cách không từ bỏ thị trường hoặc cơ sở của họ ở phương Tây hoặc phần còn lại của thế giới ngoài Trung quốc. Khu vực tư nhân có thể xây dựng các chiến lược đầu tư mới linh hoạt hơn, để đa dạng hóa các khoản đầu tư của họ và hạn chế phụ thuộc vào Trung Quốc.

Thật ra, không ai muốn mắc cạn trong một vùng nước mà các chính sách địa kinh tế mập mờ, không rõ ràng do Trung Quốc tạo ra.

Và thế giới dường như ngày càng thất vọng với cuộc “trỗi dậy hòa bình”, bất chấp luật lệ quốc tế, của nền kinh tế thứ hai thế giới.

(i) Lưu Minh Phúc:“Giấc mơ Trung Quốc”, NXB Hữu Nghị Bắc Kinh, bản tiếng Việt của NXB Thời Đại, Hà nội 2017
(ii)Ngày 28/9/2019 tại Diễn đàn Liên Hiệp Quốc Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam lên tiếng thúc đẩy chủ nghĩa đa phương là hoàn toàn hợp lý.

(iv)Chỉ riêng tháng 3/2019 xuất khẩu Trung Quốc đã lên 1987 tỉ USD (Statistic portal of China)
(v)Tại cuộc viếng thăm chính thức của Tập Cận Bình đến Anh ngày 21/10/2015, thủ tướng Anh David Cameron va chủ tịch Tập đã ký các hợp đồng kinh tế lên tới 40 tỉ bảng Anh và Anh nới lỏng visa du lịch cho khách Trung Quốc từ 6 tháng lên 2 năm.

(vi)Hầu hết các tham luận của nhóm này đều được trình bày tại Diễn đàn kinh tế thế giới Davos, Thụy Sĩ 2015-2018
(vii)http://vneconomy.vn/xuat-khau-nong-san-sang-trung-quoc-sut-giam-20190915231235937.htm

Trần Ngọc Châu

Nguồn Saigon Times: https://www.thesaigontimes.vn/294708/that-vong-voi-chinh-sach-dia-kinh-te-map-mo-cua-trung-quoc.html