Thầy Bùi Văn Quân đề xuất hướng phát triển trường đào tạo giáo viên địa phương

Để tạo điều kiện cho cơ sở đào tạo giáo viên trong bối cảnh mới, Bộ Giáo dục cần đẩy nhanh việc phân loại, đặc biệt là phân tầng các cơ sở này.

Hệ thống đào tạo giáo viên của nước ta hiện nay đã có cống hiến vô cùng to lớn với sự nghiệp phát triển giáo dục nước nhà, nhất là với giáo dục mầm non và phổ thông.

Tuy nhiên, hệ thống này cũng bộc lộ một số hạn chế như phát triển mạng lưới cơ sở đào tạo giáo viên chưa thực sự xuất phát từ nhu cầu phát triển giáo viên; Chưa có sự phân tầng trong mạng lưới cơ sở đào tạo giáo viên; Các cơ sở đào tạo giáo viên chưa gắn kết chặt chẽ với các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, chưa chú ý đúng mức đến các điều kiện đảm bảo chất lượng nên phát triển thiếu bền vững, năng lực cạnh tranh thấp…

Do đó, trong bối cảnh đổi mới giáo dục và đào tạo hiện nay, cơ cấu mạng lưới và phương thức đào tạo giáo viên cần phải có sự thay đổi. Tuy nhiên, tái cấu trúc hệ thống này cần được thực hiện như thế nào là điều cần được bàn thảo kỹ.

Phó giáo sư Bùi Văn Quân – Hiệu trưởng trường Đại học Thủ đô Hà Nội chia sẻ với Báo điện tử Giáo dục Việt Nam rằng, cần khẳng định chủ trương của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc xây dựng các trường sư phạm trọng điểm và nòng cốt là chủ trương đúng, hợp quy luật phát triển.

Bởi phát triển không đi theo hàng ngang mà cần đến những mũi nhọn, những khâu đột phá. Việc đầu tư xây dựng các trường sư phạm trọng điểm và nòng cốt là tạo mũi nhọn, tạo khâu đột phá nhờ đó kéo theo sự phát triển của ngành Sư phạm.

Theo Phó giáo sư Bùi Văn Quân, Để tạo điều kiện cho cơ sở đào tạo giáo viên trong bối cảnh mới, Bộ Giáo dục cần đẩy nhanh việc phân loại, đặc biệt là phân tầng các cơ sở này. (Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn)

Theo Phó giáo sư Bùi Văn Quân, Để tạo điều kiện cho cơ sở đào tạo giáo viên trong bối cảnh mới, Bộ Giáo dục cần đẩy nhanh việc phân loại, đặc biệt là phân tầng các cơ sở này. (Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn)

Tuy nhiên, cũng nên nhận thức đầy đủ rằng, những thay đổi của các yếu tố mũi nhọn, đột phá là quan trọng nhưng không phải là tất cả, và những yếu tố này hoàn toàn không thể thay thế cho cả hệ thống.

Cụ thể hơn, cùng với việc xây dựng các trường sư phạm trọng điểm và nòng cốt cần phải có sự quan tâm thỏa đáng đến sự phát triển của các cơ sở đào tạo giáo viên khác, nhất là các cơ sở đào tạo giáo viên ở các địa phương.

Theo đó, thầy Quân cho rằng, vấn đề quan trọng là, không nên đặt vấn đề về sự tồn tại hay không tồn tại của các cơ sở đào tạo giáo viên ở địa phương mà cần đặt vấn đề về việc bằng cách nào để nâng cao ý nghĩa, nâng tầm giá trị của các cơ sở đào tạo giáo viên ở địa phương trong công cuộc đổi mới căn bản giáo dục và đào tạo, đặc biệt là trong triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới.

Bởi lẽ, các cơ sở đào tạo giáo viên ở địa phương luôn mong muốn một môi trường phát triển minh bạch, công bằng để phát huy tiềm năng của mình trong phát phát triển giáo dục của địa phương và cả nước.

Chính vì vậy, Hiệu trưởng trường Đại học Thủ đô Hà Nội đề xuất một số vấn đề cần được quan tâm để các cơ sở đào tạo giáo viên ở địa phương có được cơ hội thể hiện và phát triển.

Thứ nhất, các cơ sở đào tạo giáo viên ở địa phương có vai trò quan trọng trong việc đáp ứng đặc điểm về sự phân bổ rộng khắp của giáo dục.

Với giáo dục, ở đâu có dân cư, ở đó có giáo dục. Vì thế, phát triển nhân lực giáo dục phụ thuộc vào sự phát triển dân số, sự phát triển của các cộng đồng dân cư và phân bổ nhân lực giáo dục là rộng khắp, không đồng đều.

Đặc điểm này khiến cho nhu cầu về đào tạo giáo viên tại chỗ là nhu cầu có thật và các cơ sở đào tạo giáo viên địa phương đáp ứng tốt nhu cầu này.

