Thất vọng với Mỹ, Palestine quay sang trông cậy vào Trung Quốc
Sau khi làm trung gian để hai đối thủ Iran và Ả-rập Xê-út hòa giải, Trung Quốc tiếp tục tìm cách củng cố hơn nữa hình ảnh của một cường quốc ở Trung Đông.
Đón Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas đến thăm ngày 14/6, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nêu ra bản đề xuất của Bắc Kinh để mang lại hòa bình cho Israel và Palestine.
Kế hoạch này phần lớn nhắc lại những đề xuất mà Trung Quốc đã nêu ra trong thập kỷ qua: Thành lập hội nghị quốc tế để thúc đẩy các cuộc đàm phán hòa bình nhằm tiến tới thành lập nhà nước Palestine có chủ quyền, dựa trên ranh giới trước năm 1967 và viện trợ quốc tế để duy trì thực thể mới.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, người đang điều hành chính phủ cực hữu nhất trong lịch sử Israel, chắc chắn sẽ từ chối đề xuất này. Nhưng đối với Palestine, Trung Quốc là nước trung gian hòa giải mà họ mong đợi và tin tưởng hơn nhiều so với Mỹ.
Trong một cuộc phỏng vấn gần đây, Bộ trưởng Phúc lợi xã hội Palestine Ahmad Majdalani nói rằng Trung Quốc đang ở vị thế tốt hơn để thuyết phục Israel nhượng bộ, sau khi Mỹ nhiều năm từ chối gây áp lực lên đồng minh.
“Chúng tôi không nghĩ vận mệnh của thế giới nằm trong tay người Mỹ. Có những cường quốc mới nổi khác trên thế giới”, ông Majdalani nói.
Vị bộ trưởng 68 tuổi cho rằng Mỹ là một quốc gia đang suy thoái, một quốc gia thất bại trong việc áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế do chính mình đề ra đối với Israel.
Chủ tịch Trung Quốc khẳng định, ông sẵn sàng “đóng vai trò tích cực” trong dàn xếp các cuộc đàm phán hòa bình về vấn đề Palestine, đồng thời tiến tới việc công nhận Palestine là “thành viên đầy đủ” của Liên Hợp Quốc.
Các cuộc đàm phán hòa bình xung quanh xung đột Israel - Palestine đình trệ kể từ năm 2014 và không có triển vọng nào để vượt qua bế tắc. Năm 2022 là một trong những năm chết chóc nhất trong cuộc xung đột, khi bạo lực bùng phát giữa hai bên, Liên Hợp Quốc cho biết.
Mãi đến gần đây, Trung Quốc vẫn chưa có thành tích nào trong nỗ lực đóng vai trò trung gian. Tuy nhiên, điều đó thay đổi vào tháng 3, khi Bắc Kinh kết nối cho sự hòa giải tạm thời giữa Iran và Ả Rập Saudi, sau nhiều năm bế tắc ngoại giao giữa hai đối thủ lịch sử. Thỏa thuận này cho thấy sự thay đổi sau nhiều năm Bắc Kinh không muốn tham gia vào những tranh chấp ở nước ngoài.
Trung Quốc cũng đã đưa ra kế hoạch nhằm tìm được một giải pháp chính trị cho cuộc xung đột giữa Nga ở Ukraine, trong đó có điều kiện ngừng bắn, điều mà Ukraine và các đồng minh đều bác bỏ vì cho rằng có lợi cho Nga.