Thấy bánh chưng là thấy Tết!
Bánh chưng không chỉ là bánh chưng, nó còn là sự thách thức độ vững bền của cả nền tảng văn hóa trước sự biến động của thời cuộc.
Bánh chưng là món ăn truyền thống trong mâm cỗ ngày Tết, là linh hồn của dân tộc Việt bao đời nay. Những tinh hoa của đất trời tạo nên chiếc bánh mang đến mùi hương thơm lừng hòa quyện hương lá dong, gạo nếp, cùng vị ngọt bùi của đậu xanh, vị ngậy béo của nhân thịt ba rọi tất cả tạo nên hương vị Tết đặc trưng không lẫn vào đâu được.
Bánh chưng là văn hóa, là nguồn cội
Tết đến Xuân về, trong mỗi gia đình người Việt không thể thiếu bánh chưng. Các cụ từ lâu đã nói rằng “thấy bánh chưng là thấy Tết”, trong nhà mà không có bánh chưng hẳn như sẽ thiếu đi cả cái không khí Tết.
Bánh chưng cũng là loại bánh duy nhất trong ẩm thực truyền thống Việt Nam còn được sử sách nhắc lại. Bánh chưng ra đời bắt nguồn từ truyền thuyết Lang Liêu và gắn với sự tích “Bánh chưng bánh dày”.
Tương truyền vào đời vua Hùng thứ 6, sau khi phá xong giặc Ân, đất nước thái bình nên vua muốn truyền ngôi cho con bèn bảo rằng: “Ai đem lễ vật hợp với ý của ta đến dâng cúng Tiên Vương cho tròn đạo hiếu thì ta sẽ truyền ngôi cho”. Trong khi các hoàng tử khác đua nhau đi tìm của ngon, vật lạ thì chỉ có Lang Liêu vì mẹ mất sớm, gia cảnh khó khăn nên lo lắng không biết chuẩn bị gì. Sau một đêm nằm mơ thấy thần nhân bảo rằng: “Trong trời đất không có vật gì quý bằng gạo, vì gạo là vật để nuôi sống con người và có thể ăn mãi không chán, không có vật gì hơn được. Nếu giã gạo nếp gói thành hình tròn để tượng trưng cho Trời và lấy lá gói thành hình vuông để tượng trưng cho Đất, ở trong làm nhân ngon, bắt chước hình trạng trời đất bao hàm vạn vật, ngụ ý công ơn dưỡng dục của cha mẹ, như thế thì lòng cha sẽ vui, nhà ngươi chắc được ngôi quý”.
Lang Liêu tỉnh dậy và thực hiện đúng như những lời được chỉ bảo trong giấc mơ. Chàng lựa những hạt nếp trắng tinh, không sứt mẻ, đem vo cho sạch, rồi lấy lá xanh gói thành hình vuông, bỏ nhân ngon vào giữa, đem luộc chín tượng trưng cho Đất, gọi là bánh chưng. Lại lấy nếp nấu xôi đem quết cho nhuyễn, nhào thành hình tròn để tượng trưng cho Trời, gọi là bánh dày. Đúng kỳ hẹn, Vua hội họp các con lại để mang lễ vật đến cúng Tổ tiên. Giữa rất nhiều sơn hào hải vị, Vua Hùng chỉ hài lòng duy nhất với món bánh chưng và bánh dày của Lang Liêu và truyền ngôi cho chàng. Từ đó về sau, hàng năm cứ mỗi dịp giỗ Tổ Vua Hùng và vài dịp Tết, người dân lại làm bánh chưng, bánh dày để tưởng nhớ công ơn vua Hùng và bày tỏ lòng thành với Tổ tiên.
Bánh chưng không đơn thuần là một món ăn, mà là nguồn cội, là văn hóa, là sự tổng hòa của trời, đất với những tinh túy mà thiên nhiên ban tặng người Việt.
Thấy bánh chưng là thấy Tết! Vậy nên người Việt dù ở đâu, làm gì, vẫn luôn mong ngóng được trở về quây quần bên gia đình, cùng nhau học cách làm bánh chưng hay ngồi canh nồi bánh sôi sục, nóng hổi trên bếp lửa để cảm nhận không khí Tết đang ùa về.
Đâu chỉ là bánh chưng
Cứ vào những ngày giáp Tết, các gia đình Việt lại có phong tục gói bánh chưng như duy trì một nét đẹp văn hóa truyền thống lâu đời.
Xưa, gói bánh chưng ngoài việc dâng lên tổ tiên, ngoài ra cốt yếu là để có cái ăn no và ngon trong ba ngày Tết, bởi lúc đó đời sống còn khó khăn. Nay gói bánh chưng cốt để được hít hà cái hương vị đã ăn sâu trong tâm thức từ thời ấu thơ; để giữ sợi giây kết nối giữa quá khứ với hiện tại, giữa các thế hệ và thành viên trong gia đình, để trao truyền một thói quen của gia đình, đó là giá trị truyền thống văn hóa...
Bởi vậy khi cuộc sống đủ đầy thì con người càng nhận ra và muốn trở về với những giá trị văn hóa thực. Không còn cảnh ăn xổi, xính ngoại mà thay vào đó những nếp văn hóa cổ truyền được người Việt thực hiện với một sự nâng niu, trân trọng.
Nhất là khi dịch bệnh covid ngày một diễn biến phức tạp. Khi phải đối mặt với dịch bệnh con người ta biết quý trọng cuộc sống, trân trọng các mối quan hệ và quay về với những giá trị cổ truyền.
Hình ảnh nhà nhà gói bánh chưng, người người rạng rỡ học gói bánh chưng tràn ngập faceboook đủ để thấy rằng đã là nguồn cội, đã là giá trị không thể mai một. Giờ đây đâu còn đói, bánh chưng có quanh năm, nhưng bánh chưng gói ngày Tết thực sự mang một ý nghĩa rất riêng khó mà diễn tả thành lời. Chỉ biết rằng Tết có thể thiếu nhiều món sơn hào hải vị nhưng không thể thiếu món bánh chưng dân giã mộc mạc. Bởi không có bánh chưng đâu thể gọi là Tết.
Văn hóa là sự kết nối từ thế hệ này sang thế hệ khác như một dòng chảy ngầm. Không phải đao to búa lớn, hô vang khẩu hiệu mà tự thân người Việt sẽ hiểu và thấm được những giá trị đó và mỗi người là một đại sứ lan tỏa tình yêu đất nước, dân tộc và cả những văn hóa truyền thống lâu đời. Hình ảnh gia đình quây quần gói bánh chưng và trông nồi bánh trong ngày giáp Tết sẽ mãi được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Vì vậy, bánh chưng không chỉ là bánh chưng, nó còn là sự thách thức độ vững bền của cả nền tảng văn hóa trước sự biến động của thời cuộc. Và dù thời cuộc có đổi thay thì “thấy bánh chưng là thấy Tết” là điều có thực và trong lòng mỗi người Việt đều tràn ngập xúc cảm của mùa Xuân đang gõ cửa từng nhà./.
Nguồn VOV: https://vov.vn/goc-nhin/thay-banh-chung-la-thay-tet-836952.vov