Thứ hai, nhiều cơ sở đào tạo giáo viên ở địa phương sẽ đáp ứng tốt với những chuẩn mực về đào tạo giáo viên do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định

Quản lý dựa vào chuẩn là xu hướng của quản lý hiện đại. Môi trường công bằng cho sự phát triển của các cơ sở đào tạo giáo viên địa phương là các công cụ quản lý, điều hành các cơ sở đào tạo giáo viên nói chung do Chính phủ và Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng, áp dụng.

Một trong những công cụ này là hệ thống chuẩn quy định đối với cơ sở đào tạo giáo viên và hoạt động đào tạo giáo viên áp dụng chung trong toàn quốc.

Với truyền thống nhiều năm xây dựng và phát triển, nhiều cơ sở đào tạo giáo viên ở địa phương sẽ đáp ứng được những chuẩn đó và đương nhiên nó phải được đầu tư, phát triển (các cơ sở đào tạo giáo viên ở địa phương rất cơ ưu thế về đào tạo giáo viên mầm non, tiểu học và trung học cơ sở).

Theo quan điểm này, một số cơ sở đào tạo giáo viên ở địa phương sẽ có cơ hội được lựa chọn đưa vào danh sách các trường sư phạm được lựa chọn để đầu tư xây dựng thành trường sư phạm trọng điểm, nòng cốt.

Thứ ba, các cơ sở đào tạo giáo viên ở địa phương có điều kiện thuận lợi trong việc gắn kết với các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông trên địa bàn và là đơn vị thực hiện các hợp đồng đào tạo giáo viên trên cơ sở dự báo nhân lực giáo dục của địa phương.

Hiện nay, do tình trạng thừa giáo viên, số sinh viên sư phạm tốt nghiệp chưa được tuyển dụng khá lớn nên dư luận xã hội có những bức xúc nhất định. Ngành giáo dục đã có những biện pháp nhằm điều chỉnh về quy mô đào tạo giáo viên, tuy nhiên đây là những biện pháp có tính chất tình thế, ứng phó dư luận trong bối cảnh “khủng hoảng thừa giáo viên”. Việc phát triển quy mô đào tạo giáo viên phải tính đến cả tình huống của “khủng hoảng thiếu giáo viên”.

Do vậy, có 2 việc phải làm: Một là, mỗi địa phương phải có dự báo nhân lực giáo dục với sự đa dạng các phương án dự báo; trên cơ sở đó thực hiện ký kết hợp đồng đào tạo với cơ sở đào tạo giáo viên ở địa phương (chú trọng về chất lượng đào tạo; các loại hình giáo viên…);

Hai là, tạo nguồn nhân lực dự trữ cho ngành giáo dục bằng việc triển khai nhiều mô hình, phương thức đào tạo giáo viên. Chẳng hạn, mô hình đào tạo tiếp nối không định hướng. Mô hình này tạo ra cơ hội cho nhiều sinh viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng (không phải sư phạm) có thể trở thành giáo viên trong những bối cảnh cụ thể.

Thứ tư, những thay đổi về chuẩn trình độ đào tạo giáo viên rất cần đến sự hỗ trợ của Bộ Giáo dục và Đào tạo với các cơ sở đào tạo giáo viên ở địa phương

Việc nâng chuẩn trình độ đào tạo của giáo viên lên trình độ đại học là một rào cản không nhỏ với hướng phát triển của các cơ sở đào tạo giáo viên, nhất là các cơ sở đào tạo giáo viên hiện chỉ được phép đào tạo giáo viên trình độ cao đẳng.

Để tạo điều kiện cho các cơ sở đào tạo giáo viên trong bối cảnh mới, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần đẩy nhanh việc phân loại, đặc biệt là phân tầng các cơ sở đào tạo giáo viên.

Việc phân tầng các cơ sở đào tạo giáo viên không chỉ giúp định hướng đầu tư phát triển các cơ sở đào tạo giáo viên phù hợp mà còn giúp cho các cơ sở đào tạo giáo viên gắn kết chặt chẽ với nhau về phương diện chất lượng đào tạo; đồng thời đáp ứng yêu cầu kết hợp giữa quản lý theo ngành và quản lý theo lãnh thổ đối với các cơ sở đào tạo giáo viên.

Căn cứ kết quả phân tầng, có thể suy nghĩ đến mô hình đào tạo giáo viên bởi sự gắn kết trách nhiệm giữa các cơ sở đào tạo giáo viên trong việc đào tạo giáo viên có trình độ đại học, giải quyết bài toán đào tạo giáo viên trình độ đại học của các cơ sở đào tạo giáo viên ở địa phương hiện chưa được đào tạo giáo viên trình độ đại học (mô hình này khác với liên kết đào tạo, đào tạo liên thông chúng ta đang làm).

Thùy Linh

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/thay-bui-van-quan-de-xuat-huong-phat-trien-truong-dao-tao-giao-vien-dia-phuong-post202787.gd