Thâu tóm 11 công ty chăn nuôi trong 3 tháng, BAF hiện có bao nhiêu công ty con trong hệ sinh thái?
Công ty Cổ phần Nông nghiệp BAF Việt Nam (HoSE: BAF) mới đây đã thông qua kế hoạch mua 60% vốn tại Công ty TNHH Chăn nuôi Minh Phát và Công ty TNHH Chăn nuôi Nhất Quyết. Đây là hai công ty chăn nuôi có cùng mức vốn điều lệ 60 tỷ đồng tại tỉnh Bình Phước.
Theo đó, BAF sẽ nhận chuyển nhượng 60% vốn điều lệ tại Công ty TNHH Chăn nuôi Minh Phát. Đây là công ty có địa chỉ tại tiểu khu 104, ấp Thạnh Tây, xã Lộc Tấn, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước. Vốn điều lệ của Chăn nuôi Minh Phát là 60 tỷ đồng, hoạt động chính là cho thuê chuồng trại chủ sở hữu, chủ sử dụng hoặc đi thuê.
Bên cạnh đó, BAF cũng thông qua việc nhận 60% vốn tại Công ty TNHH Chăn nuôi Nhất Quyết có địa chỉ tại tiểu khu 104, ấp Thạnh Tây, xã Lộc Tấn, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước. Trong đó, đơn vị này có vốn điều lệ 60 tỷ đồng, hoạt động chính là cho thuê chuồng trại chủ sở hữu, chủ sử dụng hoặc đi thuê.
Như vậy, tính từ tháng 10/2024 đến nay, BaF Việt Nam đã tiến hành M&A đối với 11 công ty chăn nuôi tại các địa phương Thanh Hóa, Quảng Trị, Đắk Lắk và Bình Phước. Còn trước đó vào đầu năm 2024, công ty này cũng mua lại 99,9% vốn góp tại CTCP Chăn nuôi CNC Thành Đạt Gia Lai.
BaF Việt Nam cho biết các doanh nghiệp chăn nuôi được M&A đợt này đều đang có sẵn quỹ đất dành cho hoạt động chăn nuôi hoặc đang trong quá trình hoàn thiện thủ tục pháp lý để triển khai trang trại; đồng thời có kế hoạch mua lại toàn bộ vốn của các công ty này.
Động thái thâu tóm diễn ra mạnh mẽ sau khi đơn vị sắp được nguồn vốn mới. BAF Việt Nam đang triển khai phương án phát hành tối đa 65 triệu cổ phiếu riêng lẻ cho 24 nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, tỷ lệ tăng vốn gần 27,2%. Giá chào bán là 15.500 đồng/cổ phiếu, tương đương với số tiền dự kiến huy động hơn 1.000 tỷ đồng. Cổ phiếu sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng một năm kể từ ngày hoàn thành đợt chào bán.
Hoạt động M&A cũng có thể nhằm tận dụng các quy định mới của Luật Chăn nuôi đã có hiệu lực từ ngày 1/1/2025. Theo đó, các cơ sở chăn nuôi trong khu vực không được phép chăn nuôi của thành phố, thị xã, thị trấn và khu dân cư sẽ buộc phải di dời.
Ban lãnh đạo BaF Việt Nam cũng chia sẻ, công ty dự kiến chi khoảng 3.000 tỷ đồng, để xây dựng 15 trang trại trong năm 2025. Nếu xây không kịp, công ty sẽ đi thuê hoặc tìm kiếm đối tác có sẵn vốn và quỹ đất để xây dựng trang trại theo mô hình của công ty rồi tiến hành thuê lại.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2024, BAF có 34 công ty con với tỷ lệ sở hữu từ 90-100% vốn. Như vậy, sau loạt M&A vừa qua, ước tính đơn vị này có tới 45 công ty con.
Về tình hình tài chính, quý III/2024, BAF ghi nhận doanh thu thuần đạt hơn 1.300 tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ năm trước nhờ kiểm soát tốt chi phí và giá nguyên liệu đầu vào giảm. Trong đó, doanh thu từ mảng bán heo ghi nhận mức tăng ấn tượng, đạt 856 tỷ đồng, cao gấp 2,3 lần so với cùng kỳ, chiếm 65% tổng cơ cấu doanh thu.
Lợi nhuận gộp của BAF tăng đáng kể, cùng với việc giảm lỗ từ các hoạt động khác đã giúp công ty đạt lãi ròng 60 tỷ đồng trong quý III, tăng 51% so với cùng kỳ.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh thu công ty đạt 3.900 tỷ đồng, tăng 8%, trong khi lợi nhuận sau thuế tăng mạnh hơn 4 lần, lên mức 214 tỷ đồng.
Trong một dự báo mới đây, Chứng khoán VCBS dự báo cơ cấu chăn nuôi chuẩn dần từ hộ nhỏ lẻ sang các doanh nghiệp lớn nhờ Luật chăn nuôi có hiệu lực từ 1/1/2025. Đồng thời, giá heo được dự báo sẽ tạo đỉnh ở cuối năm 2024 và bắt đầu điều chỉnh trong năm 2025. Động lực tăng trưởng dài hạn của BAF nhờ nỗ lực mở rộng đàn và tối ưu quy trình chăn nuôi.
Từ phân tích trên, đơn vị phân tích dự báo doanh thu quý IV của BAF đạt 4.769 tỷ đồng, tăng 156% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt 54 tỷ, tăng 286%. Sang năm 2025, VCBS dự phóng doanh thu thuần BAF đạt gần 8.700 tỷ, lợi nhuận sau thuế đạt 304 tỷ, tăng trưởng lần lượt 9% và 13% so với năm 2024.