Thấu hiểu, sẻ chia cùng chiến sĩ mới

Năm 2024, Sư đoàn 312 (Quân đoàn 12) đón nhận số lượng lớn thanh niên nhập ngũ vào đơn vị. Được sự quan tâm, giúp đỡ của cán bộ các cấp, chiến sĩ mới (CSM) dần vượt qua những bỡ ngỡ ban đầu, quen với môi trường quân ngũ, xác định rõ trách nhiệm, quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Gần 24 giờ nhưng phòng ở của Thượng úy Đỗ Việt An, Trung đội trưởng Trung đội 5, Đại đội 2, Tiểu đoàn 1 (Trung đoàn 141) vẫn sáng đèn. Trong phòng, anh đang ghi chép tỉ mỉ, cụ thể về trích ngang lý lịch, điều kiện hoàn cảnh gia đình của CSM Trần Anh Đức (sinh năm 2002) và Trần Minh Toàn (sinh năm 2006), quê ở xã Nghĩa Thịnh, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định. Đức và Toàn là anh em ruột cùng xung phong nhập ngũ. Bố và mẹ của hai chiến sĩ đều đã qua đời.

Những ngày đầu về đơn vị công tác, anh em Đức, Toàn tỏ ra khá kín tiếng, ít giao tiếp với mọi người. Sau khi nắm được hoàn cảnh gia đình của hai đồng chí, Thượng úy Đỗ Việt An báo cáo với chỉ huy đại đội, để cán bộ trong đơn vị cùng chia sẻ, động viên, giúp đỡ. Sau những giờ huấn luyện ngoại khóa, anh dành nhiều thời gian trò chuyện, tâm sự với Đức và Toàn. Anh An kể cho hai anh em nghe về truyền thống Trung đoàn trong chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, những tấm gương cán bộ, chiến sĩ của đơn vị đã anh dũng hy sinh, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chiến đấu; đồng thời động viên hai anh em yên tâm công tác trong đợt huấn luyện CSM sắp tới. Vào những giờ nghỉ, ngày nghỉ, anh cho hai anh em mượn điện thoại để gọi về cho người thân. Theo Thượng úy Đỗ Việt An, anh em ruột như Đức và Toàn cùng tình nguyện nhập ngũ vào đơn vị là điều rất đáng trân trọng. Bản thân anh An cũng như nhiều cán bộ của đơn vị luôn chủ động quan tâm, động viên, giúp đỡ, đồng hành với CSM, đặc biệt là những trường hợp có hoàn cảnh khó khăn để bộ đội yên tâm tư tưởng.

Cán bộ Trung đội 8, Đại đội 3, Tiểu đoàn 17 (Sư đoàn 312) trò chuyện thân tình với chiến sĩ mới.

Cán bộ Trung đội 8, Đại đội 3, Tiểu đoàn 17 (Sư đoàn 312) trò chuyện thân tình với chiến sĩ mới.

Cùng đội ngũ cán bộ của đơn vị tìm hiểu, nắm, rà soát chất lượng chính trị của CSM ở các đơn vị thuộc Sư đoàn 312, chúng tôi nhận thấy đội ngũ cán bộ luôn là điểm tựa tinh thần của bộ đội, chỗ dựa tin cậy để CSM bộc bạch nỗi niềm. Câu chuyện của CSM Trần Duy Nhật (quê ở xã Xuân Trung, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định), biên chế ở Trung đội 8, Đại đội 3, Tiểu đoàn 17, là một minh chứng cụ thể. Tròn một tuần nhập ngũ vào đơn vị nhưng Trần Duy Nhật vẫn chưa thực sự hòa nhịp cùng đồng đội. Hằng đêm, khi mọi người đã chìm sâu vào giấc ngủ thì Nhật vẫn chưa thể nào chợp mắt. Anh nằm trằn trọc, thở dài trên giường, mắt có khi ngấn lệ đến tận khuya. Đi kiểm tra việc ngủ nghỉ, canh gác của trung đội, Trung úy Trần Văn Giang, Trung đội trưởng rỉ tai nhắc Nhật ngủ sớm để bảo đảm sức khỏe. Ngay hôm sau, Trần Văn Giang ngồi thật gần trên chiếc ghế đá, tay để trên vai người lính trẻ, hai người cùng tâm sự hồi lâu. Cảm nhận được tấm chân tình của trung đội trưởng, Nhật mở lòng: “Mấy hôm nay, tâm trạng em rối bời. Mẹ em ở nhà đang bị ốm. Thương mẹ, nhiều đêm em nằm khóc vì nhớ mẹ...”.

Cán bộ Trung đội 8, Đại đội 3, Tiểu đoàn 17 (Sư đoàn 312) hướng dẫn chiến sĩ mới cách mang mặc.

Cán bộ Trung đội 8, Đại đội 3, Tiểu đoàn 17 (Sư đoàn 312) hướng dẫn chiến sĩ mới cách mang mặc.

Thấu hiểu nỗi buồn của chiến sĩ, những ngày sau đó, Trần Văn Giang dành nhiều thời gian an ủi, chia sẻ, động viên và thường xuyên gọi điện hỏi thăm tình hình sức khỏe của mẹ Nhật. Anh dành số tiền nhỏ mua tặng Nhật cuốn sổ để mỗi khi rảnh rỗi ghi chép lại lời bài hát mình thích, những vần thơ vui để vơi đi nỗi nhớ nhà, nhớ mẹ. Nhận cuốn sổ tay, Nhật cảm động, hứa sẽ không ủy mị, vượt qua khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Theo Trung úy Trần Văn Giang, trong quá trình huấn luyện CSM, cán bộ cần xác định rõ vai trò của mình, trong công việc là người chỉ huy, cấp trên của chiến sĩ, nhưng trong cuộc sống là người anh, có lúc là người bạn và phải phân biệt rõ giữa công việc và cuộc sống. Người cán bộ biết đau cùng nỗi đau của chiến sĩ, thấy vui mỗi khi chiến sĩ có niềm vui và trưởng thành, có như thế mới xây dựng được uy tín, niềm tin và tạo dựng tình cảm chân thành với CSM.

Thượng tá Lê Thanh Tùng, Phó chủ nhiệm Chính trị Sư đoàn 312 khẳng định: “Để CSM yêu mến đơn vị từ những ngày đầu, tuần đầu huấn luyện, chúng tôi tập trung vào giải quyết tốt công tác tư tưởng và bảo đảm tốt đời sống vật chất, tinh thần; đồng thời yêu cầu đội ngũ cán bộ phải chân tình, cởi mở, coi CSM như người thân ruột thịt để chỉ bảo, giúp đỡ trong mọi điều kiện, hoàn cảnh. Cán bộ các cấp thường xuyên gần gũi, kịp thời nắm bắt tư tưởng, tình cảm của CSM để giải quyết mọi vướng mắc nảy sinh, tạo không khí hòa đồng, thân mật, gắn bó với đơn vị từ những ngày đầu”.

Bài và ảnh: ĐÀO NGỌC LÂM

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/thau-hieu-se-chia-cung-chien-si-moi-767188